Lịch sử kỹ thuật nối ghép các bộ phận cơ thể bị đứt rời khởi nguồn từ năm 1965, tại Bệnh viện số 6 Thượng Hải (Trung Quốc), các bác sĩ đã có công bố nối thành công cánh tay bị đứt rời cho một công nhân bị tai nạn lao động.
Năm 1968, hai giáo sư người Nhật là Komatsu và Tamain tiếp tục chắp nối thành công một ngón tay bị đứt rời cho cháu bé 3 tuổi. Năm 1972, một giáo sư khác là Harii cũng chắp nối thành công vạt da đầu cho bệnh nhân.
TS Nguyễn Huy Thọ (ngoài trái cùng) trong lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác vi phẫu thuật với Mỹ tại Bệnh viện Trung ương 108. Ảnh: NVCC. |
Đại tá, TS.BS Nguyễn Huy Thọ - nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình Bệnh viện Quân y 108, Phó chủ tịch Hội Phẫu thật Tạo hình và thẩm mỹ Hà Nội, cho biết nói đến việc ghép nối các bộ phận cơ thể bị đứt lìa không thể không nhắc đến kỹ thuật vi phẫu.
TS Thọ cho biết Việt Nam là một trong những nước thành công với kỹ thuật nối liền các chi thể đứt rời từ rất sớm và được thế giới công nhận về thành tựu này.
Vi phẫu được hiểu là kỹ thuật khâu nối các mạch máu nhỏ trong phạm vi dưới 1 mm đường kính bằng những sợi chỉ 15-42 micron (khoảng 1/10 đường kính của sợi tóc) dưới kính hiển vi phẫu thuật phóng đại 10-20 lần.
Những phần cơ thể bị đứt lìa có thể là phần vận động (các chi thể) hoặc các bộ phận khác như mũi, tai, môi, dương vật,… Mạch máu ở những khu vực này rất nhỏ nên cần có kỹ thuật vi phẫu mới thực hiện được.
Năm 1981, giáo sư Nguyễn Huy Phan (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) là người tiên phong thực hiện nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện thành công kỹ thuật mổ vi phẫu đầu tiên tại Việt Nam cho một bệnh nhận bị máy cắt giấy cắt lìa bàn tay. Lúc này, trên thế giới cũng mới chỉ phát triển kỹ thuật vi phẫu được hơn 10 năm. Việt Nam lúc đó đang gặp khó khăn kinh tế. Tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Huy Phan vẫn quyết tâm tranh thủ sự giúp đỡ của các nhà khoa học quốc tế, đưa kỹ thuật vi phẫu về Việt Nam.
Theo tiến sĩ Nguyễn Huy Thọ, để vi phẫu ghép nối các bộ phận cơ thể bị đứt lìa phải có kính hiển vi kỹ thuật, kim chỉ khâu chấn thương và máy đốt lưỡng cực đồng thời đòi hỏi kỹ năng của bác sĩ thực hiện.
“Kỹ thuật ghép nối này thực hiện dưới kính hiển vi có những đặc thù riêng, thông thường phẫu thuật viên mổ bằng cổ tay, song trong vi phẫu, bác sĩ phải thực hiện bằng ngón tay bởi phẫu trường rất nhỏ và được phóng đại lên trên 10 lần. Muốn sử dụng ngón tay phải có dụng cụ vi phẫu đặc biệt với cấu tạo đặc biệt”, tiến sĩ Thọ nói.
Trên thế giới những năm 70 là thời điểm bùng nổ của kỹ thuật vi phẫu các vạt tự do và nối ghép các bộ phận đứt lìa của cơ thể. Việt Nam là nước sớm thực hiện kỹ thuật này, thậm chí giáo sư Nguyễn Huy Phan còn phối hợp với các kỹ sư của Nhà máy Z133 chế tạo thành công các dụng cụ vi phẫu thuật cơ bản như: Kẹp mạch sóng đôi, kìm cặp kim khâu, nỉa, kéo… Đặc biệt, Viện Khoa học Việt Nam và Viện Công nghệ đã chế tạo được máy đốt lưỡng cực và kim chỉ không chấn thương cỡ 8/0 – những vật dụng không thể thiếu trong vi phẫu thuật.
Có thể ghép nối bộ phận đứt lìa ở đâu?
Tiến sĩ Nguyễn Huy Thọ cho biết trước đây, việc nối lại những phần đứt rời thường rất khó khăn thì ngày nay việc nối lại những bàn tay, ngón tay, chân, dương vật, tai, mũ… đứt rời trong tầm tay của bác sĩ Việt Nam.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện trên 600 ca chi thể đứt lìa. Mới đây, Bệnh viện 198 Bộ Công An cũng có lần đầu tiên thực hiện thành công ca chắp nối bàn tay bị đứt lìa.
Tại khoa Tạo hình của Bệnh viện Việt Đức, hiện có thể nối liền chi thể và các bộ phận đứt lìa như môi, da đầu, vành tai, dương vật (2 trường hợp), mũi. Bình quân mỗi năm, khâu nối 40-50 ca vi phẫu các bộ phận đứt kìa.
Ngoài ra còn có Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Trung Ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM… đều có thể thực hiện tốt kỹ thuật này.
Phần tiếp: Quy trình khâu nối các bộ phận cơ thể bị đứt rời