Cảm xúc của con người có 5 cấp độ tiêu cực bao gồm stress, trầm cảm, tự kỷ, vô cảm và tự tử. Nếu không biết cách kiểm soát stress và để cảm xúc này xâm chiếm thời gian dài trên 6 tháng, bạn có khả năng nghĩ đến việc tự tử.
Trong buổi chia sẻ trị liệu mang tên “Sống không stress” do tiến sĩ tâm lý
Phan Thị Huyền Trân tổ chức tối 29/6, gần 50 phụ nữ có vấn đề riêng trong cuộc sống và đối mặt thường xuyên với áp lực đã có nhiều trải nghiệm thú vị.
Ôm thật chặt để hàn gắn “vết thương”
Ôm chặt hàn gắn vết thương. Ảnh: Thảo Nghi. |
Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng cái ôm có tác dụng rất tích cực trong việc xoa dịu tinh thần, chữa lành bệnh, đẩy lùi cảm giác cô đơn hay trầm cảm, căng thẳng. Ít nhất mỗi ngày chúng ta cần đến 8 cái ôm để sống khoẻ mạnh.
Tiến sĩ Phan Thị Huyền Trân đã đưa việc ôm vào buổi trị liệu của mình.
Người tham dự được yêu cầu phải đi quanh phòng và ôm lấy nhau thật chặt. Ban đầu, liệu pháp này khiến nhiều người ngại ngùng vì không có thói quen ôm nhau.
Tuy nhiên, chỉ sau vài cái ôm đủ lâu, nhiều người cho biết họ đã giải toả bớt căng thẳng. Vì khi ôm, cơ thể chúng ta sẽ tiết nhiều hơn lượng oxytocin có tác dụng hàn gắn cảm xúc cô đơn và giận dữ, đồng thời hệ miễn dịch cũng trở nên mạnh mẽ hơn.
Cười to để giải phóng cảm xúc
Cười để giải phóng cảm xúc. Ảnh: Thảo Nghi. |
Tại buổi trị liệu, tiến sĩ Huyền Trân yêu cầu mọi người thả lỏng và tập cười thật to, thành tiếng. Tiếng cười là cách rất tốt để trị liệu tinh thần, nó giúp thả lỏng các cơ bắp và giải phóng endorphin giảm stress.
Giải thích cho liệu pháp này, tiến sĩ cho biết cơ thể của chúng ta không thể phân biệt được giữa cười thật và cười giả, nên chỉ cần cười to bạn vẫn sẽ thấy sảng khoái, giảm đau. Chị Giang Nguyễn, 27 tuổi, cho biết: “Ban đầu, tôi thấy hơi gượng khi cố cười, nhưng đúng là nó giúp tôi lạc quan hơn hẳn. Tôi nghĩ mình sẽ thực hiện bài tập này thường xuyên”.
Nhảy trong bóng tối, đẩy lùi năng lượng xấu
Nhảy để đẩy lùi năng lượng xấu. Ảnh: Thảo Nghi. |
Tâm lý chung của phụ nữ Việt Nam không thích nhảy vì xấu hổ, ngại ngùng. Tuy nhiên, đây lại chính là phần cao trào của liệu pháp chữa trị tâm lý của tiến sĩ Huyền Trân. Đèn trong phòng được tắt hết, chỉ còn tiếng nhạc vang lên, gần 50 người nhắm mắt và nhảy tự do theo cảm nhận riêng về âm nhạc. Nhiều người thậm chí còn rơi nước mắt khi cảm xúc được đẩy lên vì nó giúp họ nhìn lại được tổn thương của bản thân.
Tiến sĩ Huyền Trân cho biết: “Nhảy giúp bạn xua đi năng lượng xấu tích tụ và thay thế bằng năng lượng tốt. Tuy nhiên, điều khó nhất của tôi khi thực hiện liệu pháp này tại Việt Nam là đa số các bạn đều cố gượng để không rơi nước mắt. Chúng ta từ nhỏ được dạy không thể hiện nhiều cảm xúc ra bên ngoài, điều đó cản trở tôi và người khác chạm được vào các bạn”.
Ngoài việc ôm nhau, cười và nhảy trong bóng tối, buổi trị liệu còn mang đến các liệu pháp khác như thôi miên, massage cho nhau và trò chuyện để tháo gỡ khúc mắc.