“Tìm chồng cao để cải thiện gene cho con” là câu nói đùa được nhiều bạn trẻ sử dụng trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này cũng không quá “phi thực tế” khi phần lớn yếu tố quyết định chiều cao cho con trẻ đến từ gene của bố mẹ. Dẫu vậy, vẫn có nhiều phương pháp khác có thể tối ưu chiều cao cho con thay vì tìm chồng.
Nỗi lo không của riêng ai
Chia sẻ với Zing, chị Trần Thị Ngọc Ly (25 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội), thở dài: “Tôi bắt đầu không cao thêm từ năm học lớp 10. Suốt từ đó đến nay, chiều cao của tôi chỉ dừng ở 1,52 m. Lứa của tôi thì không sao nhưng sau này, con tôi cũng vì thế mà chậm phát triển chiều cao so với bạn bè thì cũng tội nó”.
Chị Ly cho biết chồng sắp cưới của mình cũng chỉ cao 1,65 m, khá khiêm tốn so với nam giới tại Việt Nam nói chung. Điều này càng khiến cô gái trẻ lo lắng hơn về chiều cao của con mình trong tương lai.
“Dù sao cũng không chọn lại được chồng nữa rồi. Hy vọng con có thể tự ‘vượt khó’ mà cao hơn. Giờ tôi thấy nhiều bạn trẻ cũng rất cao dù chiều cao của bố mẹ không quá nổi trội”, chị Ly cười.
Nhiều bạn trẻ lo lắng về việc gene sẽ khiến con thấp lùn trong tương lai. Ảnh minh họa: Chuttersnap. |
Chị Nguyễn Thu Hương (29 tuổi, ngụ Hoàng Mai, Hà Nội) cùng chung nỗi lo. Chị Hương đã kết hôn, con gái chị gần một tuổi.
Người phụ nữ này cho biết bản thân cao 1,6 m, không quá thấp so với mặt bằng chung của nữ giới Việt Nam. Tuy nhiên, chồng của chị chỉ cao 1,58 m. Vì chiều cao này, thậm chí cuộc hôn nhân của 2 người từng bị gia đình cấm cản.
“Ban đầu, mẹ tôi không vừa ý chồng tôi bây giờ vì anh thấp quá. Bà cho rằng đi cùng nhau không ‘xứng đôi vừa lứa’, chưa kể lại ảnh hưởng đến chiều cao của con sau này”, chị Hương kể lại.
Dẫu vậy, sau một thời gian chứng minh tình cảm cũng như sự nghiệp, 2 người vẫn được gia đình tác thành. Nhưng sau khi sinh con, ông bà lại lo cháu trưởng thành không cao được như các bạn đồng trang lứa.
“Sau khi sinh, tôi vẫn cố gắng cung cấp đầy đủ cho con các chất dinh dưỡng, tiếp xúc với ánh nắng buổi sáng... để bé phát triển chiều cao tốt nhất. Tới đây, khi bé lớn hơn, tôi sẽ tạo điều kiện để con tập luyện thể thao. Nhưng chuyện bé phát triển đến đâu cũng đành đợi ý trời”, chị tâm sự.
Phụ thuộc vào gene nhưng có thể hỗ trợ từ nhiều yếu tố khác
Theo tiến sĩ Ngô Thị Phượng, khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, con sẽ được thừa hưởng gene quy định chiều cao từ bố mẹ. Chúng ta có thể dựa vào chiều cao của phụ huynh để ước tính chiều cao cho trẻ khi trưởng thành với công thức sau:
Chiều cao con gái = (chiều cao của bố - 13 cm + chiều cao của mẹ)/2.
Chiều cao con trai = (chiều cao của người mẹ + 13 cm + chiều cao của bố)/2.
“Tuy nhiên, trên thực tế, chiều cao của con còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài gene như dinh dưỡng, tập luyện và hormone”, vị chuyên gia khẳng định.
Cụ thể, về chế độ dinh dưỡng, nếu chúng ta bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và vi chất cần thiết cho quá trình phát triển chiều cao, việc làm này có thể hỗ trợ tối đa khả năng phát triển hệ cơ xương, từ đó giúp tăng chiều cao cho trẻ.
Tiến sĩ Phượng cho hay các chất dinh dưỡng cần cho sự phát triển chiều cao bao gồm protein (đặc biệt là lysin), canxi, kẽm, vitamin D và vitamin K2.
Ngoài ra, ánh nắng Mặt Trời cũng rất cần thiết cho sự phát triển chiều cao và sự vững chắc của bộ xương.
“Nguyên nhân là ánh nắng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý không bổ sung quá liều các thành phần dinh dưỡng kể trên để tránh tác dụng phụ có hại”, vị chuyên gia khuyến cáo.
Tập luyện thể thao là một trong những phương pháp giúp tối ưu sự phát triển chiều cao. Ảnh minh họa: Kelly_sikkema. |
Song song với dinh dưỡng là vai trò của tập luyện thể thao trong sự phát triển tối ưu chiều cao. Đến nay, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc tập luyện thể thao sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao tốt hơn do sụn tiếp hợp ở đầu xương được kích thích, từ đó làm chúng tăng trưởng mạnh.
Theo tiến sĩ Phượng, một số môn thể thao hỗ trợ tốt cho sự phát triển chiều cao của trẻ là chạy bộ, nhảy dây, bơi lội, xà đơn, bóng đá, bóng rổ...
Một yếu tố khác cũng liên quan trực tiếp tới sự phát triển chiều cao ở trẻ là hormone. Cụ thể, tiến sĩ Phượng khẳng định khi hệ nội tiết của trẻ hoạt động bình thường, tiết ra đầy đủ các loại hormone sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao bình thường.
“Hai loại hormone ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển chiều cao của trẻ là hormone tuyến giáp và hormone tăng trưởng (GH). Việc đánh giá các hormone này có thể được thực hiện thông qua xét nghiệm máu”, vị chuyên gia nói.
Đáng chú ý, hormone tăng trưởng được nhận thấy thường tiết ra nhiều nhất vào ban đêm, khoảng từ 23h đến 1h. Do đó, việc cho trẻ ngủ sớm trước 22h và giấc ngủ kéo dài liền mạch cả đêm là phương pháp hữu hiệu giúp hormone tăng trưởng tiết ra đầy đủ nhất.
Liên quan vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết sự phát triển của trẻ diễn ra theo từng giai đoạn.
“Thông thường, trẻ mới sinh cao khoảng 48-52 cm. Khi được một tuổi, các bé sẽ tăng thêm khoảng 20-25 cm. Lên 2 tuổi, tăng thêm khoảng 12 cm. 3 tuổi tăng thêm khoảng 10 cm. 4 tuổi tăng thêm khoảng 7 cm. Từ năm 4 tuổi trở đi, mỗi năm trẻ tăng khoảng 4-6 cm chiều cao”, vị chuyên gia nói.
Nếu theo dõi chiều cao của con không đạt được như mức bình thường đó, thạc sĩ Linh khuyên cha mẹ nên cho con khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm.
Đối với những trẻ thấp lùn do nguyên nhân thiếu hormone, việc bổ sung hormone sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển chiều cao của trẻ.
Theo vị chuyên gia, việc điều trị hormone tốt nhất nên tiến hành ở giai đoạn trẻ 4-11 tuổi. Sau 11 tuổi, kết quả điều trị sẽ kém hơn hoặc không có kết quả do các đầu xương đã cốt hóa.
Việc điều trị bằng hormone để tăng chiều cao buộc phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, qua đó tránh những hậu quả có hại cho trẻ.