Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ công nhân nhặt vàng trong rác thắng kiện

Dựa vào quy định riêng của đơn vị, Công ty Công Lý ở Cà Mau buộc nữ công nhân nhặt được vàng trong rác thôi việc. Tòa án cho rằng, việc làm này của doanh nghiệp là trái luật.

Ngày 28/6, TAND TP Cà Mau (Cà Mau) tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Phạm Tuyết Mai (36 tuổi, ngụ huyện Đầm Dơi), hủy quyết định 211 của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Công Lý (phường 8, TP Cà Mau) về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với nữ nguyên đơn.

HĐXX cũng buộc bị đơn nhận chị Mai trở lại làm việc, trả lương trong thời gian công nhân này không đi làm (trên 76 triệu đồng). Ngoài ra, cấp sơ thẩm còn tuyên Công ty Công Lý phải truy nộp các khoản bảo hiểm dành cho người lao động kể từ ngày ra quyết định 211 (1/9/2014) cho đến khi chị Mai làm việc trở lại.

nu cong nhan nhat rac thang kien cong ty anh 1
Chị Mai thắng kiện Công ty Công Lý. Ảnh: CTV.

Theo hồ sơ tố tụng, ngày 4/8/2014, trong lúc phân loại rác tại Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau, chị Mai nhặt được chiếc ví chứa nhiều nữ trang (2 chỉ vàng 24K và 4,7 lượng vàng 18K). Do không báo lãnh đạo nên chị Mai bị nhà máy mời làm việc và yêu cầu giao nộp toàn bộ số vàng nhặt được.

Chi Mai không đồng ý với cách giải quyết của nhà máy nên công an được mời đến. Số vàng này sau đó bị Công an phường Tân Xuyên chuyển đến Công an TP Cà Mau để tìm chủ sở hữu.

Ngày 13/8/2014, ông Nguyễn Tiến Tân, Giám đốc điều hành Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau mời chị Mai họp. Tại đây, nữ công nhân bị lãnh đạo nhà máy cho rằng đã vi phạm quy định của Tổng Giám đốc công ty Công Lý về việc kiểm soát ra, vào cổng và chống trộm cắp do chị Mai nhặt được vàng mà không giao nộp cho đơn vị.

Gần một tháng sau, chị Mai được gọi đến nhà máy để nhận quyết định 211 chấm dứt hợp đồng lao động do Phó tổng Giám đốc Tô Công Lý ký. Không đồng tình với quyết định này, nữ công nhân khởi kiện công ty và được cấp sơ thẩm tuyên thắng kiện.

Theo HĐXX, Công ty Công Lý đã 3 lần ký hợp đồng lao động với chị Mai. Vì vậy, hợp đồng thứ 3 ngày 1/6/2013, theo Bộ Luật lao động là hợp đồng lao động loại không thời hạn. Do đó, doanh nghiệp đưa ra thời hạn 36 tháng trong hợp đồng là trái luật.

Tòa án nhận thấy, Công ty Công Lý căn cứ vào quy định của công ty để quyết định sa thải người lao động. Tuy nhiên, quy định này chưa được đăng ký với các cơ quan chức năng cấp tỉnh nên chưa đủ căn cứ cho chị Mai nghỉ việc. Ngoài ra, bị đơn còn vi phạm thời hạn báo trước khi cho người lao động thôi việc.

"Quyết định 211 của Công ty Công Lý không căn cứ vào bất kỳ một quy định nào, điều luật nào của Bộ Luật lao động để làm căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là hoàn toàn sai luật", HĐXX đánh giá.

Liên quan vụ việc, ngày 16/9/2015, Công an TP Cà Mau xác định số vàng chị Mai nhặt được là của chị Nguyễn Thị Bích Ngân (ngụ phường 8) bị mất ngày 1/8/2014. Sau đó, công an đề nghị chị Ngân với chị Mai tự thỏa thuận để phân chia tài sản. Chị Ngân đưa ra ý kiến là chia cho chị Mai 10 triệu đồng.

Không đồng ý với cách giải quyết này, chị Mai khởi kiện chị Ngân ra TAND TP Cà Mau. Tuy nhiên, cơ quan xét xử đã trả hồ sơ cho Công an TP Cà Mau vì tòa án cho rằng họ không có thẩm quyền thụ lý.

Ngày 16/3, Công an TP Cà Mau ra thông báo số 03 về việc giải quyết vụ vàng của chị Mai nhặt được. Nội dung thông báo là gần 5 lượng vàng đã được Công an TP Cà Mau bàn giao hết cho chị Ngân, dù chưa có ý kiến của chị Mai.

Chị Mai sau đó kiện thông báo số 03 của Công an TP Cà Mau. Tuy nhiên, TAND TP Cà Mau không thụ lý nên chị Mai kiện tòa án này.

Người nhặt được vàng trong rác khiếu nại tòa án

Công an TP Cà Mau giao số vàng mà nữ công nhân nhặt được cho người khác nên bị chị Mai kiện. Tòa án không thụ lý vụ việc vì cơ quan xét xử cho rằng đó là "nghiệp vụ của công an".

'Chủ nhân' 5 lượng vàng ở miền Tây bị chị nhặt rác kiện

Cho rằng thời hạn công an thông báo tìm chủ sở hữu của 5 lượng vàng đã hết, chị Mai không đồng ý giao số nữ trang này cho chị Ngân.



Việt Tường

Bạn có thể quan tâm