Cận kề năm mới Âm lịch, Đỗ Tuấn Việt (sinh năm 1996, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) càng lo lắng về những khoản tiền chi tiêu cho dịp Tết.
Năm 2021 vừa qua, nam nhân viên digital marketing “thất thu” vì dịch bệnh. Tết Nguyên đán đã rất gần mà anh chưa kịp trở tay chuẩn bị, lo toan đủ tiền bạc.
“Năm qua, do Covid-19, tôi không duy trì được công việc ổn định như trước đây, thu nhập cũng giảm đi rõ rệt. Tôi phải buộc mình đánh giá lại các nhu cầu ưu tiên trong cuộc sống và xây dựng thói quen tiêu dùng mới. Chưa khi nào tôi chi tiêu tiết kiệm như vậy. Nỗi sợ dịch bệnh khiến tôi phải dành riêng một khoản dự trù đề phòng tình huống xấu”, Việt chia sẻ cùng Zing.
Sau một năm 2021 “thất thu” vì dịch bệnh, vấn đề tiền bạc gần Tết đã trở thành áp lực với nhiều người. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Áp lực tiền tiêu Tết
Dù chưa lập gia đình, lại sinh sống cùng bố mẹ, Việt vẫn có những khoản chi tiêu cố định, khá tốn kém trong mùa Tết. Trong đó, số tiền dành biếu người thân, mua sắm thực phẩm cùng trang trí nhà cửa chiếm phần lớn ngân sách dự kiến của anh.
“Hiện tại, tôi đã dự tính chi hơn 30 triệu đồng cho dịp Tết năm nay, bao gồm 5 triệu đồng trang trí nhà cửa, 4 triệu đồng mua quần áo mới, một triệu đồng mua đồ thắp hương ban thờ gia tiên, 5 triệu đồng mua thực phẩm, 4 triệu đồng biếu ông bà nội, ngoại, 3 triệu đồng biếu bố mẹ, 3 triệu đồng mua quà biếu gia đình người yêu, 2 triệu đồng mua quà biếu sếp, 2 triệu đồng mừng tuổi họ hàng, 1,5 triệu đồng mừng tuổi đồng nghiệp, 1 triệu đồng xăng xe, đi lại và thêm khoảng 3 triệu đồng nữa cho các việc mua sắm phát sinh”, Việt kể.
Tuấn Việt dự kiến chi tiêu hơn 30 triệu đồng cho dịp Tết Nguyên đán năm nay. |
Đây là mức chi tiêu tương đương mọi năm của Việt.
Năm nay, dù tình hình tài chính chịu ảnh hưởng tiêu cực, anh vẫn không muốn cắt bỏ hạng mục nào bởi tất cả đều cần thiết. Với anh, dù có khó khăn, anh vẫn muốn cùng gia đình đón một cái Tết trọn vẹn, đủ đầy.
Dẫu vậy, chàng trai 25 tuổi vẫn không khỏi căng thẳng khi nghĩ đến chuyện tiền bạc cuối năm.
“Càng gần năm mới, tôi càng áp lực bởi đâu chỉ mỗi tiền tiêu Tết, tôi vẫn cần lo những khoản tiền khác trong cuộc sống. Tết không vì con người ta khó khăn mà bớt đi các mối lo”, Việt thở dài.
Lương Công Thành (sinh năm 1994, làm việc tại Vĩnh Phúc) cũng có chung nỗi lo lắng tương tự. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, Thành dự kiến chi tiêu khoảng 20 triệu đồng cho việc trả nợ, biếu bố mẹ, cho em trai học đại học và mừng tuổi người thân. Tuy nhiên, anh lo ngại rằng số tiền dùng thực tế sẽ cao hơn bởi nhiều khoản phát sinh.
“Hiện tại, tôi vẫn đang chờ đợi tiền thưởng Tết tại nơi làm việc, sau đó sẽ về quê đón năm mới cùng gia đình. So với năm ngoái, năm nay, tôi chi tiêu có phần dè chừng hơn bởi thu nhập của bản thân bị suy giảm mạnh do dịch bệnh”, Thành nói.
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tác động nặng nề khiến Thành không thể duy trì công việc quản lý kinh doanh tại Hà Nội. Anh buộc phải chuyển nơi ở sang Vĩnh Phúc làm việc, chấp nhận mức thu nhập thấp hơn nhằm vượt qua đại dịch.
Công Thành (bên trái) kỳ vọng năm mới nhiều may mắn hơn trong công việc. |
Trải qua một năm không mấy thuận lợi cả về sự nghiệp và tài chính, Thành cảm thấy căng thẳng khi nghĩ đến những khoản tiền tiêu Tết. Dẫu vậy, anh cho biết “có bao nhiêu, dùng bấy nhiêu” và kỳ vọng năm mới may mắn quay trở lại.
“Tôi đã có những kế hoạch riêng cho mình, chờ đợi dịch bệnh ổn định là có thể thực hiện. Giờ đây, điều tôi mong muốn nhất vẫn chỉ là sức khỏe cho gia đình, bản thân. Tiền bạc kiếm lúc nào cũng được, nhưng sức khỏe phải luôn giữ gìn”, Thành bày tỏ.
Tết không phải dịp để tiết kiệm
Trong khi đó, Ngô Hảo (sinh năm 1992, TP Thủ Đức, TP.HCM) lại không có quá nhiều áp lực đối với việc chi tiêu dịp Tết.
Theo Hảo, "Tết năm nào cũng như nhau" và anh đã dự trù, cân đối các khoản chi tiêu từ trước để chuẩn bị cho một cái Tết không quá áp lực về tài chính. Thậm chí, anh sẵn sàng sử dụng thẻ tín dụng nếu như mức chi dịp Tết vượt dự kiến ban đầu.
Với Ngô Hảo, Tết không phải dịp để tiết kiệm, chi tiêu dè sẻn. |
"Tôi có kế hoạch tiêu khoảng 20 triệu đồng cho dịp Tết năm nay. Sắp tới, công ty tôi sẽ chuyển khoản lương và thưởng, tôi nghĩ số tiền này đủ cho tôi yên tâm để ăn Tết tại quê nhà Đà Nẵng", Hảo nói.
Năm nay, do dịch bệnh căng thẳng, Hảo không muốn sắm sửa nhiều áo quần để đi chơi mà chỉ mua sắm trực tuyến một số đồ dùng, quà tặng mang về gia đình.
Ngoài ra, anh cũng có kế hoạch sử dụng một khoản tiền để giúp đỡ họ hàng, những người thất nghiệp hoặc có công việc không ổn định trong năm Covid-19 vừa rồi.
"Đối với tôi, Tết không nên là dịp để tiết kiệm. Chúng ta có thể mua sắm nhiều một chút để giúp những người bán hàng có thêm thu nhập. Cả năm, tiết kiệm lúc nào cũng được, nhưng Tết thì nên chi tiêu thoải mái, có vậy năm mới mới may mắn, nhiều niềm vui", Hảo bày tỏ.
Thu Hiền dự định chi tiêu khoảng 40 triệu đồng cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. |
Nguyễn Thu Hiền (sinh năm 1997, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng chung quan điểm.
Năm 2021 vừa qua, thu nhập của nữ nhân viên ngân hàng giảm đáng kể do dịch, việc tính toán khoản chi tiêu hơn 40 triệu đồng cho dịp Tết Nguyên đán trở thành áp lực không nhỏ với cô.
Tuy vậy, cô cho biết sẽ cân đối tài chính, ưu tiên tiền tiêu Tết hơn so với các nhu cầu còn lại.
"Năm 2021, dịch bệnh kéo dài và nặng nề hơn năm trước, công việc của tôi do thế cũng ảnh hưởng nhiều. Cận kề Tết rồi, như nhiều người khác, tôi khá áp lực về chuyện chi tiêu. Tuy nhiên, do đã có khoản tiết kiệm từ trước, tôi tin mình có thể xử lý tốt", Hiền kể.
Đợt Tết sắp tới, Hiền dự định dành tiền mua quà biếu bố mẹ, lì xì người thân và chuẩn bị các đồ ăn, bánh kẹo cho gia đình. Với Hiền, Tết không phải dịp để tính toán quá nhiều về chuyện tiền nong. Trải qua 2 năm gặp khó vì dịch, cô chỉ mong gia đình mình có sức khỏe và nhiều niềm vui.
"Qua biến cố, tôi chỉ thấy áp lực nếu như thành viên trong gia đình mình không khỏe. Chỉ cần còn sức khỏe, tôi tin tất cả còn kiếm được tiền".