Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi lo về những người mắc suy thận giai đoạn cuối

Dù trình độ ghép thận ở Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể, thiếu hụt nguồn thận vẫn là nỗi trăn trở, thách thức lớn nhất của các bác sĩ.

Nhận định trên được PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Công tác ghép thận tại Bệnh viện Thống Nhất sáng 24/4.

Hiện nay, số bệnh nhân suy thận mạn được ghi nhận ngày càng tăng ở thế giới và cả Việt Nam. Đối với các bệnh nhân giai đoạn cuối, thay thận là cách duy nhất giúp họ quay về với cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn này do nguồn tạng hiến hiện nay vẫn còn quá eo hẹp.

ghep than anh 1

Người bệnh suy thận giai đoạn cuối phải gắn mình với máy lọc máu trong thời gian còn lại của cuộc đời. Ảnh: Duy Hiệu.

Trình độ ghép thận tại Việt Nam

Theo PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, ghép thận giúp kéo dài và nâng cao cuộc sống người bệnh. Ngoài ra, nếu so sánh với các phương pháp điều trị khác như lọc máu, chi phí ghép thận chỉ bằng một nửa. Bệnh nhân sau ghép thận cũng có sức khỏe tốt hơn những người bệnh điều trị bằng phương pháp khác, có thể quay lại cuộc sống bình thường.

Hiện nay, số lượng người bệnh suy thận giai đoạn cuối được ghép thận ngày càng tăng. Ở Mỹ, kỹ thuật ghép thận được triển khai từ năm 1950. Cho đến nay, mỗi năm quốc gia này có 25.000 ca ghép.

Ở Việt Nam, sau 30 năm, số ca ghép thận tính đến nay là khoảng 8.000 trường hợp. PGS Sâm đánh giá tốc độ chuyển giao kỹ thuật ghép thận tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ rất nhanh.

"Trong 20 năm đầu tiên triển khai ghép thận, các bác sĩ nước ta chỉ ghép được 900 ca. Tuy nhiên, con số này trong 10 năm gần đây tăng vọt", chuyên gia này nhận định.

Chỉ tính riêng năm 2019, số ca ghép thận đã cao hơn tổng số ca ghép trong 20 năm đầu, 925 ca (năm 2019) so với 900 ca (năm 1992 đến 2012).

Theo PGS Sâm, kỹ thuật ghép thận dù đã phát triển nhanh, cứu giúp được nhiều người bệnh suy thận mạn gia đoạn cuối, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như thiếu hụt nguồn thận ghép, bệnh nhân có nhiều nguy cơ thải ghép, bệnh thận tái phát sau ghép...

Thách thức lớn nhất

Báo cáo tại buổi sơ kết, PGS.TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết trong 2 năm triển khai kỹ thuật ghép thận, đơn vị đã ghép thành công cho 12 bệnh nhân. Tất cả trường hợp đều là ghép thận từ người sống, 10/12 trường hợp là ghép thận cùng huyết thống, 2 ca còn lại là vợ cho chồng.

"Đây là cơ sở để bệnh viện tiếp tục ghép các bộ phận cơ thể người khác, sắp tới đây là ghép gan", PGS Thanh cho hay.

ghep than anh 2

Một ca ghép thận tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: BVCC.

Theo PGS.TS Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc bệnh viện, hiện nay, số người mắc bệnh suy thận mạn ngày một tăng. Nhiều người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối chỉ có cách thay thận để duy trì cuộc sống.

Thế giới có 3 triệu người suy thận mạn giai đoạn cuối cần thay thế thận. Con số này ở Việt Nam là khoảng 30.000 người.

Tại Việt Nam, sau 30 năm triển khai ghép thận, 8.000 bệnh nhân đã có thể trở về cuộc sống bình thường nhờ ghép thận. Tuy nhiên, chỉ 170 trường hợp trong số đó là từ người hiến tặng chết não, chết tim.

"Thiếu nguồn thận là một trong những khó khăn rất lớn trong việc ghép tạng hiện nay", bác sĩ Quế nhận định.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cũng nhận định thiếu nguồn thận là trăn trở của rất nhiều chuyên gia, bác sĩ. Nhu cầu thận cao nhưng nguồn cung ít cũng là lý do sinh ra tình trạng mua bán thận trái phép được phản ánh trong thời gian gần đây.

Ông chia sẻ ở nước ngoài, người dân đã có nhận thức rất cao về việc hiến tạng cứu người. Trong khi đó, tại Việt Nam, kể cả bệnh viện tuyến cuối cũng chỉ có vài chục ca ghép tạng từ nguồn hiến là người chết não.

Chuyên gia này cũng cho hay Bộ Y tế sẽ đầu tư 200 tỷ đồng để phát triển trung tâm hiến tạng khu vực phía Nam.

"Ghép tạng không phải là vấn đề lớn của ngành y tế Việt Nam, nhưng sẽ nâng cao các kỹ thuật điều trị của bệnh viện, như vi phẫu, hóa sinh, miễn dịch… Tôi tin tưởng bệnh viện sẽ đạt được thành tựu to lớn trong những năm tiếp theo", Lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nói.

Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình (Nhà xuất bản Công Thương liên kết công ty Cổ phần Sách Thái Hà Books) tham dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm. Giải thưởng dự kiến trao vào đầu tháng 10.

Cứu bé gái 9 tuổi suy thận giai đoạn cuối

Sau một năm phát hiện mắc suy thận và điều trị lọc máu, bé gái 9 tuổi cuối cùng cũng được ghép thận, chấm dứt chuỗi ngày đau đớn vì bệnh tật.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm