Lê Thị Hương (sinh năm 1986) là phó giáo sư trẻ nhất trong số hơn 300 ứng viên giáo sư, phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận năm 2020. Cô cũng là phó giáo sư trẻ nhất ngành Sinh học cả nước hiện nay.
Sinh ra và lớn lên ở Triệu Sơn (Thanh Hóa) - vùng quê nghèo khó khăn giúp cô sớm được tiếp xúc với thế giới nhiều loại thực vật tự nhiên. Đó cũng là một trong những lý do lên đại học, cô quyết định lựa chọn theo học ngành Sinh học - Đại học Vinh.
PGS Lê Thị Hương sở hữu 100 bài báo khoa học. |
Ngay từ năm nhất đại học, nữ sinh quê Thanh Hóa đã theo chân thầy cô giáo, các anh chị học viên cao học thực hiện các công việc nghiên cứu về phân loại thực vật. Nhờ đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ, ngay từ năm thứ 2 đại học, cô sinh viên có thành quả đầu tiên được đăng trên tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hết 4 năm đại học, nữ sinh được giữ lại làm giảng viên tại khoa Sinh học. Cô tập trung vào hai hướng chính là sự đa dạng thực vật và tài nguyên thực vật. Đến nay, nữ phó giáo sư sở hữu hơn 100 đề tài, bài báo được công bố, trong đó có 70 bài báo quốc tế và 30 bài báo được đăng trên tạp chí quốc gia.
Với phó giáo sư Hương, công trình nghiên cứu tâm đắc nhất là công bố phát hiện một loại gừng mới ở vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) năm 2019.
Để có thể công bố một loài thực vật mới là cả quá trình nghiên cứu, tìm hiểu chuyên sâu. Cô phải đi rừng nghiên cứu rất nhiều lần vào các thời điểm khác nhau để biết được đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của loài thực vật mới như: Cấu tạo của hoa (đặc điểm của cánh hoa, nhị hoa, nhụy hoa) và quả. Đây là những bộ phận của thực vật ít bị thay đổi theo điều kiện sống của môi trường.
Để đưa ra được kết luận cuối cùng, nữ phó giáo sư không nhớ bản thân và đồng nghiệp đi bao nhiêu lần vào những cánh rừng sâu. Tuy có chút mệt mỏi và nguy hiểm nhưng với cô mỗi lần đi rừng là một lần trải nghiệm, được sống là chính mình.
Hiện cô Hương tập trung nghiên cứu ở khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Quế Phong, Nghệ An). Đây là Khu bảo tồn mới được thành lập năm 2013, với địa hình phức tạp, hiểm trở; điều kiện khí hậu tự nhiên rất phong phú nên hệ động thực vật phong phú và đa dạng, còn tiềm ẩn nhiều điều thú vị cần nghiên cứu.
Phó giáo sư Hương đi rừng thực địa và nghiên cứu các loài cây tự nhiên. |
Phó giáo sư tuổi Hổ luôn tâm niệm, mỗi loài thực vật đều mang trong mình "bí ẩn" riêng, đặc biệt hoạt tính sinh học của các loài có ứng dụng cao trong thực tiễn và y học. Hàng trăm bài thuốc dân gian của các dân tộc ở vùng cao được sử dụng trong thực tiễn để điều trị bệnh hiệu quả cũng có những "ẩn số" cần được giải đáp.
Nếu tìm hiểu được các cây thuốc, bài thuốc, thành phần của từng loại thực vật hoạt chất sinh học sẽ có tính ứng dụng rất cao. Đây cũng là hướng đi mà nữ phó giáo sư trẻ hướng đến. Tuy nhiên, cô cũng hiểu chặng đường này sẽ gặp nhiều trở ngại. Bởi những bài thuốc dân gian đều là bí truyền trong các gia đình, dòng họ, ít hoặc thậm chí không chia sẻ với người ngoài.
Thách thức là vậy nhưng đó cũng là nguồn động lực để cô Hương hoàn thành những dự định của bản thân, giúp các loài thực vật có thể phát huy hết tiềm năng phục vụ tốt nhất cho cuộc sống của con người.