* Chị Phan Thùy Trang (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội):
Hà Nội: Ra đường là nghe nói tục
Ở Hà Nội có hai cái vừa chướng tai vừa gai mắt của giới trẻ dễ dàng bắt gặp là coi thường luật giao thông và chửi tục. Rất nhiều người trẻ không đội mũ bảo hiểm, học sinh đi xe đạp điện hầu như để đầu trần chạy xe lại còn chở ba, chở bốn.
Về chuyện nói tục, chửi bậy có thể nghe ở bất kỳ đâu, từ hàng quán lề đường cho đến những nơi cần lịch sự như rạp chiếu phim, nhà sách. Nhiều bạn nữ ăn mặc rất lịch sự, dáng vẻ e lệ, dịu dàng nhưng khi mở miệng ra là xổ toàn những câu thô tục nổi cả da gà.
Mới đây, tôi dẫn một thầy giáo từ TP Vinh đi ăn ở phố Tạ Hiện, đang ngồi ăn, một bạn nữ rất trẻ đứng chống nạnh trước cửa nhà chửi ra đường với hàng loạt từ tục tĩu khiến cả tôi và thầy giáo đó đều thấy ngượng dù không hiểu cô ấy đang chửi ai. Thật bất ngờ, cô này chửi một bác bán hàng rong nướng thức ăn khiến khói bay vào nhà mình.
Trong công việc các bạn trẻ cũng nói tục mà không thấy ngượng, họ không để ý đến những người xung quanh bởi ở một khía cạnh nào đó điều này đã trở thành chuyện... bình thường. Tôi nghĩ từ trong nền tảng cơ bản nhất là gia đình do không bị bó buộc trong nề nếp, các bậc phụ huynh cũng cư xử như vậy nên thói nói tục của giới trẻ không đơn thuần là lỗi của người trẻ.
* Anh Nguyễn Công Sáng (22 tuổi, sinh viên tại TP Huế):
Huế: Chuyện xấu ở dãy trọ
Sinh viên có nhiều tật xấu thể hiện sự thiếu ý thức mà biểu hiện rất rõ ở nhà trường và nơi cư trú. Ở trường mặc dù đã có bảng “Đi nhẹ, nói khẽ” ở cầu thang các tòa nhà nhưng khi đi theo nhóm thì các bạn lại rất ồn ào, đi bước chân rầm rầm ảnh hưởng đến những phòng học xung quanh đó.
Rất nhiều lần các giảng viên khựng lại, cả lớp ngưng học bài nhìn ra hành lang bởi tiếng nói chuyện, cười đùa ồn ào của những sinh viên khác đi ngang qua phòng học.
Về phòng trọ thì sao? Với các dãy trọ có nhiều phòng thì những thói xấu của sinh viên càng dễ dàng bộc lộ. Đầu tiên là xả rác, họ có thể dọn rất sạch sẽ trong phòng mình nhưng bên ngoài hành lang là của chung nên đùn đẩy nhau, không ai chịu dọn dẹp.
Điều thứ hai, vào mùa thi rất nhiều người phải “kêu trời” vì các phòng mở nhạc om sòm, nhậu nhẹt cả đêm ảnh hưởng đến người khác. Khi góp ý thì không phải ai cũng ý tứ hiểu cho nhau mà đôi khi còn hành xử ngược lại, thể hiện ý thức quá kém.
Với những người trẻ này, họ chỉ quan tâm đến bản thân, những nhu cầu của chính mình mà không hề nghĩ đến người xung quanh.
* Chị Khưu Phương Quyên (TP HCM):
TP HCM: Sau lúc no cơm chán chè...
Mới đây, tôi mua vé giường nằm trên chuyến tàu SE5 đi từ Nha Trang về TP HCM. Khi lên tàu, có một nhóm bạn trẻ mua nguyên vé của một phòng rồi tổ chức đánh bài, cười đùa, la ó ồn ào.
Dù nằm khác phòng nhưng những tiếng cười đùa rất lớn, khiến chúng tôi phải đến nhắc khéo các bạn trẻ đó giữ trật tự sau gần ba giờ bị “tra tấn”. Tuy nhiên, điều rất buồn là thỉnh thoảng họ vẫn la lên khiến nhiều người già đi cùng phòng với tôi rất khó chịu.
Tật xấu của bạn trẻ thể hiện rất rõ ở ý thức nơi công cộng, nhiều bạn trẻ khi đã no nê chè chén thì ai cũng bỏ rác lại “chiến trường”.
Thậm chí nhiều bạn còn vô ý thức đến độ quẳng rác xuống hồ. Một số người có ý thức hơn thì dọn rác vào bao nhưng rồi vứt lại ở một góc nên đó cũng là kiểu ý thức nửa vời.
Các bạn phản biện là do những nơi này không có thùng rác nên không biết vứt đâu, điều đó thật hổ thẹn bởi nếu ai đó trao cho bạn cơ hội du lịch hang Sơn Đoòng, các bạn sẽ tính sao? Lẽ ra trước khi mang thức ăn đi picnic, các bạn phải tính đến phương án sẽ dọn rác như thế nào mới là cách hành xử lịch sự. Chuyện nhỏ như thế, mà lớn thế này thì đâu cần ai chỉ bảo nữa!
Ca sĩ Vũ Cát Tường
Các bạn trẻ hành xử chưa tử tế nơi công cộng phản ánh mặt bằng giáo dục của VN chưa đồng đều. Các bạn trẻ được bồi dưỡng nhiều về kiến thức nhưng ý thức cơ bản nhất để sống cho mọi người rất thấp, họ chỉ chú ý đến cái “tôi” mà chưa để ý đến cái “ta” và quên hẳn chuyện mọi người làm gì thì làm trong vùng thoải mái của mình nhưng phải ý tứ để không ảnh hưởng đến người khác.
Những thói quen sinh hoạt ăn sâu từ nhỏ cho đến khi các bạn trẻ lớn lên, va chạm với cuộc sống thì bản thân mỗi người mới bắt đầu “lộ” ra.
Nói vậy nhưng hiện tôi thấy nhiều bậc cha mẹ không ý thức được mình là tấm gương giáo dục cho con, họ dễ dàng phơi bày những tật xấu của mình trước con cái.
Cho nên, điều cơ bản nhất ở nền tảng gia đình là các bậc phụ huynh tự vấn xem muốn con cái bắt chước bản thân mình ở những đức tính nào để phải biết giữ kẽ trước con và luôn hoàn thiện mình.