Cảm nhận và chấp nhận cảm xúc của mình có thể là chìa khóa để chữa lành vết thương. Ảnh: Self. |
Mùa đông năm 2008, Nancy Méndez-Booth chuyển dạ, vui mừng chờ đón đứa con đầu lòng.
Nhưng niềm vui chẳng tày gang. Trong vòng một giờ sau khi nhập viện, cô như từ thiên đường rơi xuống vực thẳm khi nghe bác sĩ thông báo em bé chết non vì không có tim thai.
Từ bệnh viện trở về nhà, Méndez-Booth như đi trên mây và bị lạc trong chính tòa nhà chung cư của mình. Cô sống trong tình trạng hoang tưởng, lo lắng và giận dữ khi nghĩ rằng cảnh sát sẽ bắt mình vì cái chết của con trai.
Cánh cửa vô tội trở thành nơi trút giận, nhưng càng khiến cô đau đớn hơn.
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương
Nhớ lại mình khi đó, Méndez-Booth cho hay cô gần như không thể phân biệt được quá khứ và hiện tại, liên tục trải qua nhiều cảm xúc mãnh liệt khác nhau trong một thời gian ngắn.
"Tôi chỉ biết là mình không bình thường. Làm gì có người bình thường nào lại trải qua 4 cảm xúc mãnh liệt khác nhau trong khoảng thời gian có 15 phút?", nhà giáo dục đến từ New Jersey (Mỹ) hồi tưởng
Người phụ nữ nghĩ mình bị rối loạn tâm thần. Nhưng sau khi đi khám, cô được chẩn đoán bị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (post-traumatic stress disorder - PTSD).
Chia sẻ với New York Times, Bessel van der Kolk, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điều trị chấn thương tâm lý, thế giới có hàng triệu người mắc chứng PTSD mà không được chẩn đoán.
"PTSD là một khái niệm phức tạp, có triệu chứng phức tạp không kém. Chính những điều này ngăn cản bệnh nhân tự nhận thức được tình trạng của mình và tìm cách điều trị", ông giải thích.
Rất may mắn, Méndez-Booth đã được điều trị bằng thuốc và kỹ thuật thôi miên bằng mắt. Sau nhiều buổi học liên tục, người phụ nữ đã cân bằng được cảm xúc.
Dù vẫn còn hoang tưởng, những cơn khủng hoảng này đã giảm dần rõ rệt theo thời gian. Hiện tại, người phụ nữ sống thoải mái và tích cực hơn những ngày đầu phát bệnh.
"Tôi biết nó (PTSD) vẫn còn đó, nhưng đã không còn chiếm hết cuộc sống của tôi nữa rồi", Méndez-Booth bày tỏ.
Không dùng thuốc hoặc điều trị y tế như Méndez-Booth, Rachel Sloane (36 tuổi, nhà trị liệu, mẹ của 2 đứa con) đã chọn tập tạ như một phương thức chữa lành.
Cô đã trải qua thời gian dài bị lạm dụng thể chất và tình dục dẫn đến mắc PTSD phức tạp.
Ban đầu, bà mẹ 2 con đến với nâng tạ chỉ để chăm sóc cơ thể của mình. Nhưng càng tập luyện, cô càng cảm thấy an toàn, bình tĩnh và vững vàng khi ở bên ngoài phòng tập.
Nhiều người chọn tập tạ sau sang chấn tâm lý để cải thiện tinh thần. Ảnh: New York Times. |
“Tôi không chủ ý xem việc nâng tạ để cải thiện tâm lý, nhưng không thể ngờ, bộ môn này giúp tôi hết cảm giác sợ hãi, dường như có thể đẩy lùi mọi thứ và mạnh mẽ, tự tin đối mặt những điều cản đường mình”, cô nói.
Cách vượt lên hậu sang chấn
Theo tiến sĩ Shaili Jain, chuyên gia PTSD tại ĐH Stanford (Mỹ), có thể phải mất đến 2 năm hoặc hơn để chẩn bệnh cho những người có triệu chứng sang chấn tâm lý. Những bệnh nhân này nếu không được điều trị trong vòng 2 năm đầu tiên có tỷ lệ phục hồi thấp hơn nhiều.
Theo trang Verywell Mind, người gặp sang chấn tâm lý có thể hồi phục ít nhiều nhờ thực hành 9 cách sau.
- Tìm sự hỗ trợ phù hợp
Để chữa lành, người bệnh cần sẵn sàng tìm kiếm và đón nhận sựu trợ giúp từ những người xung quanh thay vì ủ dột, khép mình và để cho cảm xúc bùng nổ.
Người giúp đõ bạn có thể là một nhà trị liệu, các tổ chức hỗ trợ tâm lý với những người có hoàn cảnh tương tự hoặc chỉ đơn giản là người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
- Kết nối với người khác
Bạn không nhất thiết phải tìm ai đó và trút hết những tổn thương của mình nếu cảm thấy không thoải mái. Việc kết nối với người khác ở đây có thể dành thời gian với bạn bè để tìm những cảm xúc vui vẻ. Quá khứ có thể được kể ra sau đó, khi bạn cảm thấy phù hợp.
Kết nối với người khá là chìa khóa giúp con người hạnh phúc. Việc tự cô lập bản thân trong khi đang phải đối mặt với tổn thương có thể dẫn đến u uất, thậm chí trầm cảm.
- Thể thao
Tập thể dục đã được chứng minh có thể giúp não bộ tiết ra những hormone giúp cảm xúc của bạn được chữa lành.
Nếu không thích tập thể dục, bạn có thể đi dạo, đạp xe, trượt patin, tập yoga hoặc chỉ đơn giản là nhảy nhót một mình. Bất cứ điều gì liên quan đến việc di chuyển cơ thể đều sẽ giúp bạn chữa lành.
Di chuyển cơ thể có khả năng chữa lành. Ảnh: Pexels. |
- Đối mặt với cảm xúc
Ghi nhật ký là một cách phổ biến để quản lý cảm xúc và vượt qua khoảng thời gian căng thẳng. Nếu cảm thấy việc này không hữu hiệu, bạn chỉ cần dành một khoảng thời gian ngắn trong ngày để đối mặt với cảm xúc của mình.
Trong lúc thực hiện, bạn có thể phải đối phó với những cảm giác kinh khủng. Nhưng điều này là có ích. Cảm nhận và chấp nhận cảm xúc của mình có thể là chìa khóa để chữa lành vết thương.
- Tự chăm sóc bản thân
Bạn có thể thực hành chăm sóc bản thân bằng cách thường xuyên hành động để làm những điều khiến bản thân cảm thấy vui vẻ và yêu thương như dưỡng da, tắm táp...
- Tránh các chất kích thích
Nhiều người chữa lành bằng cách uống rượu hoặc sử dụng chất gây nghiện. Tuy nhiên, tác dụng duy nhất của chúng chỉ khiến não bạn ngừng suy nghĩ, còn cảm xúc của bạn vẫn không thể thay đổi.
- Nghỉ ngơi
Trong khi chữa lành, bạn có thể thấy mình mệt mỏi hơn bình thường hoặc có năng lượng thể chất nhưng tâm trí lại không hoạt động.
Cách tốt nhất để đối phó với tình trạng này là hãy nhẹ nhàng với chính mình. Nghỉ giải lao là cách dành cho bản thân thời gian tiếp thêm năng lượng và đảm bảo bạn không kiệt sức.
- Thực hành chánh niệm hoặc thiền
Chánh niệm là phương pháp nhìn sâu và cảm nhận mọi thứ trong cuộc sống. Thiền là cũng là một cách thực hành chánh niệm, có thể giảm căng thẳng, giúp bạn thư giãn và bình tĩnh hơn. Tất cả điều này đều có lợi cho việc chữa lành.
- Sáng tạo
Cách cuối cùng Verywell Mind gợi ý để chữa lành là thử làm gì đó liên quan đến nghệ thuật hoặc chỉ đơn giản là sáng tạo gì đó. Điều quan trọng là bạn cảm thấy tích cực là bạn đang chữa lành.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.