Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ nghiên cứu sinh MIT và khát vọng truyền lửa cho học sinh Việt Nam

Dù học tập tại Viện Công nghệ Massachuset (MIT) của Mỹ, Đỗ Thị Thu Thảo dành thời gian truyền thụ kiến thức, đam mê Toán học cho thế hệ trẻ bởi với cô, giáo dục không biên giới.

“Bố mẹ không có khả năng cho em du học Mỹ nếu không có học bổng. Em gần như từ bỏ giấc mơ ấy. Chính trại hè Toán và Khoa học đã làm bùng cháy khát vọng trong em. Nhờ các anh chị, du học Mỹ không xa vời đến vậy. Ít nhất, em có thể cố gắng một lần để không phải cả đời hối tiếc”.

Đó là những dòng tâm sự của thành viên giấu tên gửi Đỗ Thị Thu Thảo - nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, sáng lập viên trại hè Toán và Khoa học (MaSSP). Thu Thảo tâm sự những phản hồi đó là một phần động lực để nữ nghiên cứu sinh theo tiếp ước mơ nghề giáo.

nghien cuu sinh nguoi Viet o MIT anh 1
Đỗ Thị Thu Thảo (ngoài cùng bên phải) là một trong 4 sáng lập viên của trại hè Toán và Khoa học MaSSP. 

Ước mơ thành giáo viên

Năm 2010, với tấm huy chương bạc Olympic Toán quốc tế cùng thành tích học tập, hoạt động nổi bật, Thảo giành học bổng ngành Toán tại ĐH Stony Brook (Mỹ). 4 năm sau, cô trúng tuyển chương trình nghiên cứu sinh tại MIT về hình học tổ hợp và lý thuyết đồ thị cực trị.

Thảo chia sẻ thời còn học lớp chuyên Toán trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương, cô thích nhất phần về hình học phẳng và tổ hợp.

“Nghiên cứu của tôi giúp trả lời câu hỏi như cho n điểm trên mặt phẳng, hỏi có tối đa bao nhiêu cặp điểm tạo thành khoảng cách một đơn vị, tối đa bao nhiêu cặp ba điểm tạo ra tam giác có diện tích một. Những câu hỏi có vẻ đơn giản nhưng để trả lời cần kiến thức từ nhiều chuyên ngành khác của Toán như hình học đại số, giải tích và tổ hợp”, Thảo cho biết.

Ngoài đam mê Toán học, Đỗ Thị Thu Thảo thích tham gia các chương trình mùa hè. Nhờ tham gia hai chương trình nghiên cứu mùa hè ở ĐH Michigan và ĐH Williams, cô gái Việt hiểu được quá trình làm nghiên cứu như thế nào. Nó rất khác với việc học thụ động ở trường hay giải Toán đố ở cấp ba. Những bài toán nghiên cứu thường mở, cần dành rất nhiều thời gian suy nghĩ.

Thời gian học ở MIT, cô làm hướng dẫn viên cho chương trình REU ở ĐH Michigan, chương trình PRIMES và RSI cho học sinh cấp ba. Học sinh của cô đoạt giải thưởng cao ở các kỳ thi sáng tạo khoa học ở Mỹ như Siemmens và Regeneron TST (trước là Intel TST).

Khi biết một số sinh viên Việt Nam ở MIT có ý tưởng thành lập trại hè ở Việt Nam, Thảo là một trong những người đầu tiên ủng hộ và nhiệt tình tham gia.

Làm giáo dục từ xa

Ý tưởng thành lập trại hè Toán và Khoa học xuất phát từ một buổi sinh hoạt Tết của VAS - Hội Sinh viên Việt Nam ở MIT - tháng 2/2016. Nguyễn Trinh, lúc ấy là Hội trưởng VSA, đề xuất ý tưởng thành lập chương trình giúp học sinh, sinh viên ở Việt Nam có cơ hội tiếp xúc việc làm nghiên cứu khoa học, phát triển tư duy suy nghĩ độc lập và biết cách trình bày về nghiên cứu của mình.

Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình trong buổi sinh hoạt. Sau đó vài tuần, Trinh cùng Thảo và hai bạn nữ khác là Vũ Minh Châu (cựu sinh viên MIT), Lê Hồng Nhung (sinh viên trường nữ sinh Wellesley), thành lập MaSSP.

nghien cuu sinh nguoi Viet o MIT anh 2
Ngoài Toán, Đỗ Thị Thu Thảo (bên phải) đam mê vẽ tranh và biết viết thư pháp.

Trại hè diễn ra lần đầu tiên vào tháng 6/2016 với 22 học sinh ở hai môn Toán và Tin học. Một năm sau, chương trình mở rộng ra 50-60 thành viên, thêm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học môi trường.

Việc vận hành một chương trình khi các thành viên sinh sống, học tập tại nhiều nước khá phức tạp. Thảo cùng “đồng đội” đã trải qua không ít khó khăn, đặc biệt trong khâu liên lạc ban điều hành ở nước ngoài và ban hậu cần ở Việt Nam.

Trại hè chỉ diễn ra trong hai tuần, nhưng để lo được chỗ ăn ở và lớp học cho tất cả bạn trẻ và hướng dẫn viên không hề đơn giản. Kinh phí cũng là vấn đề do ban tổ chức không thu học phí. Những năm qua, trại hè hoạt động được nhờ có tài trợ và giúp đỡ nhiệt tình của một số nhà hảo tâm ở Mỹ, Viện Toán, Viện Toán cao cấp, ĐH Sư phạm Hà Nội cùng ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Nhờ đó, MaSSP kiên trì hành trình tiếp lửa cho thế hệ trẻ. Thảo tâm sự thành tựu tốt nhất họ đạt được là truyền cảm hứng cho học sinh theo đuổi khoa học, đồng thời tạo ra mạng lưới kết nối những bạn trẻ tài năng, giàu đam mê.

Mỗi cựu học sinh theo học ngành Toán, Khoa học trong hay ngoài nước, mỗi bạn được cấp học bổng hay có báo cáo đăng trên Tạp chí Pi, đều là động lực lớn với các thành viên MaSSP.

Với Đỗ Thị Thu Thảo, MaSSP không chỉ là cơ hội truyền đam mê Toán, Khoa học tới thế hệ trẻ. Chương trình cũng giúp nữ nghiên cứu sinh phát triển kỹ năng mềm, cách tương tác với những người ngoài ngành - điều mà cô ít chú ý.

Thông qua MaSSP, Thảo có thể bù lại chút tiếc nuối thời học phổ thông của mình. Chủ nhân tấm huy chương bạc IMO 2008 cho rằng chương trình Toán phổ thông cần giới thiệu thêm những ứng dụng của môn học này.

nghien cuu sinh nguoi Viet o MIT anh 3
Nữ nghiên cứu sinh mong muốn gắn bó lâu dài với nghề dạy học và luôn trăn trở để truyền kiến thức, cảm hứng cho thế hệ sau. 

“Toán ứng dụng là ngành nhiều tiềm năng. Với kiến thức Toán vững chắc, bạn trẻ có thể theo đuổi nhiều ngành học khác như xác suất thống kê, khoa học máy tính, kinh tế, tài chính... Tuy nhiên, học sinh cấp ba nhiều khi không thấy được những tiềm năng này. Tôi mong muốn MaSSP sẽ phần nào cải thiện vấn đề đó”, Thảo chia sẻ.

Đây cũng là quan điểm của Thảo về nghề giáo. Với cô gái 28 tuổi, giáo viên không chỉ là người truyền dạy kiến thức, dạy trò cách sống, mà còn cần người biết truyền cảm hứng và hỗ trợ học trò khám phá sự thú vị trong từng môn học.

Thảo cho biết không dám tự nhận mình là giáo viên. Dù vậy, cô đang nỗ lực để truyền kiến thức cũng như tình yêu môn Toán cho thế hệ sau. Dù chưa chắc chắn ở lại Mỹ hay về nước làm việc, nữ nghiên cứu sinh muốn gắn bó với sự nghiệp giáo dục.

Cô quan niệm giáo dục ngày nay không nhất thiết gắn với bảng đen, phấn trắng, với lớp học hay những bài kiểm tra. Thực tế, giáo dục trực tuyến phát triển nhanh thời gian qua. Khoảng cách hoàn toàn không còn là rào cản trong quá trình trao đổi kiến thức. Điều quan trọng là người làm giáo dục cần không ngừng tìm tòi để có “chất” truyền lại cho người học.

Đỗ Thị Thu Thảo xác định hành trình trở thành giáo viên chắc chắn không thể thiếu “lửa” từ những người đi trước như bố mẹ (đều là giáo viên dạy Toán), anh trai (giảng viên ĐH Sao Đỏ, Hải Dương), thầy Mạc Đăng Nghị (giáo viên Toán trường THPT chuyên Nguyễn Trãi) cùng GS Michael Zieve (ĐH Michigan) và GD Larry Guth (MIT).

Thành tích của Đỗ Thị Thu Thảo:

- Huy chương bạc IMO Toán học 2008.

- Học bổng Levinson và học bổng Ida M. Green ở MIT

- Giải khuyến khích kỳ thi Toán Putnam nổi tiếng ở Bắc Mỹ (2012, 2013).

- Giải khuyến khích Alice T. Schafer dành cho nữ sinh có thành tích học tập nghiên cứu Toán tốt nhất trên toàn nước Mỹ (2013).

- Giải thưởng Provost dành cho sinh viên có thành tích học tập tốt nhất ở ĐH Stony Brook (2014).

Giải thưởng sinh viên xuất sắc nhất khoa Toán, ĐH Stony Brook (2013, 2014).

GS Dương Nguyên Vũ - ‘cha đẻ’ 2 chương trình đào tạo nhân tài xuất sắc

Nếu các nhà khoa học thường tự hào với công trình nghiên cứu để đời, những bài báo có tầm quốc tế, thì với GS.TS Dương Nguyên Vũ, niềm tự hào của ông là thành công của sinh viên.

Nguyễn Sương

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm