Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhóm của 'thầy nhiều râu' chở thực phẩm cho người nghèo ở TP.HCM

Dương Quốc Toàn (biệt danh thầy nhiều râu) cùng bạn bè, học trò kêu gọi lương thực từ nhiều nguồn để ủng hộ cho người dân còn thiếu thốn tại TP.HCM.

Những ngày TP.HCM giãn cách xã hội, thầy Dương Quốc Toàn, 42 tuổi, giáo viên giáo dục thể chất trường THCS Trần Văn Quang, quận Tân Bình, TP.HCM và những thành viên trong nhóm trở nên bận rộn hơn bao giờ hết.

Thầy Toàn chia sẻ: “Sang tuần thứ 3 của tháng 5, tình hình dịch thật sự căng thẳng, nhất là khi chợ đầu mối đóng cửa từ 6/7. Mình thấy bà con ở xóm lao động nghèo và các khu nhà trọ cần nhu yếu phẩm nên đi xin rồi tặng cho người dân".

Cầu nối gắn kết

Từ ngày 27/6, thầy Toàn bắt đầu nhận những xe rau củ từ các tỉnh Bến Tre, Long An, Gia Lai và những mạnh thường quân tại TP.HCM. Nhóm của thầy nhận, phân chia, mua sắm nhu yếu phẩm rồi chuyển tới người lao động nghèo, các ngôi chùa để nấu cơm cho người vô gia cư.

Giáo viên tham gia hỗ trợ người nghèo bày tỏ: “Mình làm thật và tặng cho đúng người. Nếu năm trước khi Bến Tre, Tiền Giang bị hạn mặn, mình kêu gọi bà con TP.HCM góp tiền mua nước sạch ủng hộ thì bây giờ bà con luôn sẵn sàng hỗ trợ TP.HCM".

ung ho nguoi ngheo tai tphcm anh 1

Các thành viên của CLB Thiện Nguyện Tâm Đức cùng người dân Gia Lai thu hoạch nông sản hỗ trợ TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Anh Nguyễn Văn Vỹ, 41 tuổi, Chủ nhiệm CLB Thiện Nguyện Tâm Đức, Gia Lai, cho biết: “Mình và thầy Toàn quen nhau trong một lần thầy lên Gia Lai làm từ thiện cho bà con dân tộc thiểu số. Khi thấy thầy kêu gọi ủng hộ bà con lao động ở TP.HCM, mình chủ động liên hệ và gửi đồ lên. CLB đã gửi thực phẩm đi rất nhiều nhóm khác nhau cho nhà trọ và những nơi cần thiết".

Do vận chuyển xa, phải qua nhiều chốt kiểm dịch nên anh Vỹ và các thành viên trong CLB thường chọn những loại rau, củ, quả vận chuyển khó bị hỏng như: bơ, chuối, bắp sú, đậu cô ve, cà, dưa leo, chanh, sả… Các thành viên trong CLB cùng người dân nhanh chóng thu hoạch để rau, củ giữ được độ tươi ngon.

Anh Vỹ bày tỏ: “Bà con Gia Lai còn nhiều khó khăn, họ thu hoạch để ủng hộ người dân TP.HCM thì không có thu nhập từ nông sản. Nhưng để giúp đỡ, họ luôn sẵn lòng, nhiều vườn chanh họ hái được vài tấn quả nhưng không bán mà hỗ trợ hết".

Chuyển nhu yếu phẩm đến tay người lao động nhanh nhất có thể

Nhóm của thầy Toàn gồm năm thành viên, hai bạn là học trò gắn bó gần 10 năm và hai người bạn thân thiết.

Sau khi nhận rau, củ từ người dân, thầy Toàn và các thành viên mang lương thực về khoảng sân dưới chung cư để phân loại. Sau đó, các thành viên trong nhóm nhanh chóng chở rau, củ đến các khu vực bị có người dân lao động sinh sống để rau củ giữ được độ tươi ngon.

Phương tiện vận chuyển thường là xe máy, xe bán tải của học trò thầy Toàn, hoặc xe ba gác chở đến những quận, huyện ở xa (nếu có thể sắp xếp). Công việc vận chuyển được diễn ra nhanh, các thành viên chỉ có thể ăn trưa, trở về nhà khi công việc đã tươm tất.

ung ho nguoi ngheo tai tphcm anh 2

Thầy Dương Quốc Toàn vận chuyển rau củ cho người lao động chịu ảnh hưởng của dịch Covid. Ảnh: NVCC.

Ngoài rau, củ, quả thầy Toàn và các thành viên trong nhóm còn dùng số tiền do các mạnh thường quân ủng hộ để mua nhu yếu phẩm cần thiết cho người lao động như gạo, mì tôm, muối, trứng, dầu ăn...

ung ho nguoi ngheo tai tphcm anh 3

Những nhu yếu phẩm nhóm của thầy Toàn chuẩn bị cho người dân lao động. Ảnh: NVCC.

Anh Bùi Mạnh Hóa, 25 tuổi, ở quận Tân Phú, thành viên của nhóm cho biết: "Các thành viên phải tìm mua nhu yếu phẩm từ nhiều nguồn khác nhau. Khó khăn nhất là tìm nguồn hàng trong khi dịch bệnh căng thẳng, vật giá các nhu yếu phẩm cũng theo đó mà tăng cao".

Tùy từng loại mặt hàng mà giá thể tăng lên khiến số tiền quyên góp khi cộng lại bị thu hẹp nhiều. Tuy nhiên nhiều người buôn bán nhỏ lẻ khi nghe các thành viên trong nhóm mua tặng người dân lao động, họ sẵn sàng để lại giá gốc, thậm chí nhiệt tình chở hàng tới nhóm tập kết.

Một số mặt hàng không thể mua tại địa phương, các thành viên trong nhóm phải dựa vào sự quen biết để tìm nguồn hàng hoặc lên các trang web bán hàng để mua số lượng lớn với giá bán lẻ.

Sau 18 giờ, các thành viên trong nhóm sẽ thảo luận và sắp xếp công việc như: các khu vực cần được hỗ trợ, tính toán số lượng hàng hóa cần mua, công tác vận chuyển hàng hóa… Đây cũng là khoảng thời gian thầy Toàn thường kiểm tra tin nhắn chờ xem người dân ở khu vực nào cần hỗ trợ.

Anh Hóa bày tỏ: “Cơ duyên mình được làm học trò của thầy là hơn 10 năm trước. Ba năm nay, mình theo thầy Toàn hỗ trợ bà con khó khăn những dịp Tết đến xuân về, rằm tháng 7 hay những lần có dịch bệnh, thiên tai. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mình mong bà con ở trong nhà không ra đường khi không có việc thực sự cần thiết, mọi người cùng giữ sức khỏe".

Nữ sinh tình nguyện tham gia siêu thị 0 đồng tại TP.HCM

Tận dụng thời gian nghỉ dịch, Minh Tú tham gia tình nguyện tại "Siêu thị mini 0 đồng", đồng thời hỗ trợ nhập dữ liệu thông tin người dân đi lấy mẫu xét nghiệm ở TP.HCM.

Nhật Tân

Bạn có thể quan tâm