Google nổi tiếng với quy trình phỏng vấn gắt gao. Hồng Chi đã trải qua 2 lần ứng tuyển với 21 cuộc phỏng vấn trước khi có được công việc tại doanh nghiệp nổi tiếng về Internet này.
Cựu sinh viên RMIT chia sẻ, sự kiên gan bền chí là điểm mấu chốt giúp cô có được công việc trong mơ tại Google. “Tôi nghĩ không ai có thể chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn tại Google. Họ đặt ra những câu hỏi ngẫu nhiên, thậm chí bạn không bao giờ có thể ngờ tới để chuẩn bị. Bạn phải suy nghĩ hết sức thấu đáo nếu không sẽ bị loại”, Chi cười.
Hồng Chi đang có công việc được nhiều người mơ ước tại Google. |
Trước khi ứng tuyển vào công ty danh tiếng này, Chi đã trải qua không ít bài kiểm tra gắt gao. Sau khi hoàn tất tấm bằng cử nhân thương mại tại cơ sở Hà Nội, Đại học RMIT, cô đã tham gia chương trình quản trị viên tập sự của Unilever - chương trình chỉ tuyển sinh viên ưu tú từ các quốc gia trên khắp thế giới. Chi mô tả quy trình tuyển chọn như chương trình Dragon’s Den với 3-5 trưởng nhóm cấp cao giám sát, quan sát phần kiểm tra năng lực, 5 vòng phỏng vấn và phần làm việc nhóm.
“Tôi nhớ mỗi lần qua được một vòng phỏng vấn, trước khi bước vào vòng kiểm tra, tôi lại nghĩ ‘Không cách gì qua được, khó quá!’. Nhưng bằng cách nào đó, tôi đã vượt qua cả quy trình tuyển chọn và được nhận vào chương trình”, Chi kể.
Khi chuyển đến trụ sở chính của Google châu Á ở Singapore, Chi đã được huấn luyện để đảm đương những nhiệm vụ nhiều thử thách, với tư cách trưởng phòng quản lý khách hàng cấp cao.
“Thị trường và quảng cáo số đang phát triển mạnh, thật tuyệt vời khi được đứng ở tâm phát triển, hiểu cách mọi thứ chuyển động, cũng như cách bạn có thể kiến tạo điều đó cho thị trường Việt Nam”, Chi nói.
Khát khao vượt ra khỏi thị trường quen thuộc ở Việt Nam đã đưa Chi đến với vị trí hiện tại - dẫn đầu mảng retail marketing (chuyên về chiến lược bán hàng trong ngành bán lẻ) sản phẩm công nghệ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và làm việc với thị trường trong khu vực.
Chi tâm sự: “Khi bắt đầu, tôi thường tự hỏi bản thân tại sao liên tục thử thách mình khi công việc hiện tại đã thoải mái. Sau một năm ở vị trí này, tuy vẫn còn những khoảnh khắc tự hoài nghi, tôi thật sự thích và biết ơn cơ hội mà mình có được”.
Để quản lý thời gian biểu khắt khe, Chi thích sắp xếp mọi thứ thật tốt trước khi “ra trận” mỗi ngày. Cô gái trẻ cho biết: “Tôi nghĩ tôi hơi cầu toàn nên luôn bắt đầu bằng việc hiểu chính xác mình phải làm gì trong ngày trước khi thật sự bắt tay vào làm. Vì vậy, tôi thường chào ngày mới với một cốc cà phê, lướt qua đống email và đảm bảo rằng danh mục những việc cần làm trong ngày hoàn hảo và đầy đủ”.
Ngày làm việc điển hình của Chi bắt đầu từ 7h30 với cuộc họp cùng nhóm toàn cầu tại Mountain View ở California, sau đó sẽ họp liên tục với các nhóm liên bộ phận cũng như nhóm marketing trong khu vực. Nhân viên làm ở Google thường bị "hội chứng kẻ mạo danh" (thuật ngữ được dùng để mô tả cảm giác không thích hợp mà những người thành công thường có), song điều này lại là lợi thế với họ vì thường giúp họ nỗ lực hơn và tư duy sáng tạo.
“Vây quanh bạn là quá nhiều người giỏi nên bạn sẽ tăng gấp đôi lượng kiến thức học được. Bạn sẽ không thể tin được mình học được nhiều thế nào sau mỗi ngày làm việc, ngay cả khi trò chuyện quanh cốc cà phê”, Chi nói.
Chi cho biết cô rất thích văn hóa của Google. |
Cựu sinh viên RMIT cho biết cô rất thích văn hóa của Google: Thân thiện, động viên nhân viên, gặp và làm việc với các nhóm khác nhau, hoặc chuyển qua các nhóm khác.
“Hôm nay, tôi làm ở mảng marketing sản phẩm công nghệ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng nếu ngày mai tôi muốn chuyển đến Mountain View (nơi Google đặt đại bản doanh), hoặc đến nhóm chuyên về phần cứng ở Ấn Độ, cũng đều được khích lệ. Vì Google tin vào việc chuyển giao kiến thức, tư duy khác biệt, đem màu sắc khác và sự khác biệt vào từng phòng ban”, Chi chia sẻ.
Chi cho biết tại đây, cô có thể gửi tin nhắn cho người chưa từng gặp mặt, mời họ uống cà phê để tìm hiểu rõ hơn về công việc họ đang làm, cũng như bàn về những điều có thể cùng hợp tác. “99% là người đó sẽ đồng ý. Mọi nhân viên đều hòa mình vào văn hóa công ty, để hỗ trợ và làm việc cùng nhau”, Chi chia sẻ.
Theo lời cô gái trẻ, Google không chỉ tìm ứng viên qua kiến thức và kỹ năng, mà còn xem xét “chất Google” trong mỗi cá nhân - tính tương hợp với văn hóa công ty. Điều này gồm: Bản tính tò mò, sẵn sàng học hỏi và thử điều mới; cởi mở, vui vẻ giúp đỡ người khác; và có động lực và thiện chí. Google cũng trân trọng sự kiên gan bền chí như những gì mà Chi đã thể hiện trong 21 cuộc phỏng vấn mà cô đã trải qua.
“Vào được những công ty công nghệ như Google có thể rất khó khăn, nhưng nếu đó là điều bạn muốn làm, chỉ cần tiếp tục nỗ lực. Đừng nghĩ rằng bạn không xứng với vị trí đó, bạn chỉ cần tiếp tục nỗ lực thôi”, Chi kết lời.