PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào sinh năm 1942 tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Từ năm 1967 đến 1986, ông học đại học, nghiên cứu sinh phó tiến sĩ rồi làm tiến sĩ khoa học chuyên ngành Tâm lý học tại Nga.
Làm xong tiến sĩ khoa học, ông về nước công tác tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Trung tâm Thực nghiệm Giáo dục Phổ thông, sau này là Trung tâm Công nghệ Giáo dục. Từ năm 1994 đến 2001, ông công tác tại Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT với chức vụ Vụ trưởng.
Khi còn đương chức Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, ông đề xuất thực hiện song song các chương trình giáo dục khác nhau với 4 bộ sách giáo khoa, dựa trên mục tiêu chung để áp dụng với những đối tượng học sinh khác nhau ở mỗi vùng miền trên cả nước.
PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào. Ảnh: Tiền Phong. |
Năm 2000, Quốc hội ban hành nghị quyết 40 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Với thực tế giáo dục khi đó, PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho rằng cần lùi việc thực hiện 1-2 năm để có sự chuẩn bị, vì triển khai ngay sẽ gấp gáp và có thể thất bại.
Cảnh báo của ông không được tiếp thu. Việc triển khai một chương trình, một bộ sách giáo khoa áp dụng chung cho tất cả học sinh khi đó khiến ở nhiều vùng khó khăn học sinh không đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng "ngồi nhầm lớp", học sinh bỏ học, lưu ban gia tăng.
Phản ứng với quyết định của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, năm 2001, PGS.TS Nguyễn Kế Hào xin từ chức. Từ năm 2001 đến 2011, ông công tác tại ĐH Sư phạm Hà Nội với vai trò giảng viên cao cấp
Từ năm 2012 đến 2020, sau khi nghỉ chế độ, ông làm việc cho Trung tâm Công nghệ Giáo dục (NXB Giáo Dục Việt Nam) với cộng sự mà ông tin cậy, quý trọng, là GS Hồ Ngọc Đại.
Đến trước khi mất, PGS Nguyễn Kế Hào vẫn mong muốn được lan tỏa tinh thần, quan điểm giáo dục của mình đến mọi miền của Tổ quốc.