Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi lòng sĩ tử khi được hỏi ‘Thi tốt không con?’

Vào những kỳ thi quan trọng, nhiều bạn trẻ hy vọng nhận được sự động viên, an ủi của cha mẹ thay vì hỏi thăm về kết quả bài làm.

Trong những kỳ thi lớn, câu hỏi “Làm bài được không con?”, "Thi tốt không con?" xuất hiện thường xuyên như một cách thể hiện sự quan tâm, lo lắng cha mẹ dành cho các sĩ tử. Nhận được câu hỏi này, có người sẽ thấy yên lòng hơn, nhưng cũng không ít bạn trẻ lo lắng và áp lực ở các môn thi tiếp theo.

Theo cuộc khảo sát nhanh của Zing với 72 bạn trẻ độ tuổi từ 18-22, 93,1% số người được hỏi cho biết thường được bố mẹ hỏi thăm về kết quả bài làm sau các kỳ thi quan trọng.

Trong đó, gần 47,2% nói rằng cảm thấy áp lực khi nhận được những câu hỏi như vậy, 31,9% cho là bình thường và 20,8% trả lời không ảnh hưởng đến tinh thần thi cử vì xem đó như một cách động viên của phụ huynh.

Trò chuyện với Zing, 8 bạn trẻ sống tại TP.HCM đã chia sẻ kỷ niệm cũng như cảm xúc của họ khi nhận được sự cổ vũ từ cha mẹ khi bước vào những kỳ thi quan trọng của đời học sinh.

Thi tot khong con cau hoi noi len noi long cha me vao mua thi cu anh 1

Nhiều phụ huynh lo lắng trước dấu mốc quan trọng của cuộc đời con. Ảnh: Chí Hùng.

Vũ Minh Đức (18 tuổi, học sinh trường THPT Marie Curie)

Thú thật, tôi không thích được bố mẹ hỏi thăm về kết quả bài thi dù mình làm tốt hay không. Tuy biết rõ những câu hỏi đó xuất phát từ sự lo lắng của bố mẹ, tôi vẫn cảm thấy việc phải trả lời liên tục sẽ khiến mình mất bình tĩnh.

Khi bố mẹ hỏi về kết quả, tôi thường chọn trả lời “nước đôi”. Bởi tôi sợ rằng nếu trả lời thật lòng và chi tiết, bố mẹ sẽ lo lắng nhiều hơn. Chuyện thi cử khó nói, tôi chỉ mong cả nhà giữ tinh thần ổn định để có thể đồng hành với tôi đến môn cuối cùng.

Trong quá trình chuẩn bị thi, mẹ đã soạn sẵn một số câu chuyện hay để làm dẫn chứng cho đề nghị luận xã hội liên quan đến dịch Covid-19. Tôi vừa cảm động vừa buồn cười, vì bản thân là học sinh giỏi Văn nên có thể tự chuẩn bị tốt những nội dung như vậy. Hy vọng sẽ có kết quả tốt để mẹ vui lòng.

Thi tot khong con cau hoi noi len noi long cha me vao mua thi cu anh 2

Minh Đức cho rằng việc thăm hỏi quá cụ thể của phụ huynh sau buổi thi sẽ dễ gây áp lực cho các sĩ tử. Ảnh: NVCC.

Hà Thị Mai Linh (19 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM)

Đây là lần thứ 2 tôi thi đại học. Kết quả năm rồi không quá tệ, nhưng chưa đủ để tôi được theo học tại ngôi trường yêu thích. Vậy nên tôi “làm liều”, xin ba mẹ cho mình một năm để tự ôn luyện và thi lại.

Năm ngoái, cả nhà đều quan tâm từng chút một, sau mỗi buổi thi đều muốn tôi so kết quả với bạn học nên tôi rơi vào hoảng loạn mỗi khi thấy đáp án không trùng khớp.

Lần này mọi người biết ý hơn nên cho tôi được thoải mái nhất có thể. Cách hỏi thăm, động viên năm nay cũng không còn dồn dập, thay vào đó là chỉ an ủi tôi bằng những món ăn ngon và lời hứa đi ăn nhà hàng yêu thích khi tình hình dịch đã ổn định.

Để thêm phần may mắn, cả nhà thống nhất sẽ để chị hai đưa tôi đi thi vì hai chị em hợp tuổi. Hiện tinh thần tôi khá thoải mái và tự tin, hy vọng sẽ làm bài tốt để xứng đáng với niềm tin gia đình dành cho mình.

Lê Như Thanh Thảo (19 tuổi, sinh viên Đại học RMIT)

Với tôi, những lời thăm hỏi, động viên của ba mẹ thực sự cần thiết trong những dịp đặc biệt quan trọng như thi đại học. Tuy nhiên, nếu không khéo, ba mẹ sẽ sẽ dễ làm con cái cảm thấy như bị “tra hỏi”, gây ảnh hưởng đến chất lượng làm bài các môn sau đó. Tôi thích được ba mẹ cổ vũ nhiều hơn thay vì tập trung vào nội dung bài làm hay điểm số.

Lúc chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, tôi và ba “hẹn” nhau làm một clip phỏng vấn con gái sau khi hoàn thành ngày thi đầu tiên.

Thi tot khong con cau hoi noi len noi long cha me vao mua thi cu anh 3

Thanh Thảo và ba đã "hẹn nhau" ghi lại khoảnh khắc cô bạn bước ra khỏi trường thi dù trời mưa như trút nước. Ảnh: NVCC.

Hôm đó trời mưa tầm tã nhưng hình ảnh ba đứng bên đường, hào hứng vẫy tay và cầm điện thoại quay lại khoảnh khắc con gái bước ra khỏi trường thi thực sự khiến tôi cảm động.

Ba vẫn hỏi những câu quen thuộc như “Con làm bài ổn không?”, “Tự tin với kết quả chứ?” nhưng lại khiến tôi nhẹ nhõm và vui vẻ đến lạ. Tôi còn nhờ bạn bè chụp lại khoảnh khắc cha con mặc áo mưa trước cổng trường để luôn nhớ về kỳ thi năm ấy.

Phan Kiều Anh (21 tuổi, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM)

Từ cấp 3, tôi đã đi học xa nhà nên việc được cha mẹ thăm hỏi sau những buổi thi không xảy ra thường xuyên. Tôi xem đó như một “may mắn” vì bản thân thường bối rối và tiếc nuối với những câu làm sai. Nếu có cha mẹ bên cạnh và hỏi ngay về kết quả, tôi sợ mình sẽ không giữ được bình tĩnh để tiếp tục thi.

Sau khi thi xong, tôi sẽ gọi về cho gia đình và nói rõ cho cha mẹ biết tình hình bài làm. Tôi không thích lấp lửng vì sợ kết quả không được như ý sẽ làm cha mẹ buồn nhiều hơn. Cha mẹ tôi cũng khá tâm lý nên cũng chưa lần nào gây áp lực lên con gái, đó là điều tôi luôn trân trọng và biết ơn.

Hai ngày thi đại học năm đó, mẹ lặn lội từ quê lên phòng trọ tôi đang ở để chăm sóc, đảm bảo con có những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng để yên tâm làm bài.

Mọi người ở nhà cũng liên tục gọi điện thoại để dặn dò và cổ vũ chứ không yêu cầu tôi phải đạt được kết quả nhất định nào. Nhờ vậy mà kỳ thi trôi qua rất nhẹ nhàng, tôi cũng may mắn đậu vào trường đại học như ý nguyện.

Xuân Linh (22 tuổi, sinh viên ĐH RMIT TP.HCM)

Tôi nhớ hồi thi lên cấp 3, vì bị thủy đậu nên không thể đến trường ôn tập cùng các bạn. Lúc đó là thời gian “nước rút” nên ai cũng rất áp lực. Đến ngày thi, điểm môn Toán không được như mong đợi, tôi đã khóc rất nhiều.

Cả gia đình cũng khá buồn nhưng mẹ vẫn luôn ở bên động viên và an ủi. Mẹ còn định đăng ký cho tôi vào trường tư. Điều này khiến tôi thấy thoải mái tinh thần hơn, đỡ hồi hộp khi chờ đợi kết quả trúng tuyển.

May mắn là 2 môn còn lại khá tốt nên tôi vẫn đậu vào ngôi trường mơ ước. Bình thường với các kỳ thi lớn, bố mẹ luôn hỏi han mỗi khi kết thúc một môn. Đôi khi, tôi thấy điều này mang lại áp lực rất lớn. Không làm bài được thì chỉ muốn khóc.

Mặc dù không thích khi được hỏi, tôi vẫn trân trọng sự quan tâm của bố mẹ. Vì đơn giản họ cũng chỉ muốn biết quá trình con cái đã cố gắng như thế nào.

Từ lúc lên đại học, bố mẹ cũng ít khi hỏi vì biết con mình đã trưởng thành. Nhưng nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn được nghe lời vỗ về: “Con đã cố gắng rồi, nếu không được thì cũng không có gì phải buồn hay xấu hổ”.

Thi tot khong con cau hoi noi len noi long cha me vao mua thi cu anh 4

Nhiều bạn trẻ được phụ huynh đưa đến điểm thi trong sáng ngày 7/7. Ảnh: Chí Hùng.

Trương Diễm Quỳnh (20 tuổi, sinh viên ĐH Quốc Tế, ĐHQG TP.HCM)

Gia đình tôi có cách cổ vũ con cái rất độc lạ. Khoảng 2 năm trước, khi còn là học sinh lớp 12, ba mẹ hay bảo rằng nếu rớt kỳ thi THPT quốc gia sẽ bắt tôi lấy chồng. Hôm vừa thi xong, về đến nhà thì mẹ liền hỏi: “Sao có lấy chồng không?”. Lúc đó tôi vừa sợ vừa thấy mắc cười, không biết phải đáp mẹ thế nào. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm đó.

Tôi nghĩ việc phụ huynh hỏi han tình hình thi cử của con cái là để thể hiện sự quan tâm hơn là trách mắng. Với gia đình tôi, ba mẹ luôn hiểu và tôn trọng việc học của con nên mọi chuyện chỉ đơn giản là chia sẻ chứ không áp lực. Vì thế, tôi luôn nói thật kết quả để họ yên lòng.

Ngoài “giục lấy chồng”, ba mẹ còn hay trêu: “Con thì đâu có cần học cũng làm bài tốt mà đúng không?” để tôi giảm bớt áp lực thi cử.

Diệp Xuân Mai (19 tuổi, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM)

Bình thường sau khi thi hết các môn thì gia đình tôi hay rủ nhau đi chơi, những lúc đó mẹ mới hỏi về tình hình làm bài. Điều đó khiến tôi thấy thoải mái hơn, không bị áp lực những môn thi sau.

Ba mẹ nói là chỉ cần nhìn sắc mặt cũng biết tôi thi thế nào nên không hỏi ngay. Hơn nữa, việc này cũng giúp tôi tập trung vào bài thi đang diễn ra hơn là nhớ đến các lỗi sai của môn trước.

Mẹ cũng hay hỏi những câu như các phụ huynh khác như: “Thi sao rồi?”, “Làm bài ổn không con?”...

Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tôi làm bài không được tốt lắm, cả 3 môn đều không hài lòng. Tôi khá buồn nhưng không dám nói với mẹ. Mẹ hình như cũng đoán được như vậy nên cũng im lặng, không nói gì. Nhưng may mắn là điểm thi không đến mức tệ và cũng đủ để tôi đậu các nguyện vọng sau.

Thi tot khong con cau hoi noi len noi long cha me vao mua thi cu anh 5

Với nhiều sĩ tử, lời hỏi thăm của bố mẹ là sự khích lệ, động viên trong khi số khác cho rằng điều này gây áp lực cho các em. Ảnh: Chí Hùng.

Nguyễn Châu Gia Thi (19 tuổi, sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM)

Ba mẹ tôi ít hỏi về việc thi cử. Mỗi lần được hỏi tôi đều lấy đó làm động lực cho bản thân. Tôi thấy việc phụ huynh quan tâm đến kết quả học tập của con cái là chuyện bình thường nhưng không nên quá đặt nặng điều đó.

Khi đến kỳ thi quan trọng, mẹ thường nấu chè đậu đỏ với hy vọng tôi sẽ đạt điểm cao. Đây được xem như lời động viên của mẹ.

Dù không tin lắm vào chuyện tâm linh, tôi vẫn thấy hạnh phúc vì được mẹ quan tâm như vậy. Trong suốt thời cấp 3, tôi luôn đi thi một mình vì muốn tự lập, không phụ thuộc vào gia đình.

Những bữa cơm ấm lòng tặng người khó khăn trong dịch ở TP.HCM

Những điểm phát cơm từ thiện, quán ăn 0 đồng là nơi tiếp thêm động lực, san sẻ gánh nặng cho người dân trong giai đoạn khó khăn.

Phương Thảo - Hồng Anh

Bạn có thể quan tâm