Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi lo khi khách Trung Quốc du lịch trở lại

Dù đông dân Trung Quốc đang nô nức chuẩn bị đi du lịch nước ngoài trở lại sau 3 năm chôn chân, vẫn có nhiều người còn do dự. Trong khi đó, các đại lý du lịch lo nhiều hơn vui.

Trong thời gian thành phố Thượng Hải bị phong tỏa vì dịch bệnh vào năm ngoái, Qin Bing mơ ước từng ngày được đi du lịch nước ngoài trở lại. Tuy nhiên, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa lại biên giới sau 3 năm đóng cửa, giám đốc tiếp thị 36 tuổi này vẫn chọn ở yên một chỗ, theo Bloomberg.

Nỗi lo sợ tái nhiễm Covid-19 vẫn còn, cộng với các chi phí tăng cao là hai lý do chính.

“Giá vé di chuyển đang tăng chóng mặt. Các chuyến du lịch theo tour chỉ dành cho người thừa tiền và đó chắc chắn không phải là tôi”, Qin giải thích. Trước khi Covid-19 xuất hiện, giám đốc tiếp thị 36 tuổi trung bình có 3 chuyến đi đến nước khác trong một năm.

trung quoc mo cua lai anh 1

Du khách từ Trung Quốc đến cổng Sân bay Quốc tế Incheon (Hàn Quốc) vào ngày 6/1. Ảnh: Bloomberg.

Người dân đất nước đông dân nhất thế giới đã phải trải qua các hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhất trong 3 năm qua. Phần lớn không có cơ hội đặt chân ra ngoài Trung Quốc do chính phủ quyết tâm theo đuổi chính sách Zero Covid. Nhu cầu dồn nén và tích tụ lâu ngày dự kiến tạo ra làn sóng du lịch và chi tiêu lớn, sau khi nước này mở cửa lại biên giới.

Tuy nhiên, viễn cảnh đó không màu hồng như tưởng tượng. Hơn ai hết, các chuyên gia và người hoạt động trong ngành dịch vụ, khách sạn và du lịch, hiểu rõ những khó khăn chờ họ phía trước.

"Chưa sẵn sàng tinh thần"

Một rào cản lớn là tình hình dịch bệnh vẫn đáng lo ngại trên khắp Trung Quốc. Hàng triệu người vẫn đang bị bệnh hoặc chờ hồi phục. Con số này còn tiếp tục duy trì ở mức cao trong nhiều tuần khi virus di chuyển từ các thành phố lớn đến vùng nông thôn hẻo lánh.

Các quốc gia vốn là điểm đến quen thuộc của khách Trung Quốc, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ vẫn thắt chặt các quy định nhập cảnh đối với du khách đến từ quốc gia tỷ dân.

Chen Xin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại ngân hàng UBS, cho biết: “Hầu hết người tiêu dùng chưa sẵn sàng về mặt tinh thần để đi du lịch đến một quốc gia khác ngay sau khi khỏi bệnh. Năm 2024 là thời điểm sớm nhất để thấy lượng du khách Trung Quốc trở lại mức trước Covid”.

Trong khi đó, các hãng hàng không cũng chưa vội gấp rút tăng thêm số chuyến bay quốc tế.

Theo công ty phân tích hàng không Cirium, các chuyến bay rời Trung Quốc trong quý đầu tiên ở mức 10,7% so với trước đại dịch, dù đã cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

trung quoc mo cua lai anh 2

Bên ngoài sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh vào ngày 30/12. Ảnh: Bloomberg.

Không có nhiều lựa chọn đồng nghĩa với giá vé bị độn lên cao, tốn kém ở mọi điểm đến quốc tế. Tính đến ngày 3/1, vé bay nước ngoài trung bình có giá 3.800 nhân dân tệ (556 USD), tăng 18% kể từ Giáng sinh năm ngoái, theo dữ liệu của Tongcheng Travel.

Ông Chen cho biết số lượng các chuyến bay quốc tế cũng khó có thể tăng đáng kể trong vòng 2 tuần tới, khi Tết Nguyên đán diễn ra, đồng thời thị thực và hộ chiếu có thể mất nhiều thời gian hơn mới hoàn thành.

Phía các công ty du lịch ở nước ngoài cũng cho biết họ đang gặp các khó khăn trong việc thuyết phục, lôi kéo khách Trung Quốc đặt lịch. Các đại lý đang lo lắng mức giá phải chăng trong quá khứ sẽ khó tồn tại.

“Trong khi một chuyến đi 7 ngày từ Tây Nam Trung Quốc đến thủ đô Bangkok của Thái Lan có giá 1.880 nhân dân tệ (274 USD) vào năm 2018, con số phải chi ra ở thời điểm hiện tại khởi điểm từ 7.500 nhân dân tệ (1.103 USD)”, Zhao Ling, chủ một đại lý du lịch ở Đức Dương (tỉnh Tứ Xuyên), cho biết.

“Rất nhiều người đã hỏi về các lựa chọn tour, nhưng không ai đặt trước", Zhao nói.

Chi phí cao gấp nhiều lần

Thái Lan, nơi vốn là "thiên đường du lịch" của khách Trung Quốc, cũng chưa đón nhiều tín hiệu khả quan.

Theo Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, Thái Lan dự kiến ​​đón 300.000 du khách từ Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm nay, thấp hơn 10% so với mức trước đại dịch, với chỉ khoảng 60.000 du khách trong tháng 1.

trung quoc mo cua lai anh 3

Các nhóm du khách Trung Quốc lên thuyền để đi du thuyền ăn tối và xem biểu diễn tạp kỹ ở Pattaya vào năm 2017. Ảnh: AP.

Các chủ khách sạn ở Phuket, hòn đảo nằm ở phía nam và nổi tiếng với những bãi biển cát trắng, dự đoán tình hình vào Tết Nguyên đán sắp tới ở mức chậm chạp, kém sôi động.

Suksit Suvunditkul, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Thái Lan kiêm giám đốc điều hành của Deevana Hotels and Resorts, cho biết khách du lịch đại lục ​​sẽ chưa trở lại với số lượng lớn.

Tại khách sạn của Suksit, lượng đặt phòng từ du khách Trung Quốc chưa đón nhận lượt tăng đột biến nào. Ngay cả khi những vị khách này đến, các khu nghỉ dưỡng, điểm tham quan và chợ đêm nhộn nhịp một thời có thể chưa sẵn sàng. Nhiều địa điểm ăn chơi nổi tiếng đã đóng cửa vĩnh viễn do thiếu đi những du khách từng có mặt ở khắp nơi và chi tiêu nhiều nhất.

Chuỗi cung ứng toàn cầu phục vụ riêng và làm hài lòng du khách Trung Quốc, từ xe buýt đến nhà hàng Trung Quốc cho đến hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Quan thoại, phần lớn đã sụp đổ.

Tình trạng thiếu lao động ngành dịch vụ còn đang nghiêm trọng ở cả Thái Lan và Singapore, nơi hầu hết doanh nghiệp không thể thuê nhân công hoặc nâng cấp cơ sở vật chất đủ nhanh sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Hàng triệu nhân viên từng làm việc trong ngành khách sạn đã thay đổi công việc.

Stanley Foo, người sáng lập của Oriental Travel & Tours ở Singapore, cho biết: “Singapore chưa sẵn sàng để đối phó với dòng khách du lịch Trung Quốc kéo đến đột ngột. Tôi lo nhất là tình trạng thiếu nhân lực ở các điểm tham quan. Chúng tôi thậm chí chưa thể xử lý số lượng khách hiện tại".

Những nhà điều hành tour du lịch trả trước, trong đó khách Trung Quốc được dẫn đi các địa điểm tham quan và ghé vào một số cửa hàng lưu niệm được bố trí sẵn cũng không nằm ngoài vòng hoang mang.

“Chúng tôi mất 10 năm để giảm các gói du lịch Thái Lan từ 10.000 nhân dân tệ (1.455 USD) xuống còn 2.000 nhân dân tệ (291 USD). Nhiều năm nỗ lực và các mối quan hệ thiết lập với các hãng hàng không, khách sạn, cửa hàng địa phương. Đó là cả một chuỗi cung ứng và giờ nó bị phá vỡ hoàn toàn", Zhao than phiền.

Theo Chen của UBS, khách du lịch Trung Quốc có thể thích trượt tuyết ở Cáp Nhĩ Tân hoặc mua sắm tại các trung tâm mua sắm miễn thuế ở Hải Nam hơn là đi du lịch nước ngoài trong dịp Tết Nguyên đán. Các chuyến bay nội địa phục hồi nhanh hơn nhiều so với các chuyến bay quốc tế, với 12.216 chuyến được lên lịch vào ngày 8/1, gần bằng 100% công suất nội địa vào năm 2019, theo dữ liệu của VariFlight.

Tuy nhiên, sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc sau 3 năm vắng bóng, dù ít ỏi vào lúc này, đang đem đến hy vọng cho ngành du lịch toàn cầu.

“Chúng tôi nhớ họ", Foo ở Singapore, thừa nhận.

Thứ giúp cuộc sống về đêm trở lại ở New York

Sau đại dịch, New York mất đi hình ảnh "thành phố không ngủ" khi thú đi chơi khuya suy giảm, quán xá đìu hiu về đêm. Các quán bar tư nhân mới mở giúp tình hình cải thiện phần nào.

Nhân sự thời Gen Z

Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm