Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ sinh 15 tuổi nguy kịch chỉ sau 4 ngày sốt

Bé gái 15 tuổi dư cân, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết biến chứng suy hô hấp, suy gan, suy thận, tổn thương đa cơ quan.

Bé gái bị sốt xuất huyết nặng, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, phải thở máy, lọc máu liên tục. Ảnh: BSCC.

Theo thông tin từ bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), bệnh nhi là bé T.T.N.Q. (15 tuổi, ngụ ở Bình Chánh), nặng 54 kg, thể trạng dư cân vì lứa tuổi này cân nặng khoảng 40-45 kg.

Trước đó, bé Q. sốt cao liên tục trong 3 ngày, không nôn ói, không đau bụng. Ngày 4 bớt sốt, kèm nôn ói 4 lần, dịch lợn cợn nâu, tay chân lạnh. Bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết dengue nặng.

Tình trạng trẻ tiếp tục diễn tiến nặng, sốc kéo dài, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp. Các bác sĩ đã lập tức chống sốc tích cực, đặt nội khí quản thở máy, truyền máu, huyết tương động lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc.

Tuy nhiên, tình trạng bé phức tạp hơn, bé bị tổn thương gan - thận nặng, rối loạn chức năng các cơ quan, lúc cải thiện, lúc xấu đi.

Trẻ có biểu hiện nhiễm trùng bệnh viện nên được tiếp tục điều trị hỗ trợ các cơ quan và sử dụng kháng sinh phổ rộng.

May mắn, kết quả sau gần 3 tháng điều trị với 10 đợt lọc máu liên tục, hỗ trợ các cơ quan, tình trạng trẻ cải thiện dần, tiểu khá, chức năng gan thận trở về bình thường, được cai máy thở, tỉnh táo.

"Trẻ đã phục hồi trong niềm vui của gia đình. 3 tháng điều trị, trẻ cân nặng còn 37 kg, được tư vấn bác sĩ dinh dưỡng cho chế độ ăn phù hợp để trẻ phục hồi thể chất", bác sĩ Tiến thông tin.

Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến khuyến cáo người dân nên tích cực diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng và cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em đến cơ sở y tế kịp thời.

Đó là nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện:

  • Quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì
  • Đau bụng
  • Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen
  • Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.

Mối nguy chực chờ sau quan niệm 'trẻ con mập mạp mới đáng yêu'

Tâm lý thích trẻ bụ bẫm, chiều chuộng sở thích ăn uống của con là nguyên nhân gián tiếp khiến nhiều trẻ mắc bệnh béo phì.

Tiểu Huệ

Bạn có thể quan tâm