Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên RMIT làm túi vải, bán cây xanh để phát triển kỹ năng

Ý tưởng kinh doanh xanh đã giúp nhóm sinh viên gây đủ quỹ xây dựng thư viện cho học sinh nghèo huyện Ba Vì, cách Hà Nội 60 km.

Linh Giang, Quốc Đại, Minh Thư vẫn nhớ như in cảm giác háo hức ngày đầu khi tham gia dự án Plant the seed - Gieo mầm của trường cách đây 3 tháng. Dự án thuộc chương trình Personal edge - Hoàn thiện kỹ năng cá nhân, hỗ trợ sinh viên RMIT phát triển kỹ năng và tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Lên ý tưởng và thực hiện thành công, cả ba tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm và thành tích vào hồ sơ xin việc sau khi ra trường.

Nhóm dự án được trường tạo điều kiện cử đến Koto, tổ chức thiện nguyện nước ngoài chuyên đào tạo trẻ cơ nhỡ thành nhân sự trong ngành nhà hàng. Tại đây, Giang, Đại và Thư được học về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước khi cọ sát thực tế. Sau đó, cả ba bắt đầu ngồi xuống để phát triển doanh nghiệp xã hội của riêng mình.

Minh Thư phụ trách nhóm làm túi đi chợ tái sử dụng, Quốc Đại bán cây cảnh, còn Linh Giang sẽ bán ống hút thủy tinh để gây quỹ mở thư viện cho học sinh trường Phú Đông, huyện Ba Vì.

Tuy nhiên, hô biến ý tưởng trên giấy thành một dự án khả thi không hề dễ dàng. “Nói thật là chúng tôi không có gì ngoài tấm lòng và đam mê khi bắt tay vào dự án này. Mọi người gặp nhiều vấn đề khi lên kế hoạch và làm túi handmade vì thiếu kinh nghiệm”, Minh Thư thú nhận.

RMIT anh 1
Linh Giang, Quốc Đại, Minh Thư, ba sinh viên RMIT lần đầu kinh doanh gây quỹ.

Chia sẻ khó khăn với sinh viên, cô Nguyễn Ngọc Anh – Phòng Tư vấn hướng nghiệp, cựu sinh viên và quan hệ doanh nghiệp RMIT Việt Nam cho biết, dự án bắt đầu từ con số không. Sinh viên phải xoay xở, thực hành những kiến thức kinh doanh, tiếp thị và truyền thông số đã học trên lớp. Với nhóm làm túi, các bạn phải tự thiết kế và tìm đơn vị sản xuất. Nhóm bán cây cảnh và ống hút thủy tinh lên kế hoạch tiếp thị, thiết lập các kênh phân phối. Số tiền gây quỹ sẽ đo đếm hiệu quả làm việc của từng nhóm.

“Plant the seed là một ví dụ về cách học từ dự án, thay vì chỉ đến lớp. Các bạn sinh viên chắc chắn vấp phải khó khăn, nhưng sẽ học hỏi được những kỹ năng quan trọng theo nhiều cách”, cô Ngọc Anh nhấn mạnh mục đích của dự án.

Với kiến thức học được từ chuyên ngành kinh doanh (quản lý chuỗi cung ứng và logistics), Quốc Đại tìm được nguồn cung cấp sen đá đa dạng mẫu mã và giá rẻ. Hàng trăm chậu sen đã được nhóm của Đại bán thành công, từ bạn học đồng môn khắp trường đến những khách hàng xa lạ trên mạng xã hội. Trái ngọt sau 2 tuần chuẩn bị và 5 ngày bán hàng ròng rã của Đại là khoản lợi nhuận không hề nhỏ góp vào quỹ mở thư viện.

Minh Thư, cô sinh viên ngành truyền thông chuyên nghiệp cũng đặt hái được thành công lớn sau nhiều đêm thức trắng, khi tạo ra các mẫu túi vải kiểu dáng bắt mắt và đa năng. Cùng với ống hút thủy tinh của Linh Giang, cả hai nhóm đã thu về đủ số tiền cần thiết. Một thư viện với hàng trăm đầu sách giáo trí đã được 3 nhóm sinh viên trao tặng cho trường Phù Đồng ở huyện Ba Vì, cách Hà Nội 60 cây số.

RMIT anh 2
Sinh viên RMIT gây quỹ dựng thư viện cho trường Phú Đông, Ba Vì.

“Cả nhóm đã học được nhiều kỹ năng mềm theo cách hào hứng nhất. Làm việc nhóm là một trong những kỹ năng quan trọng để dự án thành công”, Quốc Đại nói. Minh Thư cho biết thêm, học được kỹ năng lãnh đạo, cách truyền động lực, khả năng sáng tạo, chấp nhận rủi ro và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm vào hồ sơ xin việc ngay từ những năm đầu đại học.

Gây quỹ thư viện là dự án Plant the seed đầu tiên tại RMIT, song cô Ngọc Anh tin rằng sẽ không phải là sự kiện cuối cùng. Theo cô, bằng cấp cũng quan trọng như kỹ năng, doanh nghiệp nào cũng kỳ vọng sinh viên mới ra trường có thể thích ứng công việc ngay. Các chương trình Personal edge sẽ là nơi giúp các em thực hành kiến thức nóng hổi vào thực tiễn.

Trước Plant the seed, nhiều dự án kinh doanh gây quỹ như Viện dưỡng lão nghệ sỹ (Nursing Home), Angelitos, Eco bag... cũng được RMIT triển khai thành công.

Giang Di Linh

Bạn có thể quan tâm