Sumba là một hòn đảo thuộc quần đảo Nusa Tenggara, nằm ở phía đông Indonesia. Hòn đảo nhỏ này thu hút du khách vì cuộc sống gần như tách mình đối với sự phát triển của đô thị hiện đại. Người dân trên đảo vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống từ xa xưa, trong đó có phong tục xây cất mồ mả trang trọng cho người đã khuất.
Mark Eveleigh, nhiếp ảnh gia, cây viết du lịch hiện sống ở Tây Ban Nha, đã có chuyến du lịch đến hòn đảo và ghé thăm một ngôi làng nhỏ, nơi người dân theo tín ngưỡng Marapu. Dưới sự dẫn dắt của những hướng dẫn viên, Mark Eveleigh đã tìm hiểu về phong tục mai táng của người dân nơi đây.
Đảo Sumba thu hút du khách vì vẻ đẹp và không khí tĩnh lặng. Ảnh: Cntraveler. |
Nghi lễ chôn cất xa hoa
Một bộ phận người dân trên đảo Sumba theo tín ngưỡng Marapu, đề cao việc thờ phụng tổ tiên, thần linh và người đã khuất. Với niềm tin rằng người chết sẽ được đến một thế giới khác, người thân luôn cố gắng thực hiện nghi lễ chôn cất một cách đầy đủ, xa hoa nhất để đảm bảo họ có được “nền tảng vững chắc nhất” khi bước sang thế giới bên kia.
Niềm tin này đã dẫn đến cảnh nợ nần cho những người còn sống.
Việc xây dựng ngôi mộ cầu kỳ là phần không thể thiếu của những đám tang tại đây. Tiger, hướng dẫn viên tại Nihi Sumba, một khu nghỉ mát sang trọng trên đảo, cho biết người quá cố được chôn cất cùng rất nhiều hiện vật có giá trị.
Để tránh sự nhòm ngó từ những kẻ trộm mộ, họ thường xây mộ ở trung tâm của làng. Ngôi mộ là nơi hết sức quan trọng và được người còn sống bảo vệ cẩn mật.
Quá trình xây dựng mộ cũng tiêu tốn một khoản kinh phí không hề nhỏ, có thể làm cạn kiệt khả năng kinh tế của rất nhiều gia đình trên đảo. Một người thân qua đời có thể khiến người còn sống phải gánh những khoản nợ khổng lồ. Nếu họ không có khả năng chi trả, khoản nợ sẽ được tiếp tục theo kiểu “cha truyền con nối” đến các đời sau.
“Mỗi người đàn ông ở đây ngay khi sinh ra đã bị ngập trong nợ nần. Nếu ông nội hoặc cha của họ không có khả năng xây mộ cho các thành viên đã khuất trong gia đình đã chết, thì khoản nợ sẽ được chuyển sang đời tiếp theo”, Ansel Mus Rangga, hướng dẫn viên trên đảo nói.
Nhiều người lầm tưởng đây là một ngôi làng của người sống, nhưng đó chính là những ngôi mộ người đã khuất. Khu vực chôn cất thường nằm ở giữa làng và được trông coi cẩn thận. Ảnh: Selective Asia. |
Các bia mộ có thể nặng đến hàng chục tấn. Hàng trăm đàn ông trong làng phải dùng sức người và đôi tay để vận chuyển những phiến đá nguyên khối từ các mỏ đá về nơi xây dựng. Đi cùng với đó là chi phí ăn uống, sinh hoạt của những người tham gia vận chuyển đá, tất cả sẽ do gia chủ chi trả.
Việc vận chuyển bằng máy móc cơ giới cũng là một lựa chọn, nhưng rất ít được sử dụng vì người Sumba cho biết “cách vận chuyển thủ công là tốt nhất”.
“Trước đây, khi một vị vua băng hà, đầy tớ và tùy tùng sẽ được chôn cùng trong hầm mộ để phục vụ chủ nhân của mình”, Tiger cho biết và chỉ vào ngôi mộ nhỏ hơn nằm bên cạnh ngôi mộ của Umba Sawola nặng tới 70 tấn ở Anakalang, trung tâm Sumba.
Ngôi mộ của Umba Sawola được xây dựng năm 1971. Nắp hầm mộ được chạm khắc và vận chuyển đến trung tâm Anakalang từ một mỏ đá cách đó 3 km. Để phục vụ đội ngũ vận chuyển hàng nghìn người trong gần một năm, 350 con trâu đã bị giết thịt làm thức ăn.
Phá luật để xây mộ to
Dato Daku, người làm việc cho tổ chức Sumba Foundation chuyên hỗ trợ người dân địa phương xây dựng giếng nước sạch, trường học và trạm xá, cho biết trên đảo cũng có một đạo luật quy định người dân chỉ được phép giết tối đa 5 con gia súc trong mỗi đám tang.
Điều luật này được đưa ra với mục đích chống lãng phí và hạn chế thiệt hại về kinh tế cho người dân, nhưng không phải ai cũng tuân theo. Đối với nhiều người Sumba, xa hoa là một nghĩa vụ thiêng liêng mà họ có thể làm với người đã khuất.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chi phí xây một ngôi mộ tại Sumba đã có xu hướng rẻ hơn. Rất nhiều ngôi mộ được người dân xây dựng bằng gạch và xi măng.
Đảo Sumba nằm trong quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, nhưng cũng có rất nhiều người trên đảo theo đạo thiên Chúa. Do ảnh hưởng của tôn giáo, mộ cũng được xây dựng với chi phí được cho là rẻ hơn rất nhiều so với trước kia.
Lễ hội truyền thống và niềm tin đổ máu là thịnh vượng
Vào tháng 2 hàng năm, người dân Sumba tổ chức lễ hội Pasola truyền thống được tổ chức nằm cầu thần linh ban phước cho một vụ mùa no ấm theo nghi thức của tín ngưỡng Marapu.
Khoảng 50 người đàn ông chia làm hai phe, mặc trang phục truyền thống cưỡi ngựa, cầm gậy, lao đâm vào nhau trong lễ hội Pasola. Ảnh: Indonesia Travel Database. |
Điểm thu hút du khách của lễ hội là cuộc thi đấu phóng lao đầy kịch tính trên lưng ngựa, dành cho đàn ông. Hiện nay, để tránh tai nạn chết người, cây lao nhọn đã được thay thế bằng gậy cùn, tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều trường hợp bị thương, thậm chí tử vong.
Tiger cho biết: “Vào năm 2014, một người đàn ông bị thiệt mạng trong khi tham dự cuộc thi phóng lao này. Và vụ mùa năm đó là một trong vụ thu hoạch bội thu nhất từ trước tới nay. Đó là vì máu đã đổ trên mặt đất”.