Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ GS toán thứ hai: 'Tôi thích toán bởi sự chính xác'

Lê Thị Thanh Nhàn - nữ giáo sư toán thứ hai của Việt Nam - từng chia sẻ với báo chí chị thích toán, thích những con số bởi đó là sự chính xác và đầy những bất ngờ.

“Chuyện làm Toán của tôi cũng giống như mọi chuyện khác vậy, có cả những niềm vui lẫn cả nỗi buồn, những khó khăn và thuận lợi. Bố tôi là bộ đội, đi chiến trường B, C rồi bị bệnh và mất sớm. Mẹ, một giáo viên cấp I, phải lo toan cuộc sống hàng ngày cho cả gia đình.

Hồi đó, gia đình tôi sống rất vất vả, thường xuyên phải nhịn ăn. Từ nhỏ, khi còn học ở trường Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên tôi chỉ mong muốn làm sao có thể thoát khỏi cảnh nghèo, và thêm mơ ước nhỏ là được trở thành cô giáo dạy Toán” – chị Nhàn chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. 

Tân GS Lê Thị Thanh Nhàn.
Tân GS Lê Thị Thanh Nhàn. Ảnh: VietNamNet.

Năm 1985, mới học lớp 9, mẹ của chị đã phải bán nhà và ứng trước nhiều tháng gạo bao cấp của cả nhà để có tiền cùng các em về Huế chăm bố ốm. Chị ở lại Thái Nguyên trong căn nhà đã bán, bắt cua, cất vó, kiếm củi, trồng rau, mót lúa... để tự mưu sinh.

Hai chị gái của Nhàn đang là sinh viên ĐH Nông nghiệp 3 trong thời  bao cấp, thỉnh thoảng dành dụm mang về cho em chút gì đó để ăn. Hàng xóm khi củ khoai, nắm gạo, lúc nải chuối xanh, mớ cà... đùm bọc, cưu mang cô bé.

Năm 16 tuổi, chị Nhàn trở thành nữ sinh của ĐH Sư phạm Việt Bắc. Có một kỷ niệm trong thời gian học tại trường mà chị không bao giờ quên. Đó là biết được hoàn cảnh khi cha mất ở Huế không có tiền về, kì nghỉ hè năm học thứ nhất, bạn bè cùng lớp dành cho chị một chiếc vé xe lửa để về thăm mộ cha.

4 năm học đại học, ngày lên giảng đường, tối đi học thêm ngoại ngữ, năm 1990 chị tốt nghiệp loại giỏi ngành toán và được giữ lại trường làm giảng viên.

“Lúc đó, tôi lại có mơ ước cao hơn, muốn đi nghiên cứu sinh để thoả mãn lòng say mê học Toán của mình. Với Toán, tôi như con “nghiện” vậy. Hiểu được điều đó, chồng tôi - từng là thầy giáo dạy tiếng Anh của tôi - ủng hộ rất nhiệt thành.

Khi tôi đến xin làm nghiên cứu sinh với GS.TSKH Nguyễn Tự Cường, Viện Toán học, thầy ngại vì sợ sinh viên miền núi như tôi không thể nào làm được. Chồng tôi đã nói với thầy rằng “Nhàn yêu Toán và em yêu Nhàn, mong thầy nhận Nhàn là học trò”” – chị Nhàn kể lại “hành trình” trở thành tiến sĩ ngành toán của mình.

Tại Viện Toán học, chị bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ với 6/7 phiếu xuất sắc. Khước từ nhiều cơ hội làm việc ở nơi có điều kiện, chị đã về công tác tại Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên) thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Xương rồng trổ hoa

Đây là hình ảnh mà một đồng nghiệp đã so sánh khi nói về chị Lê Thị Thanh Nhàn.

Đồng nghiệp của chị - chị Thái Phương - kể lại lần đầu tiên được gặp Lê Thị Thanh Nhàn. “Đó là ngày tôi về nhận công tác tại khoa Khoa học tự nhiên vào năm 2006. Cái bắt tay ấm áp và lời chân tình của Nhàn “Cảm ơn chị đã về đây với Khoa Khoa học tự nhiên. Ở đây đang rất cần những người như chị” đã xua đi cảm giác hoang mang và chút đắn đo trong tôi giữa việc nên hay không từ bỏ giảng đường cao rộng của trường Đại học sư phạm để đến một nơi ngút ngàn cỏ gianh và mái nhà xiêu vẹo...

Bởi, một người như PGS. TS Lê Thị Thanh Nhàn sẵn sàng khước từ lời mời chào, những cơ hội làm việc tốt, tự nguyện trở thành người “khai sơn khá thạch”, xây dựng đơn vị mới thành lập, thì một kẻ “vô danh tiểu tốt” như mình sao còn phải so đo, tính toán làm chi?”

Khi làm việc hay tiếp xúc với chị, nhiều người chưa bao giờ có cảm giác đang đứng trước thủ trưởng, cho dù rất kính phục tài năng và nhân cách của chị. Bởi chị luôn tạo cho người đối diện cảm giác thân thiện từ ánh mắt hiền hòa, nụ cười trong sáng, lối nói giản dị, chân thành đến suy nghĩ và tâm hồn rất đỗi hồn hậu, trong sáng.

Chị đã công bố nhiều công trình trên những tạp chí toán quốc tế uy tín được ISI xếp hạng, có những công trình được nhiều nhà toán học trên thế giới quan tâm trích dẫn. Chị cũng đã tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Chị thường xuyên được mời phản biện các bài báo khoa học cho các tạp chí toán trong nước và quốc tế, như tạp chí: Vietnam J. Math, Acta Math, Vietnamica, London Math, tham gia báo cáo tại nhiều diễn đàn hội nghị đại số tổ chức trong và ngoài nước.

TS Nguyễn Thị Kiều Nga, giảng viên ĐH Sư phạm Xuân Hòa – một trong số nghiên cứu sinh do cô giáo Lê Thị Thanh Nhàn hướng dẫn cảm nhận: “Trước đây, tôi luôn tự hỏi không hiểu cô làm thế nào để có thể làm ngần ấy việc cùng một lúc: Vừa là một Phó hiệu trưởng có năng lực của một trường đại học, vừa là một nhà khoa học xuất sắc, vừa là vợ hiền, người mẹ của hai con ngoan và học giỏi... Được làm việc với cô, tôi đã tìm được câu trả lời: Đó là lòng say mê khoa học, sự tâm huyết với nghề và tấm lòng nhân hậu. Tất cả những điều đó đã cho cô nghị lực phi thường để làm mọi việc”.    

“Tôi không so đo khi làm khoa học”

Chị từng tâm sự: “Tôi làm khoa học bằng tất cả niềm đam mê, trách nhiệm cống hiến, sự dấn thân, không băn khoăn so đo gì cả”.

Điều chị trăn trở nhất hiện nay, cũng là một trong những đề xuất của chị là làm thế nào để tạo thêm nhiều cơ hội cho những nhà khoa học ở vùng cao.

Trả lời phỏng vấn trong một cuộc tọa đàm về chính sách nhằm khuyến khích giảng viên nữ và các nữ sinh viên nghiên cứu khoa học, chị Lê Thị Thanh Nhàn đã bộc bạch và chia sẻ những vất vả, gian lao của chị em phụ nữ làm khoa học, đặc biệt là phụ nữ đang công tác tại khu vực miền núi: Nghiên cứu khoa học đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ có gia đình là một thử thách gian lao. Bởi, ngoài công việc xã hội, chúng tôi còn phải đảm đương thiên chức của người phụ nữ. Công việc gia đình, cơ quan, xã hội… thực tế, đã chiếm hầu hết thời gian của chị em.

Nếu thực sự không có lòng say mê khoa học, không có sự cảm thông, chia sẻ giúp đỡ của người thân, đặc biệt là chồng con thì khó lòng có thể yên tâm nghiên cứu khoa học. Để có được sự đóng góp thật sự, dù là nhỏ cho khoa học thì phụ nữ chúng tôi phải đổi bằng năm, bằng tháng, bằng sự hi sinh của chính mình và của người thân.

Chúng tôi còn gặp khá nhiều “rào cản” mang tính đặc thù trong công tác nghiên cứu khoa học khi làm việc ở vùng cao như: ít có điều kiện được sống trong môi trường khoa học, ít được tiếp xúc với các nhà khoa học uy tín.

Đặc biệt cơ hội được chủ trì, tham gia các công trình khoa học đến với chúng tôi chưa phải là nhiều…".

Từ những khó khăn trên, theo chị, để khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học đối với phụ nữ, cần trân trọng hơn nữa và đánh giá xứng đáng giá trị các sản phẩm khoa học, nhất là các công trình khoa học cơ bản.

Riêng đối với phụ nữ khu vực miền núi nên có chính sách ưu tiên, hỗ trợ hợp lý để họ có thêm những cơ hội được tham gia và cống hiến cho khoa học.

Ngoài ra, chị còn mong muốn ngày càng có nhiều tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm và tổ chức giải thưởng nhằm tôn vinh, hỗ trợ, khuyến khích và thu hút các nhà khoa học nữ, đặc biệt là các bạn trẻ tham gia nghiên cứu khoa học.

Chị chia sẻ, chuyện làm toán cũng giống như mọi chuyện khác vậy, có cả những niềm vui lẫn cả nỗi buồn, những khó khăn và thuận lợi.

“Có được thành công ngày hôm nay, ngoài lòng say mê học Toán, tôi là người vô cùng may mắn vì có chồng con luôn ủng hộ và hết lòng thương yêu. Gia đình và chuyên môn là hai thứ quan trọng nhất. Hiện tại, tôi quá bận rộn với những việc như quản lí, họp hành, giảng dạy... Tôi chỉ muốn có nhiều thời gian để làm toán, dạy con học và … để ngủ cho thoải mái” – đây luôn là mong ước của tân PGS ngày nào, và tân GS của ngày hôm nay.

Năm 2007, chị nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được trao Giải thưởng khoa học Viện Toán học vì cụm công trình trong lĩnh vực đại số giao hoán. Ðây là giải thưởng khoa học uy tín được trao hai năm một lần cho không quá hai nhà toán học Việt Nam dưới 40 tuổi.

Năm 2011, chị được nhận giải thưởng Kovalevskaia lần thứ 26.

Từ năm 2009 đến nay, chị Nhàn đảm nhiệm chức Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên).

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/269175/nu-gs-toan-thu-hai---toi-thich-toan-boi-su-chinh-xac-va-bat-ngo-.html

Theo Phương Chi/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm