Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ bệnh nhân sống sót kể lại chuyện ở trong tâm dịch Vũ Hán

Xiao Ya, một bệnh nhân đã hồi phục từ tâm dịch Vũ Hán, kể lại những ngày tháng căng thẳng nhất khi cô được điều trị ở bệnh viện dã chiến.

Zing.vn trích dịch bài viết trên South China Morning Post, kể lại tâm sự của một bệnh nhân đã hồi phục từ tâm dịch Vũ Hán, về những ngày tháng căng thẳng nhất khi được điều trị ở bệnh viện dã chiến.

Xiao Ya, một giáo viên tiểu học người Vũ Hán, mới được xuất viện sau khi điều trị Covid-19 suốt một tháng. Cô cho biết thỉnh thoảng vẫn cảm thấy khó thở dù đã được điều trị khỏi vài tuần trước.

Vì sức khỏe còn yếu, cô giáo 40 tuổi đã phải gọi đồ ăn nấu sẵn để ăn trong thời gian tự cách ly bắt buộc.

Benh nhan Vu Han ke lai anh 1

Một cơ sở y tế dã chiến ở tâm dịch Vũ Hán. Ảnh: SCMP.


Xiao Ya là một trong số những người may mắn. Không chỉ có cô sống sót, bố mẹ cô hiện cũng được cách ly tại khách sạn sau khi được điều trị khỏi tại bệnh viện. Cô đang mong chờ ngày đoàn tụ với họ.

“Gia đình đã bị chia cắt trong suốt nhiều tuần vì dịch bệnh, mỗi người ở một cơ sở khác nhau. Tôi được điều trị trong một bệnh viện dã chiến, và thỉnh thoảng lại nghe thấy những tiếng khóc thảm thiết. Đó là khi một bệnh nhân khác vừa nghe tin người thân của họ qua đời do Covid-19”, cô kể lại.

Thời gian đầu khủng hoảng

“Khi tâm sự với những bệnh nhân ở cùng bệnh viện, tôi thấy mình vẫn còn may mắn. Bố mẹ tôi đã qua khỏi”, Xiao Ya nói thêm.

Người bố 70 tuổi của cô đã bị ho trong suốt 10 ngày và người mẹ 68 tuổi hầu như không ăn được gì trong tuần cuối tháng Một. Khi đó, cả gia đình Xiao Ya đều có triệu chứng sốt.

Kết quả chụp cắt lớp cho thấy bố mẹ Xiao Ya đều bị viêm phổi nghiêm trọng. Xiao Ya đã không làm xét nghiệm ngay thời điểm đó, cô chỉ nghĩ đến việc điều trị cho bố mẹ mình.

Bố mẹ Xiao Ya quá yếu nên cô phải đến một vài bệnh viện để đặt trước suất xét nghiệm virus corona cho họ.

Sau đó, Xiao Ya đã liên tục tìm kiếm một bệnh viện tiếp nhận bố mẹ mình. Nhiều hôm, cô phải chạy đôn chạy đáo đến tận nửa đêm, cố gắng hoàn tất thủ tục để bố mẹ có thể nhập viện nhanh nhất có thể.

Thời điểm đó là đầu tháng Hai, khi 11 triệu người ở Vũ Hán đang bị kiểm soát dưới lệnh cách ly, phong tỏa, hệ thống y tế bị khủng hoảng nặng nề.

Các bệnh viện quá tải, chứng kiến lượng người xếp hàng dài qua đêm để xin nhập viện. Cả khu vực thiếu trầm trọng các cơ sở y tế dã chiến.

Benh nhan Vu Han ke lai anh 2

Xiao Ya được điều trị tại cơ sở dã chiến của bệnh viện Fangcang. Ảnh: SCMP.


“Lúc đầu, tôi thấy thật cay đắng làm sao. Không công bằng khi cả gia đình tôi đều nhiễm bệnh. Cuộc sống thường ngày của nhà tôi rất đơn giản, chỉ quanh quẩn từ nhà tới tiệm tạp hóa. Thậm chí, gia đình tôi còn không ăn thịt động vật hoang dã”, Xiao Ya chia sẻ.

“Khi còn ở bệnh viện, mọi người đã cố gắng giúp đỡ tôi bằng cách chia sẻ thông tin. Truyền thông nhà nước cũng thiết lập một kênh đặc biệt. Tôi rất yếu, đến mức không thể cầm nổi điện thoại của mình nên phải nhờ những người xung quanh”, Xiao Ya nhớ lại.

Sau 3 ngày “xếp hàng”, bố mẹ cô được đưa vào các bệnh viện khác nhau và Xiao Ya cuối cùng cũng được kiểm tra phổi. Sau đó, cô được chuyển đến cơ sở dã chiến của bệnh viện Fangcang để điều trị tích cực.

“Ba ngày đầu tiên hoàn toàn hỗn loạn. Nhân viên y tế đến từ tỉnh Sơn Đông chưa xác định được họ phải làm gì. Bệnh nhân thì tranh nhau cơm hộp và còn có người bị ngộ độc thức ăn. Không có nhân viên dọn vệ sinh, các bác sĩ và y tá phải làm cả công việc dọn dẹp”, cô bổ sung.

Về sau, đội ngũ tư vấn y tế được điều đến nhiều hơn. Họ giúp đỡ bệnh nhân thư giãn và hướng dẫn mọi người các bài vận động nhẹ. “Họ thậm chí còn gấp những con hạc giấy, viết những lời cổ vũ lên tường để khích lệ bệnh nhân”, Xiao Ya xúc động kể lại.

Sự tận tâm và lòng biết ơn

Bố mẹ Xiao Ya được đưa đến 2 bệnh viên khác nhau, họ không ngừng lo lắng cho con gái. Cô đã phải thường xuyên chủ động liên lạc để báo tin cho họ.

Nhìn lại khoảng thời gian kinh khủng ấy, Xiao Ya cho biết nhiều người đã giúp đỡ gia đình cô, nhưng sự giúp đỡ lớn nhất trong việc tìm kiếm giường bệnh là từ chính phủ.

Cô đặc biệt biết ơn các nhân viên y tế từ tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, đã kịp thời đến cứu chữa cho họ.

“Các bác sĩ và y tá luôn túc trực ở đó. Bất cứ khi nào thức dậy, tôi thấy họ đang kiểm tra các bệnh nhân. Lúc đi vệ sinh vào nửa đêm tôi cũng thấy họ vẫn đang trực và liên tục theo dõi bệnh nhân. Tôi cảm thấy rất yên tâm”, Xiao Ya nói.

Các bác sĩ và nhân viên y tế đã không ăn uống hay đi vệ sinh trong suốt ca làm việc kéo dài ít nhất 6 tiếng để tiết kiệm đồ bảo hộ. Đó là điều khiến cô cảm động nhất.

Xiao Ya đã xin tài khoản WeChat của tất cả những bác sĩ, y tá mà cô gặp. Trong khi đó, mẹ cô chụp ảnh với tất cả các nhân viên y tế đã giúp đỡ gia đình.

Benh nhan Vu Han ke lai anh 3

Khung cảnh người dân được cách ly và điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. Ảnh: SCMP.


“Mẹ tôi nói rằng bà muốn ghi nhớ tất cả bọn họ, cho dù bà không thể nhận ra họ dưới bộ đồ bảo hộ”, cô nói.

Khi Xiao Ya cùng các bệnh nhân khác được chuyển đến bệnh viện Huoshenshan, họ liên tục cúi đầu trước các nhân viên y tế và khóc suốt trên đường tới địa điểm mới.

Cuối cùng, cô giáo Xiao Ya đã được xuất viện vào ngày 10/3, còn bố mẹ cô xuất viện 3 ngày sau đó.

Xiao Ya trở về nhà và phải tự cách ly thêm 14 ngày. Bố mẹ cô sau khi xuất viện cũng thực hiện tự cách ly tại 2 khách sạn khác nhau. Không ai trong số họ đã phải trả chi phí điều trị hay bất cứ thứ gì khác.

Mối 'đe dọa kép' với người châu Á tại Mỹ trong dịch bệnh

Ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng gọi đại dịch này là “virus Trung Quốc”, nhiều người Mỹ gốc Á đang vô cùng sợ hãi khi bị kỳ thị nặng nề trong bối cảnh căng thẳng của dịch bệnh.

Ánh Nguyệt

Bạn có thể quan tâm