Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều hình ảnh học sinh, sinh viên vùng khó phải tự tìm chỗ có sóng Wi-Fi để dựng lán học online.
Có thể thấy tinh thần vượt khó vươn lên học tập của họ. Tuy nhiên, điều kiện học tập của học sinh, sinh viên trên cả nước có sự chênh lệch rất lớn. Việc học online đang gây nhiều khó khăn cho những học sinh, sinh viên ở khu vực khó khăn.
Sinh viên Lầu Mí Xá dựng lều bên sườn núi để bắt sóng Wi-Fi, học online. Ảnh: NCTT. |
Trên diễn đàn của sinh viên ĐH Hồng Bàng, các bạn cho biết hàng ngày vẫn lên mạng học online nhưng một buổi học bị trục trặc rất nhiều lần vì mạng yếu.
Một sinh viên khác cho hay ở quê em, điện bị cúp từ 6h đến 17h nên không thể học theo lịch của trường. Sinh viên này nhờ bạn xin phép thầy cô điểm danh, sau đó tối có điện vào nghe lại bài giảng.
Tuy nhiên, hình ảnh gây ấn tượng mạnh nhất về chuyện học trực tuyến thời Covid-19 là chàng sinh viên Lầu Mí Xá về nhà ở bản Sủng Của, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, cách thành phố Hà Giang 120 km.
Khi trường tổ chức học trực tuyến, Xá tưởng như mình sẽ phải bảo lưu học kỳ này. Điểm trường Sủng Của, nơi có kết nối Internet duy nhất của thôn, cách nhà Mí Xá 1 km, đã thành điểm cách ly tập trung cho những người đi làm ăn từ Trung Quốc về.
Cậu sinh viên này thử leo lên ngọn núi cao sau nhà tìm sóng Internet nhưng rất chập chờn, kết nối bị ngắt quãng. Một lần tình cờ đi qua đoạn đường ở nương ngô, thấy bắt được 4G nên em quyết dựng lán ở đây để theo học lâu dài.
Không chỉ Mí Xá, ở Thái Nguyên, vùng giáp ranh Lạng Sơn, nữ sinh Ma Thị Tươi (dân tộc Tày) sinh viên khoá K54 Khoa Khách sạn Du lịch, ĐH Thương mại cũng dựng lán giữa đỉnh đồi bắt sóng Internet để học và làm bài kiểm tra trực tuyến.
ĐH Thương mại đã quyết định hỗ trợ hoàn toàn gói cước 3G, 4G cao nhất cho sinh viên. Nhưng đối với một số em, về quê không có sóng Wi-Fi, không có đường dây Internet hay thậm chí không có điện, sự hỗ trợ này cũng trở thành vô ích.
Để có thể theo kịp lịch học, theo kịp với cách học mới, rất nhiều sinh viên đang phải tự xoay xở tìm cách khắc phục.
Cũng trên diễn đàn của sinh viên ĐH Hồng Bàng, khi biết tin trường sẽ tổ chức thi trực tuyến, một số sinh viên đã không đồng tình. Một sinh viên nói, học trực tuyến khiến họ rất mệt mỏi vì ngồi học trên máy tính cả ngày, soạn bài và tìm tài liệu.
Một sinh viên cho biết do quê ở vùng sâu, để có thể học trực tuyến, em phải ở lại thành phố thuê trọ. Tuy nhiên, khi học trên giảng đường, thầy cô giảng 10 phần, ít nhất em nắm 6-7 phần kiến thức. Khi học trực tuyến, em chỉ nắm 4-5 phần.
"Mạng Internet lúc mạnh, lúc yếu. Tài liệu tìm được không biết có chính xác không. Bài giảng có những môn còn không có tương tác qua lại. Việc em có thể tiếp thu 4-5 phần kiến thức cũng khó”, sinh viên này nêu thực tế.
Vì những khó khăn đó, sinh viên lo thi trực tuyến nguy cơ trượt rất cao. Nếu thi lại, hay học lại, các em sẽ thêm một khoản phát sinh chi phí không nhỏ.
Ý kiến này đã nhận được hàng trăm phản hồi của sinh viên khác. Nhiều bạn cho rằng học online là biện pháp tạm thời, thi trực tuyến chắc chắn sẽ trượt. Một số sinh viên đề nghị xem xét lại việc thi giữa kỳ và cuối kỳ bằng hình thức trực tuyến.
“Chúng em học khối ngành sức khỏe liên quan tính mạng con người. Dù rất cố gắng khi nhà trường tổ chức học trực tuyến, kiến thức nhận được chắc chắn sẽ không bằng so với học trực tiếp với thầy cô ở trường được”, một sinh viên nói.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có sinh viên nói học và thi trực tuyến bình thường. Vì do ảnh hưởng của dịch, ai cũng vất vả. Vấn đề là bản thân mỗi sinh viên phải cố gắng để vượt qua.
Mặc dù vậy, nhiều ĐH thừa nhận dạy trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, không thể thay thế được hình thức học tập trung đối với sinh viên.
ĐH Thương mại quyết định hỗ trợ hoàn toàn gói cước 3G, 4G cao nhất cho sinh viên. Tuy nhiên nhiều địa phương không có đường dây Internet. Để có thể theo kịp lịch học, nhiều sinh viên đang phải tự xoay xở tìm cách khắc phục.