Mùa lạnh chỉ mới chớm, nhiều người đã bắt đầu lo phòng bệnh cho người thân. Ảnh: Phạm Thắng. |
“Tôi hay gọi con trai mình là ‘máy dự báo thời tiết’ vì cứ trời trở gió hay chớm lạnh là con sẽ bệnh. Nhưng giờ cũng khó trị bệnh hay thuốc thang, tôi chỉ cố gắng phòng bệnh cho con”, chị Trần Thanh (32 tuổi, Nghệ An) chia sẻ với Zing.
Mùa lạnh đến, chị bắt đầu lo lắng nhiều hơn cho sức khỏe của cả gia đình. Hiện chị đang sống cùng con trai 4 tuổi và bố mẹ chồng. Con trai chị có tiền sử bệnh viêm phổi nên cứ mỗi khi trời trở lạnh là ho sốt
Tại TP.HCM, dù thời tiết không đến nỗi quá lạnh như ở phía bắc, Trúc Nga (30 tuổi) vẫn cảm thấy lo lắng cho 2 con của mình khi bước vào tháng cuối cùng của năm.
Nhà có trẻ nhỏ nên chị Nga lúc nào cũng mua sẵn thuốc hạ sốt, thuốc tiêu chảy, viên sủi và kẹo ngậm vitamin C. Hai con thích ăn kẹo nên thay vì mua kẹo mút hay các loại kẹo ngọt khác, chị Nga sẽ cho con ăn kẹo vitamin C, vừa dễ ăn và cũng tốt cho sức đề kháng.
Phòng bệnh đầu mùa
Chị Nga có con trai lớn 9 tuổi, con gái bé 4 tuổi. Chị cho hay từ nhỏ, cả 2 bé rất dễ bị ốm mỗi khi thời tiết khác thường. Các bé cũng đã được tiêm vaccine cúm từ lâu nhưng vẫn chưa được tiêm nhắc vì công việc bố mẹ bận rộn.
Mấy tuần nay, thời tiết TP.HCM mát mẻ hơn bình thường. Để tránh con đổ bệnh, chị Nga phải tập cho các bé uống trà gừng, kiêng nước lạnh, nước đá và nước có ga, đặc biệt trước giờ đi ngủ.
Ngoài ra, chị Nga cũng xây dựng thói quen vận động và chơi thể thao cho con. Điều này có thể giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng và cơ bắp khỏe mạnh hơn.
Các con của chị Nga rất thích chạy xe đạp và bơi lội. Mỗi ngày, sau khi tan học chị cho các bé đạp xe khoảng một giờ. Mỗi cuối tuần, chị sẽ dẫn các bé đi bơi khoảng 45-60 phút.
Cũng giống chị Nga, chị Thanh có con trai từng bị viêm phổi nên cứ mỗi mùa lạnh là dễ mắc bệnh. Nhẹ thì ho, sổ mũi vài hôm, nặng thì bé sốt nhẹ và ho cả tháng, dẫn đến sụt cân.
Vào mùa này, chị Thanh cho con mặc nhiều áo hơn để giữ ấm và bổ sung vitamin C từ đa dạng nguồn thực phẩm để tăng sức đề kháng. Ngoài ra, chị vẫn cho bé hoạt động nhẹ nhưng chỉ vừa đủ để ấm người chứ không ra nhiều mồ hôi.
Giữ ấm cơ thể là điều tối quan trọng vào mùa lạnh. Ảnh minh họa: Lê Hiếu. |
Bên cạnh con trai, chị Thanh còn phải chăm sóc bố mẹ chồng nay đã ngoài 70. Mẹ chồng chị có tiền sử cao huyết áp và tim mạch, còn bố chồng không có bệnh nặng nhưng hay ốm vặt. Năm ngoái, bố chồng chị thậm chí còn phải nhập viện vì bị cảm lạnh kéo dài.
"Bố mẹ chồng tôi là người biết cân bằng dinh dưỡng nên khoản ăn uống không cần quá lo nhiều. Tuy nhiên, ông bà thường chủ quan việc giữ ấm nên tôi lại phải chú ý nhiều hơn", chị cho biết.
Bố mẹ chồng chị Thanh thường có thói quen mở cửa sổ đi ngủ cho thoáng khí. Tuy nhiên, vào mùa lạnh, chị luôn cố gắng đảm bảo phòng ngủ của bố mẹ kín gió hoàn toàn.
Ngoài ra, bố mẹ chồng chị thường dậy sớm tập thể dục. Sợ ông bà sốc nhiệt mỗi sáng, chị tìm video hướng dẫn ông bà cách làm ấm cơ thể trước khi xuống giường mỗi sáng, nhất là gan bàn chân và lòng bàn tay. Chị cũng dặn dò ông bà không ra khỏi nhà khi trời quá lạnh và luôn đóng cửa nhà mỗi khi nhiệt độ xuống quá thấp.
Nhiều người dễ bị bệnh hô hấp hoặc bệnh nền trở nặng vào mùa lạnh
Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), cho biết khi thời tiết lạnh, các mạch máu vùng họng miệng co lại, lượng máu lưu thông ở vùng này giảm, đồng nghĩa các tế bào có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể cũng xuất hiện ít hơn.
Nhiệt độ thấp có thể kèm theo khô hanh hoặc ẩm ướt, khiến đường hô hấp, đường tiêu hóa bị quá khô hay quá ẩm ướt. Tất cả điều này ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ của cơ thế.
Đồng thời, thời tiết lạnh khiến cơ thể chúng ta tốn nhiều năng lượng để giữ thân nhiệt, do đó mọi người có xu hướng nhanh đói hơn. Nếu không kịp thời bổ sung năng lượng, cơ thể dễ đói và mệt.
Bác sĩ Hoàng cho hay mùa này thường thiếu ánh nắng mặt trời, dẫn tới thiếu vitamin D, đặc biệt ở trẻ em, phụ nữ mang thai hay người có nhu cầu vitamin D cao hơn thông thường. Vì thế, vào mùa này, sức đề kháng và hệ miễn dịch của cơ thể bị ảnh hưởng rõ rệt.
Trong khi đó, các loại virus, vi khuẩn, vi nấm... vẫn luôn tồn tại trong niêm mạc vùng miệng, họng... Khi hệ miễn dịch hoạt động tốt, chúng chung sống hòa bình với cơ thể. Trái lại, khi hệ miễn dịch suy yếu, chúng phát triển mạnh lên, gây ra bệnh. Một số bệnh có thể mắc vào mùa lạnh như:
- Nhiễm virus đường hô hấp cấp: Covid-19, cúm A, cúm B hoặc cảm lạnh...
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản...
Bên cạnh đó, thời tiết lạnh có thể khiến các triệu chứng ở người đã có bệnh nền trở nên nặng hơn.
- Thời tiết lạnh kích thích dây thần kinh phế vị, gây tăng tiết acid dạ dày, rối loạn co thắt đường tiêu hóa. Điều này khiến người viêm loét dạ dày, hành tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn co thắt đại tràng... có thể bị tái phát, hoặc làm nặng nề thêm các triệu chứng sẵn có.
- Khi thay đổi nhiệt độ đột ngột (ví dụ đang từ trong nhà ấm, ra cửa gặp gió lạnh), các bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ (béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu...) dễ bị co thắt mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp hoặc tắc mạch. Điều này có thể dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
- Người có cơ địa dị ứng, khi thời tiết lạnh, các triệu chứng có thể tăng lên. Bệnh nhân có tiền sử viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm da dị ứng... cũng dễ bị ảnh hưởng. Một số bệnh ngoài da như bệnh cước tay chân luôn nặng thêm khi thời tiết lạnh và ẩm.
- Các bệnh về xương, khớp: thời tiết lạnh khiến mạch máu co lại, tổ chức quanh khớp bị nuôi dưỡng kém, cộng thêm tình trạng ẩm thấp khiến các bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm quanh khớp... tăng lên.
Ngoài ra, một số tình trạng khác có thể xảy ra do thời tiết lạnh, bao gồm:
- Hạ thân nhiệt: Tình trạng này thường gặp ở trẻ em, người già hay người suy dinh dưỡng. Biểu hiện có thể là rét run, tím tái, mệt lả... Nếu không được ủ ấm kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
- Thời tiết lạnh có thể khiến một số người cảm thấy chán chường, căng thẳng, ngủ không ngon... Nếu tình trạng này kéo dài, có thể dẫn đến những rối loạn về sức khỏe tâm thần.
Theo bác sĩ Hoàng, mọi người nên lưu ý những điều sau để phòng bệnh khi trời rét lạnh:
- Đảm bảo giữ ấm cơ thể từ vùng đầu, cổ nhất là 2 tai, mũi đến chân tay và mặc quần áo cotton khi ngủ. Bạn không di chuyển đột ngột từ nơi ấm sang nơi gió lạnh.
- Ăn uống đủ chất, đảm bảo đồ ăn ấm nóng, an toàn thực phẩm cũng như bổ sung rau củ quả tươi và vitamin D.
- Tiêm vaccine đầy đủ như vaccine phòng cúm hay vaccine phế cầu.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, có thể súc họng bằng nước muối sinh lý ấm, dung dịch súc họng sát khuẩn. Ngoài ra, bạn có thể dùng các loại bổ phế, một số loại thảo dược tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Hạn chế đi ra chỗ đông người và tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh đường hô hấp.
- Người có bệnh nền cần đi khám bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể và chuẩn bị sẵn một số loại thuốc thường dùng, ví dụ thuốc phòng cơn hen, thuốc dạ dày, thuốc chống dị ứng, hay điều trị dự phòng kháng sinh ở bệnh nhân COPD, viêm xoang, viêm amidan mạn tính...
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.