Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ sinh ĐH Bách khoa TP.HCM trực đường dây nóng 1022

Thời gian nghỉ dịch Covid-19, Giang Thị Mộng Như đăng ký tham gia tình nguyện hỗ trợ ở Tổng đài 1022, nhánh số 4.

"Dạ tình nguyện viên Tổng đài 1022 xin nghe ạ".

"Cảm ơn cô, chú đã gọi đến Tổng đài 1022".

Đây là hai câu nói cửa miệng mà suốt một tháng qua, Giang Thị Mộng Như trả lời khi tiếp nhận các cuộc gọi đến của người dân cần hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, qua Tổng đài 1022, nhánh số 4.

Mỗi lần có cuộc gọi đến, nữ sinh viên năm 2, ngành Kỹ thuật môi trường, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) lại chạy đua với thời gian để vừa nghe, vừa ghi nhận thông tin của người cần giúp đỡ trong khoảng từ 3 đến 5 phút.

Nu sinh DH Bach khoa la tong dai vien 1022 anh 1

Giang Thị Mộng Như là một trong những sinh viên tham gia tình nguyện ở đường dây nóng 1022 nhánh số 4.

Những cuộc gọi cách 5 giây

Sinh ra và lớn lên ở TP.HCM nên khi nghe các thông tin về những chiến dịch hỗ trợ chống dịch ở thành phố, Mộng Như đều đăng ký tham gia. Trước khi có Chỉ thị 16, nữ sinh đã hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở khu vực quận 6, quận 10 và quận 11. Sau đó, Như không tham gia hỗ trợ nữa mà ở nhà, thực hiện giãn cách theo Chỉ thị.

Trong một lần sinh hoạt tại Chi bộ sinh viên 6 của ĐH Bách khoa TP.HCM, Mộng Như nhận được thông tin tuyển tình nguyện viên của tổng đài 1022 nhánh số 4. Nữ sinh đã cùng bạn bè đăng ký tham gia hỗ trợ.

"Thành phố của mình đang gặp nhiều vấn đề về dịch bệnh, em đã đăng ký tham gia và góp một phần sức lực của mình cho dự án 1022 nhánh số 4", Như nói.

Thời gian đầu khi nữ sinh tham gia trực tổng đài, TP.HCM cũng đang trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh nên các cuộc gọi đến yêu cầu hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội rất nhiều.

"Một tuần, em đăng ký trực tổng đài từ 3 đến 4 ngày tùy theo lịch học trực tuyến của mình, mỗi lần trực đều kéo dài liên tục trong 4 tiếng. Các cuộc gọi em tiếp nhận thường từ 3 đến 5 phút, cứ tắt cuộc gọi này là 5 giây sau sẽ có cuộc gọi khác. Khoảng thời gian đó rất áp lực vì đa phần các thông tin em tiếp nhận là các ca F0 hoặc yêu cầu cấp cứu", nữ sinh chia sẻ.

Mỗi lần nhận cuộc gọi đến, Mộng Như đều cố gắng đánh máy nhanh, ghi lại các thông tin cần thiết như năm sinh, địa chỉ, họ tên, giới tính và vấn đề người dân đang cần giúp đỡ. Đối với các cuộc gọi yêu cầu nhu yếu phẩm, nữ sinh thường hỏi thêm các thông tin về số lượng thành viên trong gia đình, tình trạng sức khỏe và nơi đang sinh sống có trong khu vực phong tỏa hay không. Những thông tin này sẽ giúp các đơn vị hỗ trợ phân loại trường hợp người dân cần ưu tiên để giúp đỡ.

Lời cảm ơn tiếp thêm động lực

Tham gia tình nguyện tại đường dây nóng 1022, Mộng Như và các tư vấn viên đều thường xuyên được chăm sóc về tinh thần qua những buổi gặp gỡ với ban điều hành chiến dịch. Đây là hoạt động để tình nguyện viên được chia sẻ về cách khắc phục tâm lý, tiếp nhận những cuộc gọi mang tính chất tiêu cực và kiềm chế cảm xúc khi làm việc.

"Thời gian đầu có lúc em phải nghỉ khoảng 10 phút để lấy lại tinh thần và tiếp tục công việc. Sau này, em có thể nghe liên tục các cuộc gọi và tiếp nhận thông tin một cách bình tĩnh hơn", Như nói.

Chia sẻ với Zing, Như cho biết hiện tại các cuộc gọi đến thông báo về trường hợp F0 hoặc yêu cầu cấp cứu đã giảm. Nhiều cuộc gọi bày tỏ tin tưởng và cởi mở hơn với tổng đài viên khi chia sẻ về khó khăn của mình.

"Có hôm, trong ca trực của mình em nhận được một cuộc gọi đến, người dân ở đầu dây bên kia nói 'cảm ơn Tổng đài 1022 nha, cô mới gọi lên có mấy ngày mà bây giờ đã được nhận gói trợ cấp cho gia đình rồi'. Nghe xong, em cảm thấy mọi mệt mỏi của bản thân được xua tan hết. Em nhận ra công việc hiện tại của mình mang lại nhiều giá trị tích cực khi người dân gọi đến đã nhận được sự giúp đỡ. Đó cũng là động lực để các tổng đài viên tiếp tục làm việc", Như nói.

Theo nữ sinh viên, để duy trì công việc này, bản thân người tham gia phải có tình yêu với nhiệm vụ tiếp nhận các cuộc gọi đến từ người dân và kết quả mà dự án Tổng đài 1022, nhánh số 4 có thể đạt được khi kết thúc.

Mỗi ngày, trước khi làm việc và học tập, Mộng Như đều ghi lại lịch học của bản thân để sắp xếp thời gian tham gia ca trực ở tổng đài hiệu quả. Nếu có lịch học vào buổi sáng, Như sẽ đăng ký tham gia ca trực vào buổi chiều từ 14 giờ đến 16 giờ.

Biết Mộng Như tham gia tình nguyện ở 1022, bố mẹ của nữ sinh đã gọi điện về quê và báo những người quen là con gái đang trực ở tổng đài, nếu có khó khăn gì hãy gọi đến để nhận sự hỗ trợ.

Nu sinh DH Bach khoa la tong dai vien 1022 anh 6

Mộng Như là quán quân của Siêu thủ lĩnh năm 2020 - cuộc thi dành cho các sinh viên đang học tập tại học viện, trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước.

Gia đình của Như ở quận Bình Tân, một trong những khu vực dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM. Tiếp nhận cuộc gọi đến từ những hoàn cảnh khó khăn, nữ sinh đều kể với bố mẹ của mình. Như cho biết bố mẹ và bản thân luôn tích cực và trân trọng những gì đang có ở hiện tại.

Nữ sinh dự kiến đăng ký tham gia hỗ trợ ở Tổng đài 1022 nhánh số 4 đến khi TP.HCM trở lại cuộc sống bình thường và có thể đi học trực tiếp ở trường.

"Nếu có thể, mọi người hãy dành thời gian và công sức của mình để giúp thành phố mau khỏi bệnh", Như nói.

Cổng thông tin 1022 được UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện và giao Sở Thông tin và Truyền thông làm đơn vị chủ trì, cùng 86 đơn vị với 625 đầu mối (Sở ngành, Ủy ban nhân dân 24 quận/huyện và các đơn vị quản lý/sở hữu/duy tu hạ tầng) tham gia giải quyết xử lý các sự cố do người dân, tổ chức và doanh nghiệp phản ánh.

1022 tiếp nhận thông tin liên quan đến lĩnh vực Y tế được kết nối với Sở Y tế và các đơn vị sự nghiệp y tế công lập (bệnh viện đa khoa tuyến thành phố, bệnh viện chuyên khoa tuyến thành phố, trung tâm chuyên ngành và y tế dự phòng tuyến thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, bệnh viện tuyến quận, huyện và trung tâm y tế tuyến quận, huyện).

10 tỉnh, thành miễn học phí cho học sinh năm học 2021-2022

Nhiều địa phương quyết định dành hàng chục tỷ đồng từ ngân sách để miễn học phí cho học sinh trong năm học 2021-2022.

Nguyễn Hằng

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm