Một cặp vợ chồng ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, đang phải đối mặt với vấn đề dạy con, khi cậu con trai 8 tuổi có chỉ số IQ 146, thấp hơn một ít so với IQ của nhà Vật lý vĩ đại Einstein, theo Huashang Daily.
Khi Gao Yonghan hơn hai tuổi, gia đình rất lo lắng vì cậu bé vẫn chưa biết nói.
Một hôm, khi bà nội của Younghan bế em lên tầng trên, bà dừng lại để thở sau khi đếm "một, hai, ba, bốn, năm". Cậu bé bất ngờ đếm tiếp "sáu, bảy, tám, chín, mười".
Với IQ 146, Gao Yonghan là một trong số 2% người thông minh nhất thế giới. Ảnh: CFP. |
Ở nhà trẻ, thần đồng này thường tập đọc, làm Toán trong giờ ngủ trưa.
3 tuổi, bé học thuộc bảng cửu chương và ghi danh vào trường tiểu học. Zhang Yan, giáo viên dạy Toán, rất ngạc nhiên khi cậu bé có thể hiểu hết bài học dù cô chưa giảng. Yonghan giải được một bài Toán khó mà các học sinh lớp 6 trong trường cũng phải bó tay.
Cậu đạt số điểm 146 trong kỳ thi Wechsler Intelligence Scale, kỳ thi kiểm tra IQ được quốc tế công nhận, trở thành một trong số 2% người thông minh nhất thế giới.
Thầy Zhu, giáo viên đội Olympic Toán học của Yonghan, nói: "Cậu bé là học sinh thông minh nhất tôi từng dạy".
Hiện tại, hàng tuần, cậu bé tự học 3 buổi Toán, Vật lý và Hóa học chương trình trung học cơ sở tại nhà.
Mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Gao Xin, mẹ Yonghan, là cách giáo dục con. Cô không muốn chỉ số thông minh cao khiến con mất đi tuổi thơ, đặc biệt sau khi cậu bé bày tỏ hy vọng được học cùng các bạn cùng tuổi.
Sau khi báo Huashang Daily đăng câu chuyện về Gao Yonghan, hơn 3.500 người góp ý kiến về cách giáo dục thần đồng này. Nhiều người cho rằng, cậu bé cần nhận giáo dục đặc biệt để không lãng phí tài năng.
"Theo tôi, chúng ta nên thiết kế bài giảng riêng, phù hợp với những đứa trẻ thông minh, tránh để tài năng bị thui chột", Zi Yanyang, Trưởng phòng tuyển sinh Đại học Giao thông Tây An, nói.
Nhiều người ủng hộ quan điểm của ông Zi.
Người dùng có tên Feixue bình luận: "Các em cần nhận giáo dục phù hợp, đặc biệt khi Trung Quốc vẫn thiếu chuyên môn".
Một số người đưa ra ý kiến trái chiều.
"Giống như sự phát triển của rau quả, cậu bé cũng cần thời gian để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần. Người lớn không nên chỉ chú trọng phát triển tài năng. Nhân phẩm, sức khỏe, tinh thần là những yếu tố quan trọng đối với quá trình trưởng thành của trẻ", ông Li, một phụ huynh, góp ý.
Nhiều người đồng tình với ông Li.
Bình luận "Cần phải dạy cậu bé thành người tốt trước" của người dùng có tên changsang nhận được 6.099 lượt thích.