- Đằng sau những vai diễn, vở kịch trên sân khấu chị đã phải nếm trải những buồn vui trong đời sống hôn nhân, chị chia sẻ gì về điều này?
- Tôi đã trải qua 2 lần hôn nhân. Hôn nhân thứ nhất, người chồng đã có gia đình, có một con riêng. Anh ấy là diễn viên múa và học đàn nên đệm cho chúng tôi học múa ngày xưa. Chúng tôi yêu nhau và lấy nhau thậm chí sinh con khi tôi chưa tốt nghiệp. Vì vậy nhìn về hôn nhân của tôi lúc ấy còn mơ hồ, hiểu chưa đúng về hôn nhân nên dễ tan vỡ.
Khi gặp ông xã - đạo diễn Tất Bình tôi cũng còn trẻ, mới ngoài 20 tuổi thôi. Qua lần thứ 2 tôi thấy mọi việc êm ả hơn. Hôn nhân với tôi từ lúc lấy anh Bình đến tuổi 54 bây giờ không có gì đặc biệt và tôi chỉ mong mãi như thế.
- Như chị chia sẻ khi lấy đạo diễn Tất Bình, chị còn rất trẻ, vậy tại sao hai người không có con chung?
- Tôi tin vào số phận. Khi lấy anh Tất Bình, tôi có ý định sinh con nhưng lúc đó vai nhiều, việc nhiều, ông xã cũng bận nên cứ bảo để hết năm này lại đến năm khác. Đến khi bừng tỉnh vì thấy con riêng lớn sắp lấy chồng mới quyết định đẻ con nhưng do để lâu nên trục trặc. Nhưng trục trặc ấy không đáng kể bởi y khoa có thể can thiệp được.
Nhưng có một người nói với tôi: "Không ai được hết đâu Lan Hương ạ, mệnh của Lan Hương với anh Bình, hỏa với kim khắc nhau mà lại sống hòa thuận thế này, khi có con chung một trong hai người tan nát hết". Tôi nghe thấy thế nên thôi luôn ý định sinh thêm con. Có khi tôi cũng hơi mê tín nhưng nghĩ lại thấy mình cũng có con riêng rồi, anh Bình cũng có 2 con gái bây giờ sinh thêm một đứa liệu có đúng kết nối không hay lại như lời người ta nói tan nát nên tôi sợ và thôi.
NSND Lan Hương. Ảnh: BTVV |
- Trước khi đến với đạo diễn Tất Bình, chị đã trải qua một cuộc hôn nhân và có người con gái riêng. Đạo diễn Tất Bình khi đến với chị cũng đã có gia đình và 2 người con gái riêng. Vậy trong suốt quá trình anh chị gắn bó có khi nào vợ chồng anh chị nảy sinh các mâu thuẫn, con anh con tôi chưa?
- Qua một lần đổ vỡ tôi tỉnh ngộ nhiều thứ. Vợ chồng là gì, yêu nhau là gì? Vợ chồng phải yêu những cái xấu của nhau, những khiếm khuyết của nhau. Sự xô xát chắc chắn phải có, không thể tránh được.
Chuyện con anh con tôi với nhà tôi ít hơn vì con gái tôi không ở Việt Nam, 2 con của ông xã lúc còn nhỏ chắc chắn cũng không thích tôi lắm. Tôi phải trải qua thời gian rất lâu để hiểu rằng cuộc sống phải như thế và con người ta phải theo guồng, sống làm sao để bánh răng ăn vào với nhau cho mềm mại.
Nhiều người thắc mắc tại sao con chồng lại không nghe mình, nhiều người đòi hỏi điều đấy nhưng tôi lại không bởi vì cũng có một đứa con gái ở với mẹ kế nên tôi hiểu con đẻ không thể nào thích mẹ kế hơn mẹ mình dù mẹ kế có tốt thế nào. Đến thời điểm này 3 cô cháu nhà tôi rất quý mến nhau, trân trọng nhau.
- Người nghệ sĩ thường có trái tim đa cảm. Chị là một nghệ sĩ, đạo diễn Tất Bình cũng vậy, 2 nghệ sĩ có những phút xao lòng ngoài chồng ngoài vợ không, thưa chị?
- Không riêng gì nghệ sĩ mới có trái tim đa cảm. Đã là con người đều có trái tim đa cảm, chỉ có điều người nghệ sĩ lên hình, lên ảnh, phim, sân khấu mọi người biết và sẽ quan tâm hơn nên bắt buộc chúng tôi phải khác hơn một chút, không được quá thoải mái, xuồng xã...
- Một lần về quê với chị ở Hải Dương được tiếp xúc với mẹ chị tôi nhận ra đây là người phụ nữ đặc biệt. Chị chia sẻ gì về mẹ mình?
- Mẹ tôi hơn tôi nhiều. Có một điểm bà khác hẳn với tôi và giống con rể Tất Bình là hay nói, nói nhanh, đi lại nhanh. Mẹ tôi là một trong những nữ sinh trường Bách Khoa đầu tiên, mẹ học xong sang Nga học rồi về Việt Nam làm việc đến khi về hưu vẫn thích hoạt động.
Tôi kể bạn nghe, một hôm tôi thấy mẹ đứng bến xe buýt trước cửa nhà, mặc bộ quần áo ngủ tôi hỏi: "Mẹ đi đâu đấy?". Bà bảo: "Mẹ buồn quá, nhảy lên xe buýt đi một vòng xong lại về''. Thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn lên xe buýt một mình hoặc rủ mấy bà bạn đi lên trên sân bay Nội Bài ngắm xem bây giờ xây dựng đến đâu, trầm trồ xong lại lên xe buýt đi về.
- Mẹ có phải là thần tượng của chị?
- Mẹ là thần tượng của tôi về lòng đam mê, tinh thần và sức khỏe. Lúc trẻ mẹ hoạt động rất ghê. Bà học kỹ sư cầu đường nên khi cầu sập là lao ra ngay. Có lần mẹ kể lại với tôi nghe tin có chiếc cầu bị sập nên lao ra và bị ông gác cầu căn ngăn: "Con Thuận kia, đi về, đã ai cho phép lên cầu" và mẹ vẫn một mực: "Không, cháu lên để xem cầu như thế nào để còn nói lại với công nhân chỉnh sửa cầu" và khi mẹ vừa đi xuống khỏi cầu thì quả bom nổ chậm phát nổ.
Tôi thần tượng bố mẹ lắm, mẹ ngày xưa được báo đăng về sự dũng cảm, được gặp Chủ tịch nước, Thủ tướng. Bố tôi là lính hải quân được đào tạo ở nước ngoài về, cũng là một trong những chiến sĩ hải quân đầu tiên. Tôi vẫn nhớ bố mặc những bộ quân phục hải quân đi qua số 72 Hoàng Hoa Thám là các anh chị xưởng phim trầm trồ vì ông cao to đẹp trai.
- Ngoài bố mẹ chị còn có người bác rất đặc biệt. Chị chia sẻ gì về người bác này?
- Tôi rất hãnh diện với cả họ nội, ngoại nhà mình. Họ nội có người bác cả hy sinh vào những năm đầu của tiền cách mạng, bác bị bắt và sau đấy mất, cũng có mộ nhà nước xây rất to ở Hải Dương. Cuộc đời hoạt động của bác không dài nhưng rất vinh quang vì bác góp công đưa được luồng gió cách mạng đến với toàn dân vào thời điểm đấy vì bác dám bứt phá đưa 6 anh em trai ra khỏi giai cấp của mình đi theo cách mạng.
Tôi rất tự hào về những người bác, người chú của mình, người nào cũng đi theo cách mạng. Bác đầu tiên, tên thật ở nhà là Nguyễn Văn Trạch, đi hoạt động cách mạng các thầy cách mạng đặt tên là Hồng Quang. Bác hoạt động nhiều ở Hải Dương nên khi mất có mộ ở đấy. Thậm chí có trường học, con đường ở Hải Dương, cả Hà Nội mang tên bác.