Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi lo mụn đi, sẹo ở lại!

Cần nhớ rằng chất béo và chất đạm trong thực phẩm gốc động vật là đòn bẩy để mụn dễ chuyển sang dạng nặng, khó lành.

Nếu xét về mặt cơ chế bệnh lý, mụn chỉ là phản ứng cường điệu do ảnh hưởng không thể tránh của tình trạng dao động nội tiết tố ở lứa tuổi dậy thì. Khi đó, lượng chất nhờn trong các tuyến bã rải đều dưới lớp da mặt bỗng bội tăng. Thay vì được bài tiết bình thường, lượng chất nhờn này lại bị nhốt chặt trong lòng tuyến bã và hình thành bọc mụn. Do nhiều loại vi khuẩn lúc nào cũng chực chờ trên da mặt để ăn theo nên bọc mụn dễ mưng mủ.

Tia tử ngoại làm sẹo mụn thâm nám

Tùy theo kích thước, chiều sâu và mức độ bội nhiễm mà bọc mụn nằm cạn dưới da ở dạng trứng cá hay ăn sâu xuống dưới thành mụn bọc, mụn mạch lươn và trở thành nguy cơ sinh sẹo mụn làm rỗ mặt. Dưới ảnh hưởng của tia tử ngoại, sẹo mụn dễ bị thâm nám khiến người bệnh khó tránh đau khổ vì gương mặt đi ngược với tiêu chuẩn thẩm mỹ và vệ sinh. Đó chính là nỗi ám ảnh của nhiều bạn trẻ vừa bước qua ngưỡng cửa dậy thì.

Việc da mặt xuất hiện mụn ở tuổi dậy thì là chuyện bình thường. Vấn đề là làm sao để mụn đến thì cứ đến nhưng ra đi đừng để lại sẹo. Khoảng 15% người bị mụn là nạn nhân của tình trạng mụn nặng và phải được điều trị nhiều tháng, thậm chí hàng năm, dưới sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa và dược phẩm đặc hiệu. 85% còn lại chỉ phải đối đầu với dạng mụn thông thường là mụn trứng cá (còn gọi là mụn đầu đinh vì điểm mụn bị thâm nám dưới ánh nắng gay gắt).

Mụn trứng cá không đủ sức gây sẹo. Tuy vậy, số người mang sẹo lại có tỷ lệ rất cao do mụn trứng cá trở thành mụn bọc một cách oan uổng vì “bệnh nhân” không được hướng dẫn cặn kẽ.

Chữa mụn không chỉ chú trọng biện pháp ngoài da.

Chữa mụn không chỉ chú trọng biện pháp ngoài da.

Việc áp dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp mụn nhẹ là không cần thiết, thậm chí còn gây tai hại vì có thể khiến người bệnh lờn thuốc và gặp phản ứng phụ. Việc dùng các loại thuốc thoa có chứa corticoid (thường được quảng cáo là thuốc trị mụn) tuy lúc đầu làm thuyên giảm triệu chứng, nhưng sau đó lại chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dễ bội nhiễm của da mặt. Thói quen nặn mụn quá thường, quá sớm, quá mạnh vì quá lo lắng khiến da bị hư tổn.

Hãy nhớ trong uống, ngoài thoa

Bên cạnh biện pháp vệ sinh da mặt bằng cách rửa mặt thật sạch, người bị mụn cần lưu ý tăng cường sức đề kháng của làn da mặt thay vì chỉ chạy theo biện pháp công phá.

Cụ thể, không để da thiếu nước khiến chất nhờn trong tuyến bã trở nên đậm đặc. Uống nước cho đủ, tối thiểu 2,5 lít/ngày.

Bổ sung các loại sinh tố và khoáng tố cần thiết cho cấu trúc lành mạnh của da như tiền sinh tố A, sinh tố C, E, khoáng tố kẽm, crôm, mangan, thông qua chế độ dinh dưỡng với nhiều rau quả tươi, mễ cốc, giá sống. Chất béo và đạm trong thực phẩm gốc động vật là đòn bẩy để mụn dễ chuyển sang dạng nặng, khó lành.

Thanh lọc cơ thể định kỳ bằng cách sử dụng các loại cải, sữa chua có men vi sinh, cây thuốc có tác dụng nhuận trường. Đừng quên là độc chất tích lũy trong lòng ruột do táo bón là một trong các điều kiện thuận lợi cho bệnh ngoài da.

Không hẳn ai bị mụn cũng mang sẹo. Ông bà đã không vô cớ khuyên con cháu đi sau nên nhớ “trong uống rồi ngoài hãy thoa”. Mụn rõ ràng không chỉ là bệnh ngoài da. Chữa mụn mà chỉ chú trọng biện pháp ngoài da đúng là chữa lửa cầm canh. Nếu phụ huynh, thầy giáo, thầy thuốc không lưu ý đến tâm trạng của nạn nhân thì mụn trứng cá thừa sức để lại vết sẹo thâm trên gương mặt. Đáng lo hơn nhiều nếu vết sẹo hằn sâu trong tâm tư của người trẻ đang chập chững bước vào đời.

http://nld.com.vn/suc-khoe/noi-lo-mun-di-seo-o-lai-2015031817241258.htm

Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng/Báo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm