Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ sinh ở Hà Nội bị 'bắt cóc online', dọa chặt ngón tay

Một nữ sinh ở Hà Nội bị đối tượng lừa đảo "bắt cóc online", yêu cầu gọi về gia đình phải chuyển số tiền 370 triệu đồng để chuộc, nếu không sẽ bị chặt ngón tay.

Công an phường Ô Chợ Dừa (Hà Nội) kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo, giả danh công an đe dọa một nữ sinh nhằm thực hiện việc "bắt cóc online".

Trước đó, khoảng trưa 21/7, cơ quan công an tiếp nhận trình báo của ông L.H.T về việc cháu họ ông là M. (SN 2006, sinh viên đại học) bị bắt cóc, tống tiền.

Ông T cho biết khoảng 10h cùng ngày, mẹ M. ở quê gọi điện thông báo cháu gọi về gia đình, cho biết mình bị bắt cóc và cho xem video trên người cháu có nhiều vết thương. M. nói gia đình phải chuyển 370 triệu đồng cho các đối tượng, nếu không sẽ bị “chặt ngón tay”.

Bat coc online,  Doa chat ngon tay anh 1

Nữ sinh bị "bắt cóc online" trình báo cơ quan công an.

Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Ban Chỉ huy Công an phường Ô Chợ Dừa đã khẩn trương huy động lực lượng điều tra, xác minh vụ việc. Chỉ sau khoảng 1 giờ nhận tin báo đơn vị đã nhanh chóng tìm được M. đang ở một mình tại một khách sạn trên đường La Thành và đưa về trụ sở để làm rõ.

Tại cơ quan công an, M. cho biết bị nhóm người tự xưng là công an gọi điện thông báo liên quan đến hoạt động rửa tiền và buôn bán chất cấm. Các đối tượng yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra.

Do M. không có tiền, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân phải tìm chỗ kín đáo để vẽ lên mặt, người các vết thương giống như bị đánh gây ra, rồi liên hệ về gia đình báo mình bị bắt cóc và yêu cầu gia đình chuyển tiền chuộc mới được thả.

Quá lo sợ, M. đã làm theo yêu cầu của các đối tượng trên.

Khi được cán bộ Công an phường giải thích về thủ đoạn giả danh công an để lừa đảo, M. đã bình tĩnh lại.

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ việc sinh viên các trường đại học bị đối tượng giả danh cơ quan công an gọi điện lừa đảo. Đáng chú ý, các đối tượng còn sử dụng chiêu thức "bắt cóc online" nhằm thao túng tâm lý người thân, buộc họ chuyển tiền chuộc.

Công an Hà Nội khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đồng thời chủ động tuyên truyền cho người thân, bạn bè về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này. Nhà trường cần thường xuyên đẩy mạnh, tuyên truyền cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo cho học sinh, sinh viên để nâng cao nhận thức phòng chống lừa đảo.

Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương. Tuyệt đối không gọi điện yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc cài đặt phần mềm để phục vụ điều tra.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.

https://tienphong.vn/nu-sinh-o-ha-noi-bi-bat-coc-online-doa-chat-ngon-tay-neu-gia-dinh-khong-chuyen-tien-chuoc-post1762430.tpo

Thanh Hà/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm