Trong khuôn khổ cuộc thi Khám phá khoa học số ASEAN lần 2, Nguyễn Văn Thuận và Mai Thanh Tùng - thuộc đội Pangolin đã phân tích những vấn đề liên quan thương mại, do chênh lệch trong năng lực vận chuyển hàng hải giữa các quốc gia ASEAN.
Ông S. Iswaran, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore, trao giải ba cho hai sinh viên RMIT Việt Nam. |
Thanh Tùng là sinh viên năm cuối ngành Kinh tế - Tài chính và đang tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại Australia. Nam sinh viên cho biết bản thân đã trau dồi được kinh nghiệm và tư duy phản biện từ việc phân tích dữ liệu tại cuộc thi.
“Chúng tôi đã học cách phân tách thông tin phức tạp, chắt lọc chúng để đưa ra những tranh luận súc tích nhờ sự hỗ trợ của SAP Analytics Cloud. Từ đó, nhóm đưa ra các giải pháp xã hội có ảnh hưởng đến công dân Việt Nam và người dân ở những quốc gia khác là thành viên ASEAN”, Tùng chia sẻ.
Cùng nhóm thi với Thanh Tùng, Văn Thuận - sinh viên năm 2 ngành Kinh doanh (Marketing) cũng tỏ ra phấn khích khi học được cách phân tích dữ liệu trong thời đại số.
Thuận cho biết: “Vì chuyển đổi công nghệ số đang được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu, khối lượng dữ liệu từ các tổ chức sẽ bùng nổ theo cấp số nhân và ngày càng tăng, nên nhu cầu nhân sự có thể phân tích những thông tin này cũng sẽ tăng theo. Bài thuyết trình của các nhóm khác đã giúp tôi hiểu thêm về những thách thức mà các quốc gia khu vực ASEAN phải đối mặt, đó là sức khỏe, tinh thần, nạn thất nghiệp và thậm chí là tình hình kinh tế, chính trị”.
Tại lễ trao giải, bà Elaine Tan, Giám đốc điều hành Quỹ ASEAN, chia sẻ: “Chúng tôi được động viên rất nhiều nhờ vào những sáng kiến của các bài dự thi. Điều này phản ảnh rõ khát vọng của giới trẻ ASEAN trong việc kiến tạo tương lai tốt hơn cho cộng đồng. Giáo dục là một trong những nền tảng cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và hội nhập ASEAN. Chính vì vậy, những sáng kiến như cuộc thi Khám phá khoa học số ASEAN sẽ đẩy mạnh sự tương tác xuyên biên giới, dịch chuyển trong khu vực, đồng thời trang bị cho giới trẻ những kỹ năng cần thiết để lớn mạnh trong một tương lai đầy thách thức và biến động không ngừng”.
Cuộc thi Khám phá khoa học số ASEAN ra đời năm 2017, thu hút sự tham gia của 5.000 bạn trẻ đến từ 175 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong khu vực ASEAN.
Cuộc thi khuyến khích thí sinh dùng nền tảng SAP Analytics Cloud để đưa ra những phân tích dựa trên dữ liệu, từ đó nêu ra những vấn đề ở ASEAN thuộc 6 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Các mục tiêu này bao gồm: Khỏe mạnh - hạnh phúc; giáo dục chất lượng; bình đẳng giới; tăng trưởng việc làm và kinh tế chấp nhận được; công nghiệp, đổi mới sáng tạo, hạ tầng cơ sở; cộng đồng và đô thị bền vững.