Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ sinh leo đồi 4 km mỗi ngày để học online

Lường Thị Thắm (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) đi bộ 4 km mỗi ngày, leo lên đồi học online. Cô vừa học vừa giúp đỡ bố mẹ công việc nhà, làm nông nghiệp.

Lường Thị Thắm là học sinh trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương. Chia sẻ với Zing, Thắm cho biết em mới viết những tâm sự của mình gửi cô giáo về kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần.

Thắm tâm sự đường đi học của học sinh miền núi vốn khó nhọc. Lúc dịch bệnh, việc học online còn gian nan hơn nhiều lần.

Nhiều bạn bè của em ở vùng núi xa xôi phải tìm nhiều cách kết nối Internet để học trực tuyến. Có bạn phải trèo lên cây cao, leo lên đồi, mỏm đá, để bắt sóng học bài.

"Mọi người rất quý cô chủ nhiệm nên hay tâm sự với cô. Em không ngủ được, muốn viết gì đó, vừa luyện văn vừa chia sẻ câu chuyện, suy nghĩ của mình. Sáng hôm sau, em chụp bằng điện thoại gửi cô", Thắm nói.

Để học online, hàng ngày, Thắm phải tìm nơi cao, quang đãng, để bắt sóng 3G.

Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, Thắm thi vào trường quân đội nên cố gắng ôn luyện nhiều hơn trong thời gian nghỉ. Không chỉ học qua bài giảng thầy cô gửi, nữ sinh dân tộc Thái còn tranh thủ lúc kết nối mạng tốt để tìm thêm tài liệu tham khảo. Khi có thể xuống thị trấn, Thắm sẽ photo tài liệu đó ra để học.

"Dù khó khăn hơn bình thường, em không bỏ cuộc theo đuổi giấc mơ vào đại học. Em cảm nhận thầy cô vất vả hơn nhiều để hỗ trợ chúng em học online, nên càng không muốn phụ kỳ vọng của thầy cô", nữ sinh dân tộc Thái chia sẻ.

hoc online vung nui anh 3

Thắm thanh thủ lúc chăn bò, leo lên mỏm đá cao để bắt sóng 3G học bài. Ảnh: NVCC.

Thầy Nguyễn Tuấn Anh, Phó hiệu trưởng trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, cho biết 100% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa. Gia đình các em khó khăn nên việc học trực tuyến nhiều trở ngại.

"Không phải học sinh nào của trường cũng gặp khó khăn khi kết nối Internet nhưng không phủ nhận một số em hoàn toàn không tiếp cận được. Chính vì vậy, trường đã triển khai dạy học từ xa theo nhiều cách, phù hợp từng học sinh", thầy Tuấn Anh nói.

Trường đã soạn bộ tài liệu hướng dẫn tự học, được thiết kế theo các modun để gửi đến học sinh. Với những em có kết nối Internet, giáo viên sẽ tương tác trực tuyến theo thời khóa biểu học online của trường. Nếu kết nối của các em không ổn định, thầy, cô tận dụng các kênh mạng xã hội hoặc điện thoại trực tiếp để hỗ trợ.

Học sinh ở những nơi không có mạng, trường sẽ gửi tài liệu qua đường bưu điện. Sau khi học sinh nhận được, giáo viên tương tác với các em qua điện thoại.

Với cách làm như vậy, sau 2 tuần triển khai dạy học từ xa, 100% học sinh của trường đã tiếp cận được bài giảng, tài liệu học tập.

Thầy Tuấn Anh cho hay nhà trường đã quyết định hỗ trợ 300.000 đồng/học sinh nghèo để các em nạp thẻ điện thoại mua mạng 3G, 4G học từ xa. Học sinh khó khăn, không có thiết bị học online, trường cũng kết nối để hỗ trợ điện thoại cho những em này.

Bộ GD&ĐT: Nếu học online bị quấy rối, giáo viên báo công an điều tra

Theo công văn của Bộ GD&ĐT, nếu xảy ra tiêu cực trong quá trình học online, giáo viên, phụ huynh thông báo đến cơ quan công an để điều tra, xử lý theo pháp luật.

Thanh Thanh

Bạn có thể quan tâm