Chịu nhiều rắc rối
Ngày nay, dù suy nghĩ của mọi người đã thoáng hơn nhưng những người trẻ thường xuyên đi bar, pub vẫn nhận được đánh giá không tốt. Đặc biệt, các cô gái hàng ngày làm việc tại bar lại càng bị mang tiếng xấu.
Tuy nhiên, Ngọc Ánh (sinh viên ĐH Hà Nội) lại chia sẻ rằng, nơi chốn tưởng chừng như chỉ để vui chơi đó luôn chứa mồ hồi, nước mắt của Ánh cũng như các đồng nghiệp.
Bar tưởng chừng chỉ là chốn ăn chơi nhưng cũng chứa mồ hôi, nước mắt của các nữ sinh làm việc tại đây. (Ảnh minh hoạ). |
“Có hôm tôi ức đến phát khóc. Khách rủ tôi đi chơi không được liền gọi quản lý bảo tôi chửi họ. Không biết đúng sai thế nào nhưng tôi nghiễm nhiên bị khiển trách và phải nhận lỗi” - Ngọc Ánh cho biết.
Cũng theo Ánh, vì khách đến bar chủ yếu là nam nên thường thích trêu trọc, thậm chí có những hành động khiếm nhã như kéo váy, chạm vào đùi… nhân viên nữ. Những lúc như vậy, các nữ sinh phải cố gắng bình tĩnh và từ tốn giải quyết, đặc biệt là vẫn có thái độ đúng chừng mực với khách.
Bên cạnh đó, làm tại bar nên các cô gái trẻ bắt buộc phải biết uống bia, rượu và không được phép từ chối thẳng thừng những lời mời của khách. Tuy nhiên Phương Linh (PG bia tại bar) chia sẻ: “Một hai cốc không sao, nhưng có những anh mời đến vài chai thì tôi không kham nổi. Tôi đành phải lựa lời, khéo léo mà xin rút”.
Linh cho biết thêm, để bán được bia, nữ PG thỉnh thoảng cũng cần à ơi, cười nói dễ nghe, biết chiều lòng khách. Song theo kinh nghiệm của Linh, không nên quá nhún nhường, tỏ ra dễ dãi vì khách nam sẽ bắt nạt, được đà làm tới, lúc đó hậu quả rất khó lường.
Thực tế, đa phần các nữ sinh đều chia sẻ rằng, khó khăn nhất khi làm việc ở bar là phải biết cách làm vừa lòng khách và chủ quán, tuy nhiên, vẫn đảm bảo được doanh thu. Trong trường hợp của Linh là phải bán được 30 bom bia (40-50 cốc/bom) và 5 két bia chai trong một tháng.
Và mang tiếng xấu
Bar có thể nói là môi trường đầy nguy hiểm và cũng không ít sự cám dỗ. Những người đến đây tốt có, xấu có. Vì thế để có thể tồn tại trong môi trường này, các nữ sinh tránh được vấp ngã là điều không hề dễ dàng. Các bạn trẻ khi quyết định làm việc tại bar đều phải chuẩn bị sẵn tinh thần và có những cách để tranh khác nhau. Trong đó bao gồm cả sự can đảm đối mặt với những tiếng xấu bủa vây quanh mình.
Chấp nhận làm tại bar đồng nghĩa với việc các nữ sinh phải có đủ can đảm để đối mặt với những tiếng xấu. (Ảnh minh hoạ) |
Bên cạnh những bạn sợ sệt, giấu giếm nghề nghiệp, Phương Linh lại có quan điểm rất rõ ràng: “Việc nào cũng là việc, làm ở bar cũng thế. Mình không làm gì xấu nên không phải ngại”. Linh cho rằng, bar ngoài việc tạo thêm thu nhập thì còn là môi trường giúp cô có cơ hội va vấp, rèn luyện bản thân biết cách ứng xử, giao tiếp tốt hơn vì ở bar loại người gì cũng có”.
Giống như Linh, Thanh Hằng (hiện đang làm nhân viên pha chế tại một bar ở Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy hoàn toàn bình thường. Nếu thấy ngại tôi đã không làm. Ngược lại tôi còn hay kể cho bạn bè về công việc của mình. Ai cũng đều thấy pha chế rượu rất thú vị và khen tôi đa tài”.
Đối với Minh Hồng (sinh viên Học viện Tài chính) thì nhờ quãng thời gian làm phục vụ bàn tại bar cô đã hoạt bát, khéo léo hơn. Cô ứng xử tốt hơn các bạn cùng lớp, không ngại bắt chuyện với người lạ, thậm chí là trước đám đông. Đặc biệt, Hồng biết cách nhìn người và sớm tự lập, không con quá phụ thuộc vào bố mẹ.
Không ít bạn trẻ hiện nay cho rằng, sẽ quá cổ hủ, phiến diện nếu như cứ suy nghĩ làm ở bar là xấu. Bởi sẽ quá bất công cho các nữ sinh khi vừa phải chịu vất vả nơi làm việc vừa phải chịu điều tiếng ngoài xã hội.