Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi lòng sinh viên đi làm bảo vệ đường hoa Nguyễn Huệ

Mới ra trường chưa có việc, sợ bị hỏi chuyện cưới xin…, đó là những lý do khiến nhiều sinh viên đi làm bảo vệ ở đường hoa Nguyễn Huệ.

Tối 28/1, đường hoa Nguyễn Huệ chính thức khai mạc. Người dân Sài Gòn nô nức tham quan vẻ đẹp của đường hoa. Trong khi đó, các bảo vệ ở đây thì cố gắng đảm bảo an toàn, trật tự cho mọi người vui chơi đường hoa một cách văn minh.

Trong số bảo vệ ở đó, rất nhiều người là sinh viên không về quê ăn Tết mà ở lại thành phố kiếm sống. Mỗi  người một lý do khác nhau nhưng số tiền kiếm được đều giúp các bạn có thêm trang trải cho cuộc sống, để bớt gánh nặng cho gia đình.

Tết cũng như ngày thường

Lọt thỏm giữa dòng người tấp nập ở đường Nguyễn Huệ nhưng trong cả một khu vực đường hoa đều thấy bóng dáng màu xanh da trời của  Lìu Minh Phong (22 tuổi, sinh viên năm 3, ĐH Bách khoa TP.HCM). Được bạn cùng phòng trọ rủ đi làm bảo vệ cho đường hoa, Phong đồng ý đi nộp hồ sơ.

Nhiệm vụ của Phong là nhắc nhở, ngăn cản mọi người không ngồi lên gạch, đi vào tiểu cảnh, sờ hoa… Phong là người dân tộc Nùng. Ngày Tết cậu quyết định không về quê ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai mà đi làm để kiếm tiền đóng học kỳ 2.

Thay vì về quê thì sinh viên Lìu Minh Phong làm bảo vệ tại đường hoa Nguyễn Huệ

“Những năm trước mình có về Tết để phụ gia đình làm ruộng, thu hoạch, gói bánh tét… Nhưng mình thấy mấy ngày Tết cũng bình thường. Với dân tộc mình, ngày  Tết này không ý nghĩa lắm vì thế mình chưa về vội. Ngày mùng 4 Tết làm xong mình về nhà cũng được. Trường mình cho nghỉ đến hết mùng 10”, Phong giải thích.

Tương tự, Sử Văn Tiến (23 tuổi, ĐH KHXH&NV, dân tộc Chăm) cũng không về nhà vì Tết Nguyên Đán không mang nhiều ý nghĩa với Tiến. Đối với Tiến, phải đến lễ hội Ka Tê, tổ chức vào tháng 7 âm lịch mới là ngày quan trọng nhất trong năm.

Có nhà ở Sài Gòn, điều kiện gia đình đầy đủ nhưng Nguyễn Công Toại (22 tuổi, CĐ Kĩ thuật công nghệ) vẫn xin đi làm mấy ngày Tết. Toại vừa ra trường được 4 tháng, nộp hàng chục bộ hô sơ vẫn chưa xin được việc. Vì đã  hết mác sinh viên, không muốn phụ thuộc gia đình nên Toại đi làm bảo vệ đường hoa. “

Mình thấy đủ tiêu chuẩn, nặng trên 60 kg, cao trên 1m65 và công việc này cũng hay, thu nhập ổn nên xin đi làm. Gia đình chẳng ai ủng hộ nhưng mình cần tiền để tự lập khi chưa có việc ổn định nên đành hy sinh cái Tết năm nay”, Toại chia sẻ.

Nguyễn Minh Toại nhắc nhở một phụ nữ không ngồi lên tiểu cảnh.

Với các nhân viên bảo vệ như Toại, một ca phải làm 12 tiếng. Tùy điều kiện, có ba ca để mọi người linh động. Mỗi ca từ ngày 28 – 29 Tết được trả 15.000/h. Làm từ ngày 30 – mùng 4 Tết, các bảo vệ được trả 27.000 đồng/giờ. Toại cho biết thêm: “Công việc nhìn thử đơn giản nhưng rất mệt. Phải đứng nắng cả ngày đến nỗi khát nước mà không dám bỏ vị trí đi uống nước”. Chỉ vào đôi chân, Toại than mỏi và đau vì đi giày cả ngày.

Đi làm vì sợ hỏi chuyện cưới xin

Cũng chưa có công việc ổn định nên Phan Đăng Đại (27 tuổi, ĐH TDTT TP.HCM) mặc cảm không dám về quê. Một lý do khác là vì Đại ngại hàng xóm láng giềng hỏi chuyện vợ con. Vào Sài Gòn, Đại đi làm đủ thử việc như chạy bàn, bảo vệ… Thấy không ổn định nên Đại mới quyết định đi học liên thông để có tấm bằng. Năm nay là cái Tết đầu tiên Đại không về quê ở Hà Tĩnh. 

Đại tâm sự: “Mình phải nói dối là bận làm ăn chứ không dám nói thật là làm bảo vệ thì gia đình mới cho ở lại đây. Mình chừng này tuổi rồi mà không có công ăn việc làm ổn định, Tết về không có chút tiền gửi ba mẹ nên mặc cảm. Hơn nữa, về quê thể nào cũng bị hỏi chuyện cưới vợ trong khi mình còn chưa có bạn gái”.

Từng có thời gian gần 2 năm làm bảo vệ ở trường học nhưng với Đại, việc làm ở đường hoa mệt hơn rất nhiều. Đại và đồng nghiệp phải hoạt động không ngừng nghỉ, liên tục quan sát xem có ai làm hư hoa, nhảy vào tiểu cảnh chụp ảnh… Có nhiều người vì muốn có bức ảnh đẹp nên cự cãi với bảo vệ. Nếu để khách hút thuốc, bẻ hoa… trong khu vực mình sẽ bị nhắc nhở, nặng thì phạt tiền.

“Niềm vui trong những ngày này là mình góp một phần vào công trình đẹp của Sài Gòn. Các bữa ăn đều được ban quản lý lo. Họ cũng sắp xếp chỗ ở cho mình nên vừa có đồng nghiệp tâm sự, vừa không phải đối diện cảnh cô đơn ở phòng trọ”, Đại cho biết.

Nguyễn Phương Nam đứng giữa trời nắng để nhắc nhở mọi người không đi ngược chiều.

Có nhiều lý để sinh viên bỏ sự đoàn viên gia đình ngày Tết. Nhưng mục đích của họ đều dừng ở việc kiếm tiền trang trải cuộc sống, san sẻ với nỗi lo toan tiền bạc của mẹ cha. "Nếu lúc này mà ở nhà thì mình đang  dọn dẹp nhà cửa, ăn tất niên với cha mẹ, anh em. Còn bây giờ nhìn thấy người ta đi chơi tập nập mà mình đang dãi nắng làm việc thấy tủi lắm”, Nguyễn Nam Phương (sinh viên năm 3, ĐH Công nghiệp TP.HCM) bộc bạch.

Như Quỳnh

Bạn có thể quan tâm