Nỗi lòng phụ huynh đưa con đi thi
Nấu chè đậu đỏ cho con ăn, thức trắng cả đêm canh giờ do sợ muộn, hay vượt cả trăm cây số chỉ để động viên con vài câu… đó là tâm trạng của không ít phụ huynh có con đi thi tốt nghiệp THPT 2010.
>> Sĩ tử gặp chút khó khăn khi 'vượt ải' Lịch sử
>>Tờ rơi chiêu sinh 'oanh tạc' các điểm thi
>>Tả tơi ‘phao’ sau môn thi thứ nhất
Trong khi các thí sinh đang cố gắng dồn tất cả sức lực, trí óc 12 năm đèn sách để làm bài đạt kết quả tốt. Ở bên ngoài quanh khu vực thi, nhiều phụ huynh cũng tranh thủ “tám” với 1001 câu chuyện… nhưng tất cả đều xoay quanh vấn đề thi cử của “cục cưng” mình từ chuyện đề thi khó, dễ đến chuyện ăn gì, mặc gì đi thi cho may mắn mà an toàn.
Tất cả vì sĩ tử
Đưa con đến trường thi, dặn dò chuẩn bị mọi thứ, đi hàng trăm cây số mong được gặp để động viên con trước giờ thi, ngồi chờ suốt hai tiếng đồng hồ trước cổng trường, ngước mắt ngóng khi đồng hồ điểm giờ làm bài kết thúc… Tất cả hình ảnh “đời thường” của các bậc làm cha, làm mẹ đó rất dễ dàng bắt gặp trước hội đồng thi.
Mặc dù tin vào năng lực của con em mình, nhưng nỗi lo lắng vô tận luôn thường trực trong đầu óc của bậc làm cha, làm mẹ khi con cái đi thi. Chị Lan (nhà ở quận 1, TP HCM) chia sẻ với các phụ huynh khác: “Thường ngày con chị phải tự túc đi học, nhà kinh doanh cửa hàng điện thoại nên vợ chồng cũng hay dậy muộn. Thế nhưng do hôm nay con đi thi sợ ngủ quên nên hai vợ chồng chị dù đã bật đồng hồ hẹn giờ, điện thoại 1080 để nhờ báo thức nhưng vẫn không yên tâm. Vì vậy, phương án cuối cùng họ chọn là hai vợ chồng thay nhau ngủ để canh giờ". Thế nên sau khi con vừa vào phòng thi, người mẹ này phải tranh thủ tìm một góc để chợp mắt.
Tâm lý lo lắng, hồi hộp của các phụ huynh đưa con đi thi. |
Tâm lý lo lắng của chị Lan cũng được những “đồng cảnh” khác chia sẻ và thông cảm. Nhưng trong những câu chuyện xoay quanh “đề tài” thi cử, nhiều người cũng rất tin vào tâm linh, ngoài việc thắp hương cầu khấn, đi chùa, nấu chè đậu đỏ để cho con em ăn trước khi đi thi, nhắc con khi ra khỏi nhà phải bước chân phải, hay như bác Hạnh (60 tuổi) thì một mực nhất quyết giành nhiệm vụ đưa đứa cháu “đích tôn” đi thi vì như vậy mới may mắn; còn một người khác là cô Loan do “hợp mạng” với cô con út nhà mình nên đưa đi để dễ động viên, chia sẻ hơn.
“Tối qua tôi chuẩn bị cho nó chiếc áo màu đỏ mặc đi thi cho hên, nhưng do nó sợ như vậy sẽ ‘gây sự chú ý’ cho thầy cô giám thị nên không dám mặc”, một phụ huynh có con thi ở trường Nguyễn Du vừa cười, vừa kể với mọi người.
Còn hai vợ chồng phụ huynh có con học trường Nguyễn Khuyến kể, quê ở Đắc Lắc nhưng cho con theo học trên Sài Gòn, đợt vừa rồi con điện thoại về thông báo kết quả thi học kỳ và thi thử rất tốt, nhà trường cũng bố trí xe đưa đón đến điểm thi. Thế nhưng, do lo lắng con mình sẽ thiệt thòi vì không có bố mẹ “đồng hành” nên hai người quyết định bỏ lại mọi công việc, bắt xe đò đi từ tối hôm trước để sáng hôm sau gặp, động viên con vài câu trước khi vào thi. “Khi đi vợ tôi còn chế biến, mang theo một thùng đồ ăn cháu thích xuống cho…”, phụ huynh này cho biết.
Một người cha tên Nhân cũng thức dậy từ sớm rồi tranh thủ lên cơ quan sắp xếp công việc, sau đó chạy xe máy từ Bình Dương lên hội đồng thi trường Diên Hồng để gặp “quý tử” dặn dò vài câu. Song, do năm nay các em phải tập trung sớm nên buộc anh phải ngồi đợi con làm bài xong mới gặp được. Đi đường mệt, anh Nhân lâu lâu lại ngủ gật, nhưng khi nghe tiếng trống báo còn 5 phút mà chưa thấy con ra, anh bắt đầu “tá hỏa” chạy tới, chạy lui vì lo lắng không biết con làm bài có được không. Chỉ đến khi hai cha con gặp nhau và được cu cậu khoe con lấy ít nhất 8, 9 điểm thì nụ cười bắt đầu nở trên khuôn mặt của người cha này.
Nỗi niềm phụ huynh…
“Đứng ngồi không yên…”, đó là tâm trạng chung của các bậc phụ huynh khi đưa con đi thi. Đợi con em ở bên ngoài, cổng trường đóng kín nhưng lâu lâu các ông bố, bà mẹ vẫn chạy tới cố gắng nhìn qua khe cửa vào bên trong cho “thỏa mãn”.
Nếu như trước đây, nhiều bậc phụ huynh vốn dĩ xa lạ với nhau thì chính việc có con cái tham dự chung một hội đồng thì là “mắt xích” để đưa họ trở thành những người bạn, chia sẻ với nhau từ chuyện bài làm của con cái, công việc, hoàn cảnh gia đình đến chuyện nên nấu gì cho con ăn để khỏi bị “tào tháo đuổi”, hay mang theo thuốc tây phòng con nhức đầu, đau bụng…
“Sáng nay dắt xe ra chở con đi thi, tôi mới phát hiện xe bể bánh, loay hoay mãi phải chạy qua nhà hàng xóm mượn xe, đến trường thì đã đóng cửa, tôi hoảng hốt phải lại xin bảo vệ mở cửa cho thằng bé vào thi, may là các em còn đang làm thủ tục. Không lẽ mười hai năm đèn sách của con mình lại đi tong vì sự hậu đậu của mẹ? Nếu con không vào thi được, chắc tôi ân hận cả đời…”, cô Linh (quận Bình Thạnh) ngậm ngùi tự trách bản thân mình.
Phụ huynh luôn đồng hành cùng con em để dặn dò, động viên, chia sẻ những niềm vui cũng như nổi buồn. |
Trong buổi thi đầu tiên, tại hội đồng thi Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh), khi các bạn đang làm thủ tục thì có không ít thí sinh mồ hơi nhễ nhại, thở hổn hển vì đến muộn. Mặc dù không phải con của mình, nhưng nhiều phụ huynh khác đã chạy tới “năn nỉ” bảo vệ cho các em lỡ đến trễ vào trường. Ngay lập tức, bác bảo vệ mở cửa hối thúc: “Con vào nhanh đi, bình tĩnh thôi vì đang làm thủ tục, chưa thi đâu”; nói xong, bác quay qua các phụ huynh tươi cười: “Tôi cũng từng có con đi thi nên hiểu tâm trạng của phụ huynh lắm…”.
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều phụ huynh đều nói đưa con đến trường rồi sẽ quay về làm việc, cuối buổi đến đón vì “tin sức học con mình, thi tốt nghiệp không đến nỗi lo lắng lắm như thi đại học”. Song, thực tế cho thấy không ít phụ huynh khi đến nơi đã “không nỡ lòng nào ra về…”. Anh Dũng (cán bộ một cơ quan Nhà nước) chia sẻ: “Tôi biết ở đây cũng không làm được gì, nhưng đến cơ quan ngồi làm việc mà đầu óc cứ nghĩ đến không biết con thi cử ra sao nên không yên tâm, vì vậy tôi sắp xếp công việc rồi xin nghỉ mấy ngày đưa con đi thi”.
Không chỉ đi theo con để chia sẻ, động viên tinh thần. Nhiều phụ huynh cũng tranh thủ thời gian rảnh phân tích, lý giải những điều hợp lý, không hợp lý trong kỳ thi như năm nay đề thi các môn khá hay, hợp với học lực thí sinh, không khí diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc… nhưng hai môn Địa và Sử dồn chung vào một ngày thì “tội nghiệp tụi nhỏ”, vì đây là hai môn “học thuộc”.
Tâm trạng lo lắng thể hiện rõ nhất của phụ huynh chính là khi trống trường điểm kết thúc giờ làm bài. Lúc này, mặc cho cái nắng chói chang của Sài Gòn, nhiều người bắt đầu nhốn nháo, đứng kín cả cổng trông ngóng, cố gắng nhìn vào bên trong sân trường và tự hỏi “Sao nhiều đứa ra rồi mà con mình chưa ra, hay nó làm không được”. Có môn thi, dù chưa hết giờ làm bài nhưng nhiều phụ huynh đi lui, lẩm bẩm “lâu quá sao chưa thấy con ra”, và họ cũng chạy thật nhanh đến hỏi chuyện những thí sinh ra sớm để biết tình hình bài làm ra sao thế nào. Khi biết đề thi dễ, phụ huynh bắt đầu thở phào nhẹ nhõm “đề như vậy cũng không đến nỗi nào, con tôi chắc làm được chị ạ”, hai bà mẹ chia sẻ cùng nhau.
Quả thực, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ diễn ra 3 ngày, nhưng tâm lý tác động của nó quá lớn đối với bậc phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều người đã cố gắng kìm nén tất cả tâm trạng hồi hộp, lo lắng… để tạo cảm giác an toàn cho con em mình thi đạt kết quả tốt.
Hoài Giang-Huyền Hân
Theo Bưu điện Việt Nam