Sức khỏe
Nơi được ví là 'chuyến xe định mệnh cuối cùng'
- Thứ sáu, 27/2/2015 07:47 (GMT+7)
- 07:47 27/2/2015
Với các bác sĩ ở khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, nghề y không chỉ vinh quang mà có cả sự day dứt. Trong hơn 100 ca cấp cứu mỗi ngày, ít nhất 10 trường hợp không qua khỏi hoặc xin về.
|
Cứ 5 phút, xe cấp cứu chở bệnh nhân lại nối đuôi đỗ trước sảnh khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Trong tư thế luôn sẵn sàng, các bác sĩ nhanh chóng đưa người bệnh vào khoa tiến hành cứu chữa. |
|
Mỗi người một việc, chưa khi nào các bác sĩ, điều dưỡng mất thời gian phân công xử lý công việc. |
|
Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai là nơi chủ yếu tiếp nhận những bệnh nhân nội khoa (tim mạch, hô hấp, nhiễm trùng) hoặc chấn thương nặng, tính mạng nguy kịch cần can thiệp ngay. Lượng bệnh nhân vào đây trung bình mỗi ngày từ 100-150 ca, trong đó 50% là trường hợp nguy kịch. Mặc dù vậy, nhân lực của khoa chỉ có 15 bác sĩ và hơn 60 y tá nên họ luôn trong tình trạng quá tải. Hơn nữa, một sơ suất nhỏ trong quá trình cấp cứu có thể khiến tính mạng bệnh nhân rơi vào tay "tử thần" nên áp lực của các bác sĩ, y tá tại đây càng lớn.
|
|
TS.BS Mai Duy Tôn cho biết, các ca cấp cứu thường dồn dập về đêm khiến mỗi ca trực luôn là nỗi ám ảnh đối với đội ngũ nhân viên y tế. |
|
Bác sĩ này cho biết, không chỉ vất vả, nghề y nói chung và khoa Cấp cứu nói riêng còn có nhiều nguy cơ, rủi ro lây bệnh. Một kỷ niệm mà anh không bao giờ quên là khi cùng đồng nghiệp đương đầu với dịch SARS vào năm 2002. Tất cả nhân viên không được về nhà, bị cách ly hoàn toàn. Nỗi ám ảnh trong thời điểm đó anh từng nghĩ đến chuyện bỏ nghề. "Tuy nhiên khi đã vượt qua khó khăn ấy, chúng tôi tin rằng không còn ngọn núi nào không thể vượt qua", TS.BS Mai Duy Tôn tâm sự.
|
|
Là nơi được ví như "đầu sóng ngọn gió", "chuyến xe định mệnh cuối cùng" của các bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới hoặc các ca bệnh nguy kịch bất ngờ, các bác sĩ cấp cứu không chỉ phải đối mặt với áp lực cứu người mà thường xuyên phải đối mặt với lối hành xử không đúng mực từ bệnh nhân hoặc gia đình họ. |
|
Tuy nhiên, các bác sĩ, điều dưỡng vẫn luôn thấy tự hào khi cứu sống hàng ngàn bệnh nhân nguy kịch. Dù còn nhiều vất vả nhưng đội ngũ bác sĩ, y tá nơi đây thấy ấm lòng bởi tinh thần đồng đội của các đồng nghiệp hiếm nơi nào có.
|
|
Chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân những khi đau ốm, các bác sĩ thường để "tự khỏi" vì không có thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức. Thậm chí, nhiều người còn tồn hàng trăm ngày nghỉ nhưng không có thời gian dùng đến.
|
|
Với họ, nghề y không chỉ có vinh quang mà còn cả những day dứt, đau đớn. Bởi trong hơn 100 ca cấp cứu mỗi ngày, ít nhất 10 trường hợp không qua khỏi hoặc xin về. Nhiều bệnh nhân tử vong quá nhanh khi các bác sĩ chưa tìm ra nguyên nhân cho dù hàng ngày, cả tập thể cùng nhau hội chẩn. |
|
"Ngành nào cũng có người tốt, người xấu nhưng mặt xấu chỉ là thiểu số. Người dân hãy đặt mình vào nhân viên y tế, hãy thức trắng đêm cùng chúng tôi để trải nghiệm những giây phút căng thẳng ấy để có cái nhìn đúng hơn, rộng lượng hơn", BS Mai Duy Tôn nói. |
|
Hầu hết y, bác sĩ ở khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai đều khẳng định sẽ vẫn chọn nghề y dù bị cho rằng "bạc bẽo như vôi". |
|
Bên cạnh công việc chữa trị, chăm sóc, hàng ngày các bác sĩ còn tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân bằng cách rửa sạch lại dụng cụ rồi xử lý vô trùng để dành cho những người mắc bệnh mạn tính, nằm viện cũng như nằm nhà. |
|
Vì vậy, các bác sĩ tại đây cho biết thay vì mất 450 USD/lần chạy thận nhân tạo tại Mỹ. Ở bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân chỉ mất khoảng 450.000 đồng. |
27/2
bác sĩ
cứu người
cấp cứu
Bạch Mai
vất vả