Nữ cán bộ Đoàn xinh đẹp đam mê làm tình nguyện
Nữ thủ lĩnh trẻ chia sẻ rằng: “Nếu làm việc gì dễ dàng thì chắc chắn không cần đến thanh niên, cho nên mọi hoạt động tình nguyện cần đến thanh niên phải là những nơi gian khổ".
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X là sự kiện quy tụ những đoàn viên thanh niên ưu tú, những thủ lĩnh của phong trào đoàn. Một trong những thủ lĩnh tài ba của phong trào tình nguyện là chị Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang – và nghe chị tâm sự về 18 năm làm công tác đoàn.
"Cái khó ló cái khôn"
Khi được hỏi tại sao chị lựa chọn trở thành một cán bộ đoàn chuyên trách, chị Dung tâm sự: “Mình làm công tác đoàn xuất phát từ sự yêu thích và bằng tình cảm và trách nhiệm của bản thân đối với phong trào. Có lẽ công việc này cũng phù hợp với mình”.
Đối với hoạt động tình nguyện, nữ thủ lĩnh đoàn nhớ lại những công việc đầu tiên mình đã làm để lại dấu ấn cho mọi người.
Đó là khi chị làm Bí thư của Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự (Bắc Giang). Một lần chị đến thăm trại trẻ của thiếu nhi học sinh bị khuyết tật. Nhìn những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về vật chất, chị trăn trở không yên và nghĩ phải làm gì đó để giúp các em.
Về trường, chị đã quyết định đưa vấn đề này bàn bạc với Ban chấp hành Đoàn và Hội sinh viên của trường, có lẽ phải vận động một quỹ để hỗ trợ các em có một khoản tiền nhỏ hỗ trợ cuộc sống hàng ngày, và đó là sự chia sẻ của học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên.
Với tấm lòng thiện nguyện, và lý lẽ thuyết phục, đề xuất này của chị đã được hội sinh viên trường đồng ý và cho triển khai và thực hiện. Hiện nay, Cao đẳng Ngô Gia Tự đã có một quỹ dành cho những em nhỏ khó khăn của trại trẻ này.
Chị vui vẻ nhớ lại: “Hồi đó, khi được Hội sinh viên trường đồng ý triển khai ý tưởng này của mình, mình vui lắm. Bởi đó là một hoạt động thực sự ý nghĩa đối với các em nhỏ khuyết tật”.
Vào năm 2007, khi đó đã trở thành Bí thư Huyện đoàn Lục Ngạn, chị vẫn luôn trăn trở với phong trào đoàn mà cụ thể là hoạt động tình nguyện. Chị nhận thấy rằng huyện Lục Ngạn có một mùa vải thiều vào mùa hè, vì vậy nếu tổ chức tình nguyện vào thời gian này thì không phải bạn trẻ nào trên địa bàn cũng tham gia được một cách thường xuyên vì các bạn còn phải thu hoạch vải cùng gia đình.
Chính vì vậy, nữ thủ lĩnh đoàn đã nghĩ đến ý tưởng tổ chức hoạt động tình nguyện vào mùa động. Chị nói: “Mùa đông là mùa rất nông nhàn của thanh niên ở địa phương, và mùa đó có thể hoạt động tập trung được vì mùa rét thì lao động chân tay rất thuận lợi, hơn nữa lại không nắng, ít mưa để hoạt động tập trung ngoài trời là điều kiện hết sức thuận lợi”.
Nữ thủ lĩnh Đoàn luôn trăn trở với hoạt động tình nguyện. |
Dựa trên sự nhạy bén đó, chị Dung đã mạnh dạn để xuất với huyện ủy cho triển khai hoạt động thanh niên tình nguyện mùa động trên toàn huyện.
Cùng với sự phối hợp với lực lượng quân đội, hoạt động tình nguyện mùa đông của thanh niên huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã có việc làm đầu tiên đó là quyên góp tặng quần áo ấm chăn ấm cho người nghèo và người khuyết tật, làm đường giao thông nông thôn, tu sửa hệ thống kênh mương để phục vụ cho mùa tưới tiêu sắp tới và vệ sinh môi trường.
Với những việc làm thiết thực, ngay từ năm đầu tiên, hoạt động này đã thu hút đông đảo các đoàn viên thanh niên tham gia và để lại dấu ấn rất tốt đẹp.
Không những thế, sau khi phong trào thanh niên tình nguyện mùa đông diễn ra được 2 năm, đã được Trung ương Hội Thanh niên Việt Nam tặng bằng công nhận hoạt động thanh niên tình nguyện sáng tạo.
Nhắc đến sự kiện này, chi Dung tự hào nói: “Hoạt động quyên góp tặng đồ dùng cho người nghèo có thể làm ở nhiều nơi, và một nhóm có thể làm. Nhưng để một huyện làm một việc ý nghĩa như vậy thì Lục Ngạn là đơn vị đầu tiên của Bắc Giang”.
Năm 2009, hoạt động Thanh niên tình nguyện mùa đông đã được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam triển khai ở các cụm miền núi phía Bắc. Năm 2010, chương trình đã chính thức triến khai trên cả nước, và được mọi người biết đến là bắt nguồn từ quê hương của đặc sản vải thiều nổi tiếng.
Đừng nên lợi dụng hoạt động tình nguyện
Thực trạng hiện nay cho thấy một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động tình nguyện để chuộc lợi và đánh bóng tên tuổi của mình. Về vấn đề này chị Dung cho rằng: “Đối với các hoạt động tình nguyện, hãy để cho nó mang đúng ý nghĩa của nó, xuất phát từ lòng thiện nguyện, từ trái tim của mình, những hành động xuất phát từ trái tim thì sẽ đi đến trái tim, nếu lợi dụng hành động đó để đánh bóng tên tuổi, chuộc lợi thì thực không nên”.
Nhưng theo chị biết, các hoạt động tình nguyện của thanh niên thì đều rất vô tư và tất cả đều xuất phát từ tấm lòng muốn được chia sẻ những khó khăn gian khổ của người khác mà các bạn trẻ Việt Nam.
Chị Dung nhấn mạnh: “Không nên để một việc thực sự có ý nghĩa như vậy lại phục vụ mục đích cá nhân bình thường, làm giảm hình ảnh đẹp của người trẻ đối với xã hội”.
Chị Dung luôn cảm thấy trong sẵn tấm lòng của người trẻ Việt đã có nhiệt huyết tình nguyện, và chỉ cần có những địa chỉ tình nguyện phù hợp thì các bạn sẵn sàng cống hiến sức mình để phục vụ cộng đồng và xã hội.
Để tạo ra những địa chỉ này, chị chia sẻ kinh nghiệm do mỗi một người sinh sống và làm việc ở mỗi linh vực khác nhau, chính vì vậy hoạt động tình nguyện để mọi người tham gia được đó là “thời gian ngắn, quy mô nhỏ, địa bàn gần”.
Hãy làm những hoạt động tình nguyện ngay xung quanh cuộc sống của mình, nếu ở đâu thanh niên nào cũng nghĩ như vậy thì rất tiết kiệm được tiền đi lại, tổ chức chuẩn bị sắp xếp. Như vậy, hoạt động tình nguyện sẽ thực sự thiết thực và ý nghĩa.
Chị Nguyễn Thị Kịm Dung trong buổi Đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. |
Để tìm giải pháp thu hút các bạn trẻ tham gia tình nguyện, chị nhận thấy hiện nay, các bạn tham gia hoạt động tình nguyện ngoài việc đóng góp công sức của mình giúp người khác thì cũng gắn với nhu cầu cá nhân nữa như khám phá vùng đất mới, trải nghiệm bản thân. Chính vì vậy những hoạt động tình nguyện về những nơi các bạn chưa đặt chân đến thì bao giờ vẫn có sức hút để các bạn khám phá chia sẻ khó khăn với lại cộng đồng.
Không những thế, các hoạt động thu hút bạn trẻ thường là những việc các bạn phải có hứng thú, ví dụ trong hoạt động tình nguyện “Em tôi đi thi” các bạn sinh viên của Bắc Giang sinh sống, học tập làm việc tại Hà Nội tham gia một cách rất sôi nổi, ban tổ chức đã rất khó khăn khi phải lựa chọn 100 bạn trẻ trong hàng nghìn đơn đăng ký làm tình nguyện viên.
Có thể thấy, những hoạt động với mục đích giúp đỡ người trẻ, chia sẻ những khó khăn với người trẻ, những người mà cùng trang lứa cũng là địa chỉ mà thanh niên tìm đến.
Khi được hỏi về khó khăn trong hoạt động tình nguyện, liệu rằng có phải do khó huy động thanh niên tham gia hay khó khăn trong khâu xin tài trợ, xin kinh phí hoạt động. Chị Dung khẳng định: “Hiện nay khó khăn của hoạt động tình nguyện không phải liên quan đến tiền hay huy động thanh niên, mà khó khăn ở khâu tổ chức các hoạt động tình nguyện”.
Chị cho biết các tổ chức đoàn cần có đội ngũ làm công tác thông tin một cách đầy đủ, xác định được tâm tư nguyện vọng của thanh niên, dựa trên cơ sở đó để xây dựng hoạt động tình nguyện thì chắc chắn các bạn sẽ nhiệt tình tham gia.
Nữ thủ lĩnh đoàn bày tỏ: “Nếu làm việc gì dễ dàng thì chắc chắn không cần đến thanh niên, cho nên tất cả mọi hoạt động tình nguyện cần đến thanh niên phải là những nơi có khó khăn gian khổ hoặc những việc khó khăn cần thanh niên. Những hoạt động tình nguyện ở đó sẽ trở nên ý nghĩa bởi mọi người thấy khó khăn của mình được chia sẻ”.
Có thể thấy, dù làm gì, ở đâu thanh niên Việt Nam luôn mang trong mình tinh thần tình nguyện. Để khơi dậy tinh thần đó và tập hợp các bạn trẻ trong những địa chỉ tình nguyện thực sự ý nghĩa, điều quan trọng nhất đó là phải có được đội ngũ thủ lĩnh phong trào thực sự tài năng và tâm huyết.
Nữ thiếu úy xinh đẹp trong bộ quân phục tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X. |
Hoạt động tình nguyện không chỉ thu hút các bạn sinh viên, mà còn thu hút rất nhiều các đoàn viên, thanh niên đang làm việc, công tác trong nhiều lĩnh vực. Trong Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, bên cạnh những thủ lĩnh kỳ cựu trong công tác đoàn, các gương mặt đại biểu trẻ cũng có những trăn trở về hoạt động này. Một đại biểu trẻ của tỉnh Phú Thọ, Thiếu úy Ngô Thị Thanh Huyền đã chia sẻ về những hoạt động tình nguyện mà thanh niên trong lĩnh vực công an đã và đang tham gia. Các hoạt động tình nguyện của các chiến sĩ công an cũng rất đa dạng và phong phú vừa có những hoạt động kết hợp với các tổ chức đoàn thể của thanh niên nói chung, vừa có những điểm khác biệt mang đặc thù của ngành. Gần đây nhất đơn vị có phối hợp với đoàn thanh niên của tỉnh, thành phố tổ chức buổi hiến máu nhân đạo, thanh niên tình nguyện giúp tổ giao thông ở các chốt trọng điểm để lưu thông đường phố, ngoài ra còn có các hoạt động khác như đền ơn đáp nghĩa, vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp. Đặc biệt, ở đơn vị chị đang công tác nói riêng cũng như các đơn vị chiến đấu luôn quan tâm đến vấn đề tuyên truyền công tác phòng chống tội phạm ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Vì thế các đoàn viên thanh niên trong ngành thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng chống ma túy, an toàn giao thông cũng như tội phạm hình sự cho các bạn trẻ. Thiếu úy Huyền chia sẻ về thế mạnh của lực lượng thanh niên trong ngành đó là số lượng nam thanh niên chiếm đa số, được rèn luyện sức khỏe thường xuyên cho nên những việc nặng nhọc khó khăn ở vùng sâu vùng xa các bạn luôn luôn xung phong, giúp đỡ các đoàn viên thanh niên trong phong trào đoàn nói chung và hoạt động tình nguyện nói riêng. |
An Hoàng
Theo infonet