NSUT Hữu Châu - Mái ấm không có hạnh phúc riêng
Anh tự đặt ra giới hạn cho mình: không bao giờ nghĩ đến tình yêu và không được đau ốm. Anh chưa từng có vợ con nhưng rất có kinh nghiệm nuôi dạy con cái.
>> Bạn bè, khán giả tiễn đưa Hữu Lộc lần cuối
Sự ra đi của nghệ sĩ Hữu Lộc để lại nỗi bàng hoàng, tiếc thương cho giới nghệ sĩ và khán giả cả nước. Từ Hữu Lộc, công chúng càng day dứt về định mệnh nghiệt ngã dành cho một đại gia đình nghệ sĩ tài danh. Cũng trong đám tang của Hữu Lộc, còn có một hình ảnh nhói lòng về người đàn ông duy nhất có thể đứng ra chèo chống cho hậu vận gia đình này, đó là nghệ sĩ Hữu Châu. Gương mặt bơ phờ, anh cõng bé Sang, con trai nhỏ của Hữu Lộc chen chúc trong biển người. Từ lâu, như anh nói, ông trời đã trao cho anh một nhiệm vụ. Và từ hôm đó, nhiệm vụ càng nặng hơn trên lưng anh.
Chúng tôi gặp lại nghệ sĩ Hữu Châu, nỗi đau đã có phần nguôi ngoai trên gương mặt bơ phờ trước đó nhưng mái tóc của anh bỗng ngắn đi một cách bất thường. Còn thì cái dáng vẫn dong dỏng, giọng nói vẫn rền như tiếng chuông đồng, đôi mắt vẫn sáng tinh anh, Hữu Châu mang luôn cái khí khái, độ lượng ngay trong lúc phẫn uất và đớn đau nhất của vị quan gián nghị đại phu Nguyễn Trãi (Bí mật vườn Lệ Chi) trên sân khấu vào trong cả đời riêng của mình.
Không có gì làm cho tôi buồn được nữa
- Sau đám tang nghệ sĩ Hữu Lộc, cuộc sống của anh đến nay đã bình ổn lại chưa?
- Lúc nghe tin thằng Trum (tên gọi thân mật trong gia đình của nghệ sĩ Hữu Lộc) bị xe đụng, tôi cũng hết hồn nhưng có bao giờ nghĩ nó lại bị nặng như vậy, chỉ nghĩ nó bị trầy trụa, quá lắm là gãy tay gãy chân thôi.
Bữa đó tôi đi quay phim ở tuốt dưới Tiền Giang về khuya lắm. Tôi nói: “Giao (em gái của Hữu Châu, chị Hữu Lộc) ơi, chạy vô nhà thương coi nó sao rồi, có gì gọi điện thoại về báo cho anh”. Tới chừng Giao về báo tin: “Thằng Trum nó bị nứt sọ rồi anh ơi!”, trái tim tôi bị siết như vầy nè (bóp chặt nắm tay lại), giống như bị ai đó bóp nghẹt. Tôi ráng đi từ từ xuống nhà ngồi và nói: “Kể anh nghe coi”. Tôi nghe xong, bắt đầu trấn tĩnh lại, đi một hơi lên lầu lấy tiền bỏ vô túi quần rồi một mình đón taxi vô nhà thương lo cho nó.
Chỉ khi liệm nó, chịu không nổi, tôi có khóc. Bởi vì nằm vô cái hòm đó, đóng lại rồi coi như hết, ngàn ngàn kiếp kiếp không bao giờ gặp lại, cũng không biết còn có thể trở thành anh em nữa không. Lúc đó, tôi khóc không vì thằng em mình mà còn khóc tại sao ông trời bắt đi hết chỉ còn lại mình tôi.
Khóc xong, liệm nó xong, tôi ngồi ráng trấn tĩnh lại và thấy mình phải chấp nhận. Khi đã quyết định chấp nhận được sự thật này, tôi thấy mọi thứ trở nên bình thường. Tôi nói thiệt, trên đời này không có gì làm cho tôi buồn được nữa.
- Dù sao anh còn có chị và em gái, cũng đâu đến nỗi phải một mình lo cho gia đình?
- Bây giờ ở nhà có chuyện gì cũng một mình tôi gánh, không ai đứng ra giúp được hết. Em gái tôi đâu khá giả gì, chị gái đi làm chỉ đủ sống qua ngày. Nếu thằng Trum còn, mà má tôi đến ngày trăm tuổi thì cũng còn có nó. Hoặc nếu má tôi nằm nhà thương mà tôi cũng đang bệnh, không làm ra tiền thì cũng còn có nó. Bây giờ má tôi bệnh, chỉ một mình tôi lo nổi. Cho nên tôi không được bệnh. Tôi nói tôi “một mình” là như vậy.
- Nghe nói anh đã xuống tóc cầu nguyện cho em trai mình?
- Khi Trum còn nằm bệnh viện, tôi nguyện với lòng mình nếu em qua khỏi, tôi sẽ cạo đầu. Nhưng nó không qua khỏi, nó chết, tôi lại nghĩ không phải do Trời Phật không linh thiêng mà vì nếu nó sống mà chỉ được sống đời thực vật thì càng khổ. Cái số nó phải chết cũng là một sự giải thoát cho nó. Tôi nghĩ như vậy để thấy thanh thản.
Nó chết rồi, tôi vẫn cạo đầu, để cho những tội lỗi của nó được xóa bớt, đừng gặp phải gông cùm dưới địa ngục, để kiếp sau được đầu thai sung sướng hơn hoặc để nó về với Phật. Tôi mở kinh cho nó nghe suốt 49 ngày. Còn mấy ngày nữa tới 49 ngày nó mất, tôi cạo đầu. Nè, tóc tôi mới mọc lại nè (đưa cánh tay có đeo xâu tràng hạt vuốt vuốt tóc). 49 ngày của nó, tôi làm trai tăng lớn lắm. Tôi rước 60-70 vị hòa thượng dùn đức độ đem hộ niệm để giải nghiệp cho thằng Trum được siêu thoát, cho gia đình tôi được bình an, cho bản thân tôi có sức khỏe đi diễn nuôi con nuôi cháu cho đàng hoàng.
Nghịch lý giữa tình yêu và trách nhiệm
- Có khi nào anh nghĩ vì lý do gì mà anh phải lần lượt chứng kiến sự ra đi của những người thân trong gia đình mình?
- Không biết chị có tin vào nhân quả hay không, chứ tôi tin lắm. Cô Kim Cương có nói một câu rất hay, đó là: “Để được tồn tại trong nghề này, để được nổi tiếng, để được triệu triệu con người yêu mến, mình phải trả lại bằng máu”.
Đại gia đình Thanh Minh – Thanh Nga nổi tiếng của tôi được tất cả mọi người tôn trọng, yêu mến. Gia đình tôi từ xe hơi, nhà lầu xuống nhà lá rồi gây dựng trở lại, đã chứng kiến, thăng trầm nhiều quá rồi. Riêng bản thân tôi may mắn quá, cho nên tôi phải trả lại bằng cái gì đó. Tôi phải trả lại bằng sự đơn độc của mình, bằng việc phải chứng kiến những cái chết trong gia đình mình. Và tôi phải trả lại bằng sự thật trong suốt cuộc đời mình, cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, không bao giờ tôi nghĩ đến tình yêu.
- Như vậy có nghiệt ngã với anh quá hay không?
- Không, tôi đã thấy hết tất cả những điều đó rồi. Không có gì nghiệt ngã cả. Vậy nếu bây giờ lấy vợ, tôi phải lo cho vợ, rồi sinh con, tôi phải dành tình thương cho con tôi chứ. Một khi có con rồi, dĩ nhiên tôi phải thương con tôi hơn mấy đứa cháu tôi chứ. Làm như vậy tội nghiệp đám cháu của tôi quá, nên thôi.
- Ngày xưa, khi anh còn trẻ, không lẽ anh chưa từng có ước mơ về một gia đình riêng cho mình sao?
- Mười chín tuổi, tôi đã xác định gia đình của mình sẽ như thế nào rồi. Bởi vì 19 tuổi tôi đã ở trong một căn nhà lá. Mưa gió là dột không có chỗ ngủ, nước và đủ thứ nước thải hôi hám trôi vô nhà. Từ đó, tôi nghĩ bằng mọi cách phải tạo dựng mái ấm của mình như thế nào,bắt buộc và mãi mãi phải có 4 mẹ con tôi trong căn nhà này. Bởi vì hai người chị lớn, người ở Pháp, người đã có gia đình rồi mất tích, còn người anh lớn đã chết rồi, chỉ còn tôi và hai đứa em, trong đó có thằng Trum. Tôi quyết tâm từ căn nhà lá này, hai đứa em của mình phải có chồng, có vợ, có con, có công ăn việc làm, có sự nghiệp đàng hoàng.
- Sau này, anh có nghĩ là đến khi các em đã có chồng, có vợ, có mái ấm, anh có quyền nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình không?
- Thằng Trum có vợ sẽ ra nhà riêng ở với vợ con nó. Riêng nhỏ em gái thì tôi “bắt”, tôi đâu có cho nó đi làm dâu người ta. Tôi bắt rể luôn. Tôi đã tính trước, đã xếp đặt trước mấy chuyện đó. Tôi nói thiệt, bây giờ thằng Trum chết, nó không để lại gì hết, không một cắc một xu gì hết. Nó chỉ có Công ty Nụ cười mới của nó thôi. Mà công ty đó, từ lúc nó còn sống, bản thân tôi và gia đình đã không xen vô rồi. Tôi để cho nó tự lo, chỉ trừ trường hợp nào về mặt chuyên môn, nếu bí, nó hỏi thì tôi gỡ rối giùm nó. Đến bây giờ nó chết rồi, tôi lại càng không xen vô.
Anh em, bạn bè của nó hùn hạp thì để lại cho họ. Thành thử nó không để lại gì hết. Nó chỉ để lại hai đứa nhỏ. Hai đứa nhỏ quá ư là dễ thương, còn hơn cả một gia tài. Vậy là quá vui rồi. Nhìn hai đứa nhỏ, tôi đỡ nhớ nó, vậy thôi. Tôi hút thuốc, xin lỗi, tôi hút thuốc (bật quẹt châm thuốc).
(Nói chậm rãi qua khói thuốc) Nghĩ cuộc đời của tôi cũng ngộ, tôi là con trai giữa, cách đây hăm mấy năm khi anh trai chết, tôi lại trở thành đứa con lớn, xong cách đây hai tháng, tôi lại trở thành đứa út. Vừa út, vừa lớn, vừa giữa, bây giờ tôi là con trai một trong nhà. Mới hồi sáng này thôi, ngồi nói chuyện với má, tôi nói: “Phải chi nhà mình đừng có ai chết, chắc bây giờ vui lắm má ha!”. Má tôi cũng nói: “Ừ”.
- Có một lúc nào đó, một khoảnh khắc thật riêng tư mà anh cảm thấy mình cô độc và mệt mỏi không?
- Cũng có lúc tôi thấy mệt, nhưng chỉ thoáng qua thôi. Mục đích của tôi, nói ra người ta nghe người ta ghét, nhưng tôi nói thiệt, tôi không cần nhà lầu, cũng chẳng cần tên tuổi dữ dội đâu. Chỉ cần bước chân về nhà, tôi cười thì cả nhà cùng cười vui vẻ. Bởi vì nhà mà vui cười thì đích thị nhà đó hòa thuận, nhà mà vui cười thì đích thị cái nhà đó ấm no, nhà mà vui cười thì đích thị cái nhà đó không có tai ách gì hết. Tất cả những gì tôi làm là để được thấy như vậy và hiện tại tôi đã làm được.
Chỉ cần mình thương tụi nhỏ, cái gì cũng làm được hết
- Với một người chưa từng có vợ, có con như anh, trong chuyện chăm sóc các cháu của mình như một người cha ruột thịt, anh cảm thấy có gì khó khăn không?
- Khi mình thương tụi nhỏ thực sự thì không có gì khó khăn hết. Không có gì làm cho mình phải: “Ờ, chết cha, không biết làm sao đây?”. Không. Khi thương tụi nhỏ thiệt, mình sẽ làm đúng. Nhưng tôi may mắn còn có má, còn có em gái phụ với tôi trông chừng tụi nó. Còn tôi đi diễn kiếm tiền về lo cho cả nhà.
Ở bên tụi nhỏ, tôi thấy mình còn là một người mẹ. Có khi tôi gãi lưng cho tụi nhỏ dễ ngủ. Có khi tôi nằm rủ rỉ kể chuyện đời xưa cho tụi nhỏ nghe. Tôi chăm sóc các con mình như những người cha, người mẹ bình thường. Vả lại, tôi cũng bốn mấy tuổi rồi, đã có kinh nghiệm rồi.
Thí dụ tháng này là tháng hè, hai đứa con của thằng Trum không đi học, thêm vụ ba nó mất một tháng mấy, thành ra ở nhà hoài, tôi thường dẫn tụi nhỏ đi sở thú (Thảo Cầm Viên Sài Gòn). Một mình thì tôi đời nào đi sở thú, nhưng mà vì tụi nó tôi đi. Tôi nói, ba Châu cho con đi chơi hết. Tối ba Châu không đi diễn thì ba Châu dẫn đi coi phim. Rồi tôi dẫn tụi nó đi coi kịch luôn.
- Anh cưng chiều các cháu như vậy, có khi nào quên đi sự nghiêm khắc cần có của một người cha không?
- Dĩ nhiên tôi cưng lắm, tôi chiều tụi nhỏ lắm. Nhưng mà khi vô học rồi, lúc đó phải khác à. Tôi nói: “Lơ mơ thì đừng có trách ba Châu, ba Châu thương thì thương lắm, nhưng mà ba Châu la thì đừng có giỡn nghen”. Có nghĩa là mình vừa vuốt mà cũng vừa đánh. Nói “đánh” là mình nghiêm khắc với tụi nó thôi, chứ tôi chưa từng đánh đòn đứa nào bao giờ. Chỉ cần tôi trợn mắt lên là tụi nó sợ rồi, kể cả các con của chị tôi luôn, tôi hét lên một tiếng là tụi nó xẹp re.
- Anh có tất cả bao nhiêu đứa con?
- Mười một đứa, tính luôn đứa cháu ngoại. Tôi có cháu ngoại rồi mà, bởi vì con của người anh lớn của tôi đã có con rồi. Tôi nuôi nó từ hồi nhỏ rồi gả chồng cho nó, coi như nó là con của mình rồi. Bây giờ nó có con, con nó kêu tôi là ông ngoại. Hồi còn nhỏ nó ở với mẹ ở bên ngoại. Rồi anh Hải mất, hồi đó, tôi còn ba, nên gia đình cũng đỡ đần được cho hai mẹ con nó. Sau này, ba tôi mất, nó đã lớn hơn một chút, mẹ nó tái giá mà sống khổ lắm, nó về ở với tôi.
- Từ 2 tháng nay, anh xoay sở ra sao khi là người trực tiếp nuôi dạy 2 con của anh Hữu Lộc?
- Khi đứa con gái lớn của tôi tốt nghiệp đại học, tôi nói cuộc đời tôi khỏe rồi. Tám, chín năm nay tôi sướng lắm, muốn đi đâu cũng được bởi vì đâu còn phải lo gì nữa, chỉ còn phải lo cho má, nhẹ lắm. Nhưng từ khi thằng Trum mất, tôi bắt đầu nuôi hai đứa nhỏ. Tôi nói thí dụ, tôi có tật uống bia mỗi tối. Mỗi đêm, tôi uống 4, 5 lon bia thì bây giờ uống 3 lon thôi. Tôi uống ở nhà chứ không uống ngoài đường nữa. Mình chừa lại. Thay vì một năm tôi đi du lịch 3-4 lần thì bây giờ 1 lần thôi hoặc là không đi, vậy mình cũng đâu có mất mát gì.
Tôi nuôi cháu từ lúc tôi còn trẻ. Tuổi trẻ của tôi, tháng năm tôi làm ra tiền còn dài nên không sao. Nhưng 5-7 năm nữa, biết chắc tôi còn làm ra tiền được như bây giờ hay không? Cho nên bây giờ tôi phải biết gói ghém, phải biết dành dụm. Tôi chưa bao giờ chật vật, chỉ là biết tiết kiệm vì nhìn thấy được quãng đường dài mình phải đi.
- Hai cháu của anh có thường liên lạc với mẹ?
- Cũng có. Mẹ tụi nhỏ đi làm ở nước ngoài cũng thường gọi điện về. Tụi nó thương mẹ lắm. Mẹ con mà, tôi không bao giờ có ý nghĩ chia cắt, bởi vì tụi nó đã mất cha rồi, không thể để mất mẹ nữa. Thành ra coi như tôi phụ với em dâu nuôi cháu thôi. Mẹ của tụi nhỏ cũng không phải khá giả gì.
Tình yêu từng hủy diệt tôi khủng khiếp
- Thật khó tin một nghệ sĩ như anh mà trong đời không từng có một mối tình sâu sắc nào?
- Không chỉ là một, tôi từng yêu nhiều lắm rồi chứ. Mà toàn yêu đơn phương thôi. Khi tôi yêu người ta thì người ta không yêu tôi, khi người ta yêu tôi, tôi lại không yêu được.
- Sao anh lại để tình yêu của mình thành đơn phương, sao anh không tỏ tình?
- Nghĩa là phải nói: “anh yêu em” hả? Không bao giờ, nói đúng hơn là tôi không dám. Tôi thấy tôi làm gì cũng mạnh dạn, đâu ra đó, nhưng riêng trong chuyện tình yêu thì lại cực kỳ mất tự tin. Mà cũng vì tôi quá tự trọng và cả tự ái nữa. Tôi không thể tưởng tượng được mình khi đã mở miệng nói: “Anh yêu em” rồi mà người ta lại trả lời: “Nhưng em không yêu anh”. Lúc đó chắc tôi chết đứng.
- Vậy làm sao anh chịu đựng được cảm giác yêu thầm một ai đó?
- Trời, nó khủng khiếp lắm. Tôi thấy khi mình bị vướng vào tình yêu bị chi phối ghê quá. Tôi không còn làm được cái gì ra hồn. Thí dụ tôi vừa diễn xong, vô hậu trường, tôi phải lật đật mở điện thoại ra coi người ta có gọi mình không, có nhắn gì mình không. Mà trong nghề diễn nếu tôi cứ nhấp nhỏm như vậy hoài thì coi như… tiêu. Tôi không diễn thì sống bằng gì, sống làm sao được, gia đình tôi ai lo? Vô cùng nguy hiểm. Tôi thấy tình yêu hủy diệt mình ghê gớm quá mà chắc chắn cũng không đem lại kết quả gì vì từ hồi trẻ, tôi đã nguyện suốt đời không lấy vợ sinh con.
Cho nên tôi quyết định dừng yêu. Tôi thấy kiểu yêu của tôi khó quá và già quá. Tôi thích những mối tình già của tôi trên sân khấu hơn. Chính thức từ năm 2000 đến nay, tôi không yêu ai nữa.
- Một người như thế nào thì có thể khiến anh thầm yêu?
- Chắc chắn không giống mấy cô trẻ bây giờ rồi. Tôi không quan trọng vẻ ngoài, miễn đừng quá xấu. Và đó là người hiền thục, thơm và… biết điều với má tôi.
- Riêng về khoản “biết điều với má tôi” thì có vẻ… không liên quan lắm đến tình yêu?
- Nhưng tôi thích như vậy, biết làm sao được.
- Hẳn có nhiều người thầm yêu anh?
- Nhiều lắm. Trong giới nhà báo như chị cũng có hai người. Người ta yêu lúc nào tôi đâu có biết. Đến khi nhận được tin nhắn của họ tôi mới giật mình nói thầm: “thôi chết rồi, cổ (cô ấy) yêu mày thật rồi Châu ơi!”.
- Tin nhắn cụ thể ra sao ạ?
- Tôi không nói được, bởi vì nó quá riêng tư.
- Rồi anh xử lý thế nào?
- Trong chuyện này tôi luôn dứt khoát, cũng vì muốn tốt cho người ta thôi. Tôi nhắn trả lời từ chối thẳng thắn. Một cô hiểu ra, vẫn vui vẻ vẫn quý tôi như một người anh. Cô kia thì căng thẳng hơn. Không biết lúc đó cổ có giận không, nhưng im luôn. Sau đó chừng 1 năm, cổ gọi lại cho tôi, nói cảm ơn và bây giờ đã hiểu vì sao lúc đó tôi trả lời thẳng thừng như vậy.
- Thường thì ai cũng cần có ít nhất một chút gì gọi là sống cho mình. Và để sống cho mình, anh có dung túng cho bản thân một… thói hư tật xấu để cân bằng lại với quá nhiều hy sinh và giữ gìn?
- Tôi rất thích uống bia, tôi cũng ghiền thuốc lá nữa, ngày nào cũng uống, ngày nào cũng hút nhưng không say xỉn, không biết có phải là thói hư tật xấu hay không? Tôi uống bia và hút thuốc vì thói quen thôi, vì hình như hai thứ này thích hợp với cơ địa của tôi, chứ không phải để cân bằng gì cả. Tôi cũng nghĩ uống bia và hút thuốc không vi phạm pháp luật và đạo đức thì không sao.
- Anh nói không quan tâm đến hình thức nhưng lại thích nước hoa thì có hơi mâu thuẫn hay không?
- Đúng là tôi rất mê nước hoa, về khoản này tôi giống bà nội của mình (bà bầu Thơ, chủ gánh hát Thanh Minh lừng lẫy một thời). Bất cứ lúc nào, kể cả trước khi ngủ, tôi cũng xịt nước hoa cho người mình thơm lừng. Tôi thích đừng gần những người thơm mùi nước hoa. Tôi thích cái cảm giác mình được thơm tho, tinh khiết giống như đang đứng trước bàn thờ Phật thơm mùi khói nhang.
Theo Mốt&Cuộc sống