Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ điều dưỡng sẽ đón Tết trong bệnh viện dã chiến

Sau 4 tháng làm tình nguyện viên chống dịch từ Bắc vào Nam, Thủy Tiên lại nhận nhiệm vụ tại khu điều trị F0 ở Hà Nội khi thời điểm năm mới gần kề.

Những ngày Hà Nội vào đông, nhiệt độ luôn duy trì ở mức thấp, cảm giác lạnh bao trùm. Thế nhưng tại Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở quận Thanh Xuân, nơi Hà Thủy Tiên (sinh năm 1999) làm việc, hình ảnh mọi người đẫm mồ hôi vẫn thường xuyên xuất hiện.

"Từng mặc qua không biết bao nhiêu bộ đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn, thay bao nhiêu đôi găng tay trong hành trình hỗ trợ chống dịch vừa qua, mình vẫn chưa thể quen nổi cái cảm giác ngột ngạt, khó chịu này", Thủy Tiên nói với Zing.

Luôn sẵn sàng làm việc

Ngày 14/12, Thủy Tiên, cựu sinh viên Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam, nhận nhiệm vụ đến Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 phường Khương Đình, quận Thanh Xuân trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Hà Nội diễn biến phức tạp.

don tet o benh vien da chien anh 1

Thủy Tiên hiện hỗ trợ điều trị F0 tại quận Thanh Xuân.

Cơ sở này có quy mô hơn 160 giường bệnh, chủ yếu điều trị, quản lý, theo dõi người bệnh Covid-19 không có triệu chứng và mức độ nhẹ trên địa bàn quận. Hiện, các giường bệnh đã gần kín chỗ.

So với những đợt làm tình nguyện hỗ trợ trước, nhiệm vụ lần này của Thủy Tiên khó khăn hơn, không chỉ dừng lại ở mức lấy mẫu xét nghiệm, truy vết mà là trực tiếp theo dõi, điều trị F0.

"Đợt này mình luôn phải mặc đồ bảo hộ cấp 4. Buổi sáng, khi mọi người thấy lạnh phải mặc áo ấm thì bọn mình nhiều lúc ướt sũng mồ hôi, muốn tắm bằng nước lạnh cho mát".

Bên cạnh đó, Tiên quản lý một nhóm các bạn tình nguyện viên hỗ trợ cơ sở này. Tuy nhiên, vì nhân lực còn hạn chế, tình hình dịch ở Hà Nội ngày một nghiêm trọng nên áp lực trên vai những nhân viên y tế như Tiên là rất lớn.

Dù mọi người chia ca làm việc sáng, chiều, tối song hầu như ca nào Tiên cũng phải trong tình trạng sẵn sàng hỗ trợ để nắm bắt tình trạng của bệnh nhân cũng như các tình huống phát sinh, báo cáo cấp trên kịp thời xử lý.

Trung bình một ngày, Thủy Tiên làm việc từ 6h30 đến khoảng 22h, lúc nào cũng trong tư thế mặc đồ bảo hộ, sẵn sàng lao đi. Cũng vì tính chất công việc, Tiên và đồng nghiệp phải nghỉ lại luôn trong bệnh viện.

"Chỉ còn gần nửa tháng nữa là Tết Dương lịch, hơn một tháng nữa là Tết Nguyên đán, với tình hình hiện tại, mình xác định luôn đón năm mới cùng mọi người trong này. Mình cũng chưa dám báo tin này cho bố mẹ, sợ hai người biết sớm lại buồn, chắc ít bữa nữa mới dám kể".

Tình nguyện từ Bắc vào Nam

Trước khi tham gia công tác chống dịch ở Hà Nội, Thủy Tiên từng có thời gian gần 4 tháng làm tình nguyện viên tại các điểm nóng Covid-19.

Đầu tháng 6, khi Bắc Ninh trở thành ổ dịch lớn của cả nước, Tiên và bạn bè kêu gọi quyên góp một số vật tư y tế như khẩu trang, đồ bảo hộ, cồn sát khuẩn và thực phẩm gửi tặng các nhân viên y tế nơi này. Sau đó, cô đăng ký trở thành tình nguyện viên, trực tiếp đến hỗ trợ.

Lần đầu mặc bộ đồ bảo hộ, Tiên bị ngợp, nhiều lần choáng váng khi làm việc dưới cái nắng giữa hè. Sau khoảng nửa tháng, Tiên tiếp tục tới Bắc Giang giúp điều phối thu mẫu xét nghiệm Covid-19 và hỗ trợ người dân khai báo.

Ngoài công việc chính, thời gian này, cô gái sinh năm 1999 còn tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh”, hỗ trợ bà con nông dân ở Lục Ngạn thu hoạch vải thiều.

“Lúc đó, mình không biết bản thân lấy đâu ra sức lực để ‘lăng xăng’ như vậy nữa”, Tiên kể.

Đầu tháng 7, Tiên trở lại Hà Nội. Kết thúc 14 ngày cách ly, cô tiếp tục đi theo đoàn hỗ trợ chống dịch của một công ty công nghệ sinh học, nơi cô được cử đến tham gia đào tạo về xét nghiệm Covid-19, vào ổ dịch Bình Dương.

Miệt mài đến tận cuối tháng 9, Tiên mới xin phép trở lại Hà Nội trước vì có việc gia đình.

Ban đầu, thấy con gái cứ lao vào chỗ dịch bệnh, bố mẹ Tiên lo lắng, sợ con gặp nguy hiểm. Dần dần, sau nhiều lần nói chuyện, thuyết phục, Tiên cũng nhận được sự cho phép và ủng hộ.

Đối với cô gái nhỏ con, nặng 40 kg, từng hành trình hỗ trợ chống dịch đều đem lại cho cô nhiều kỷ niệm và trải nghiệm quý giá.

"Tết năm nay mình không sắm quần áo mới, không làm tóc mới, không sum vầy bên gia đình hay ngắm pháo hoa giao thừa song chắc chắn mình sẽ vẫn cảm thấy hạnh phúc, phần nào tự hào vì có thể góp sức vào công cuộc chống dịch".

Du học sinh bán hàng online khi kẹt ở Việt Nam, chờ trở lại Trung Quốc

Mông lung khi chưa biết khi nào có thể quay lại Trung Quốc du học, Quỳnh Anh và Tiểu Linh quyết định mở cửa hàng bán đồ ăn vặt trong quãng thời gian chờ đợi.

Mai An

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm