Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk ngày 8/6, người được phát hiện mắc bệnh Whitmore là N.T.V (nữ, 9 tuổi, trú tại thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp).
Theo người nhà bệnh nhân, 10 ngày trước khi nhập viện, nữ sinh khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao, kèm sưng, đau vùng mang tai 2 bên.
Người nhà đã đưa em đi khám tại phòng khám tư nhân, uống thuốc 3 ngày (không rõ loại) nhưng không giảm nên đưa bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vào ngày 4/6.
Tại đây, nữ sinh được nhập viện tại khoa Nhi Tổng hợp trong tình trạng tỉnh táo, sốt 39 độ C, tuyến mang tai 2 bên sưng to, cứng chắc không di động, há miệng hạn chế.
Bé gái bị áp-xe tuyến mang tai trái nghi do nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên bệnh Whitmore. Ảnh minh họa: D.T. |
Góc hàm (T) có điểm ấn mềm hóa mủ, đau nhiều. Ngoài ra, bệnh nhi còn có biểu hiện họng đỏ nhẹ, loét đầu lưỡi, ăn uống kém, không nôn, bụng mềm, gan lách không lớn, cổ mềm.
Lúc này, bệnh nhân được chẩn đoán hạ natri máu, áp xe tuyến mang tai 2 bên, quai bị biến chứng hoặc nhiễm trùng huyết. Đến ngày 7/6, bệnh nhân sốt cao liên tục đến 41 độ C. Áp xe tuyến mang tai 2 bên đã rạch, rỉ mủ máu, cầu lỏng 5 lần/ngày.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei với chẩn đoán hậu phẫu áp xe tuyến mang tai 2 bên/Nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei/TD Viêm màng não. Đây là vi khuẩn gram âm gây bệnh Whitmore.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh Whitmore, cơ quan này đã nhanh chóng phản hồi thông tin cho đơn vị liên quan, đồng thời tổ chức điều tra và giám sát tại cộng đồng để phòng tránh bệnh lây lan.
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết theo các tài liệu y khoa và điều tra dịch tễ, Whitmore không phân bố theo mùa mà xuất hiện rải rác quanh năm. Tuy nhiên, trong 3-4 năm gần đây, số ca mắc tăng từ tháng 7 đến cuối năm.
Whitmore là vi khuẩn sống trong bùn, đất và nguồn nước bị nhiễm bẩn. Trong mùa mưa, độ ẩm nhiệt độ thay đổi, đồng thời tình trạng ngập úng khiến nguy cơ tiếp xúc vi khuẩn của người lao động, trẻ em cao hơn
Bệnh Whitmore ít gặp, không thành dịch nhưng thường tiến triển nặng, tỷ lệ tử vong cao. Whitmore có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt, những trường hợp có nguy cơ cao, hệ miễn dịch kém dễ rơi vào nguy hiểm khi bị Whitmore tấn công.