Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nữ giới nên tự chủ chi tiêu dù kiếm nhiều hay ít

Không ít phụ nữ cho phép bạn trai hoặc chồng toàn quyền kiểm soát chi tiêu. Thực chất, hành động này chỉ khiến họ gặp bất lợi thay vì giúp mối quan hệ ổn định hơn.

  • Nhà sáng lập Money With Mina, nền tảng cộng đồng phụ nữ với mục tiêu truyền cảm hứng và an tâm tài chính đến cho 50 triệu phụ nữ tại Việt Nam.

Sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tôi gặp không ít phụ nữ bản lĩnh, có kiến thức sâu rộng về quản lý, đầu tư tiền bạc.

Nhưng đồng thời, vẫn có một số người phụ thuộc vào chồng, bạn trai trong mọi vấn đề liên quan đến chi tiêu. Nếu chưa có ý kiến hoặc sự cho phép của nửa kia, họ có xu hướng chần chừ, không dám hoặc không thể đưa ra quyết định riêng.

Thực tế, nhóm này đã đánh mất quyền tự chủ tài chính, hoặc tệ hơn là bị ngược đãi về kinh tế. Tuy nhiên, họ dường như không nhận ra vấn đề và tin rằng mình vẫn đang có cuộc sống thoải mái, ổn định.

Theo tôi, dù đi làm hay chỉ ở nhà quán xuyến việc nội trợ, nữ giới luôn phải có ý thức tự chủ tài chính, biết cách kiểm soát ngân sách và thu chi. Bởi phụ thuộc vào ai đó chưa bao giờ là kế hoạch lý tưởng cho tương lai.

Vậy, phụ nữ nên quản lý tiền bạc như thế nào và cần làm gì trong mối quan hệ để không rơi vào cảnh dựa dẫm?

Nguyên nhân và ảnh hưởng

Theo thống kê từ World Bank (Ngân hàng thế giới) vào năm 2022, khoảng 2,4 tỷ phụ nữ trong độ tuổi lao động không được tạo cơ hội kinh tế bình đẳng. Trong khi đó, số liệu của tổ chức phi chính phủ CARE International vào 2021 cho thấy 35% phụ nữ trên toàn cầu không có tài khoản ngân hàng riêng. Con số này ở nam giới là 28%.

Có nhiều lý do dẫn đến sự chênh lệch này, song phần lớn vẫn tập trung vào quan điểm “phụ nữ chỉ cần lo việc nội trợ” tồn tại ở nhiều nơi, với nhiều người.

Tôi đã từng gặp nhiều cô gái chỉ muốn yên phận, giao toàn quyền quyết định các vấn đề chi tiêu cho bạn đời. Ngay cả việc mua một món đồ nhỏ, ăn uống trong gia đình, họ đều phải hỏi ý kiến nửa kia mà không dám quyết định.

Họ cảm thấy đây là phương án an toàn, giúp mọi vấn đề trong gia đình được giải quyết ổn thỏa. Mặt khác, một số người hiểu mình đang ở thế thiệt thòi với thu nhập thấp hơn, đồng thời thiếu hụt kiến thức tiêu dùng để có tính toán phù hợp.

tu chu tai chinh anh 1

Nếu không tự chủ tài chính, bất kỳ ai cũng khó tạo ra cuộc sống đủ đầy, ổn định trong tương lai. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Vấn đề nằm ở chỗ “đường băng” của phụ nữ thường ngắn hơn so với đàn ông khi họ phải nghỉ hưu sớm hơn 5 năm. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đa số phụ nữ lại sống lâu hơn nửa còn lại của thế giới.

Nếu rơi vào cảnh lệ thuộc tài chính mà không nhận ra hay cố tìm lối thoát, nhiều khả năng bạn phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng chi tiêu nghiêm trọng ở tương lai.

Chưa kể, ảnh hưởng của sự lệ thuộc chi tiêu không chỉ dừng lại ở bản thân bạn. Nó sẽ ngầm tác động đến tư duy và hành vi của những người phụ nữ khác trong gia đình, chẳng hạn em gái, con, cháu gái…

Cứ như vậy, vòng lặp an phận, từ bỏ quyền tự chủ tài chính luôn tồn tại và lan rộng, khiến họ khó có được cuộc sống như kỳ vọng.

Lối ra

Theo tôi, không đơn giản để nữ giới thoát khỏi tình trạng này một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách để bạn xác lập lại quyền tự chủ về kinh tế.

Trước hết, bạn cần có kiến thức về tài chính. Điều cần được quan tâm hơn hết ở đây là lập kế hoạch tiêu dùng, tiết kiệm cho gia đình và bản thân mình.

Đừng nghĩ phải kiếm tiền được thì mới có thể tự chủ. Lo toan quỹ gia đình, đối thoại với chồng về tài chính hay dạy con chi tiêu cũng là những bước khởi đầu đến tự kiểm soát tiền bạc.

Đồng thời, quản lý dòng tiền, cân chỉnh mục tiêu tài chính phù hợp với từng cột mốc trong đời cũng là điều cần được lưu tâm.

tu chu tai chinh anh 2

Thẳng thắn trò chuyện với bạn trai hoặc chồng là một bước để tạo ra quyền tự chủ tài chính cho phái nữ. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Đừng ngần ngại đặt vấn đề với người đàn ông trong nhà. Đôi khi, vì được bạn giao toàn quyền quyết định, họ quên rằng cần có sự công bằng, minh bạch về tài chính với nửa kia.

Theo tôi, không có cách dung hòa nào tốt hơn là hai người thẳng thắn ngồi xuống trò chuyện với nhau và thống nhất quan điểm. Đặc biệt, đừng biến tài chính thành taboo (điều cấm kỵ), cũng như đừng để nó được bàn luận quá gay gắt.

Suốt 26 năm chung sống, tôi và chồng luôn có một cuộc hẹn hàng tháng để lên ngân sách chi tiêu cho gia đình. Mỗi khi có vấn đề về tiền bạc, chúng tôi nói với nhau thay vì tự tìm cách giải quyết. Đơn giản vì chúng tôi là một đội và người này hiểu rằng từng quyết định của mình đều ảnh hưởng đến người kia.

Quan trọng nhất, hãy luôn có ý thức tạo ra và giữ gìn tài sản cho riêng mình. Chẳng hạn, dù từ bỏ công việc văn phòng để làm nội trợ, bạn vẫn cần có tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng và quỹ dự phòng riêng. Bởi như đã nói, không ai có thể đảm bảo cho bạn cuộc sống an toàn kéo dài mãi mãi.

Cuối cùng, tôi mong các bạn hiểu rằng tự chủ tài chính là yếu tố quan trọng, giúp mở ra tương lai ổn định cho bất kỳ ai. Thay vì kỳ vọng hoặc cho phép ai đó quyết định thay, bạn cần chủ động, suy nghĩ thấu đáo để có cuộc sống thực sự như mong muốn.

Khó khăn tài chính cũng gây chấn thương tâm lý

Thực tế, cơn stress chi tiêu có thể đến với bất kỳ ai. Thay vì tuyệt vọng, bạn cần chủ động chia sẻ với người thân thiết, cũng như xây dựng kế hoạch tài chính cho năm mới.

'Giải oan' cho Gen Z

Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.

Hồng Anh

Illustrator: Mỷ Thi

Bạn có thể quan tâm