Em Ngô Thị Lài (sinh năm 2004, ngụ thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là nữ sinh gây xôn xao dư luận vì không biết được lịch thi lại Ngữ văn. Lài đến trễ giờ và quỳ gối khóc nức nở tại trường để xin thi lại.
Gia cảnh bi đát
Ngô Thị Lài sinh ra trong gia đình nghèo có 3 anh chị em. Mẹ em mất cách đây 4 năm vì ung thư. Chị gái đầu đã đi lấy chồng. Người anh kế đã bỏ học đi làm mướn ở TP.HCM. Lài đang sống cùng bố mắc chứng bệnh về thần kinh.
Căn nhà nghèo xác xơ, không vật dụng đáng giá, là nơi nương náu của hai bố con Lài từ nhiều năm nay. Vì hoàn cảnh gia đình túng quẫn, mới 15 tuổi, Lài đã bươn chải, làm mướn khắp nơi để kiếm tiền đi học.
Gia cảnh khó khăn của nữ sinh Ngô Thị Lài. Ảnh: Người Lao Động. |
Dù sống trong điều kiện thiếu thốn, bằng sự quyết tâm của mình, Lài luôn tâm niệm cố gắng học thật tốt, hy vọng sau này có nghề để giúp đỡ bố và các anh chị em. Trong nhiều năm liền, Lài có học lực khá giỏi trong lớp.
Trong kỳ thi tuyển sinh lên lớp 10 vừa qua, Lài bỏ lỡ buổi thi lại môn Ngữ văn như thông báo của Sở GD&ĐT. Lý do là trong buổi thi môn Toán trước đó, Lài hoàn thành phần thi trước 2/3 thời gian và xin nộp bài sớm, về nhà chuẩn bị bữa cơm tối cho người bố tật bệnh của mình. Trớ trêu thay, đến cuối buổi thi Toán, các giám thị mới thông báo hôm sau thi lại Ngữ văn.
"Nhà em nghèo nên không có tivi. Ba và em lại không có điện thoại để dùng. Em cứ nghĩ thi xong Toán rồi thì về chứ không biết lịch thi lại Ngữ văn vào hôm sau. Chiều tối đó, em đi cắt cỏ về nghe một bạn nói sao không đi thi nên em mới giật mình", Lài kể.
Khi biết thông tin thi lại, lúc đó đã 16h, Lài chỉ kịp về nhà để bao cỏ xuống sân, thay bộ đồ lấm lem bùn đất, rồi sang nhà hàng xóm mượn xe đạp, tất tả xuống điểm thi trường THPT Lương Thế Vinh (cách đó khoảng 7 km). Em đến nơi đã 17h, cũng là thời gian kết thúc giờ thi.
Em bất lực quỳ gối khóc nức nở tại trường, để xin được thi lại như các bạn. Biết hoàn cảnh em rất thương tâm, các giám thị đành "bó tay" vì bản thân chỉ biết làm theo quy định. Sự việc em quỳ gối khóc tại trường thu hút sự chú ý của nhiều người.
Ưu ái cho vào trường "không thi vẫn trúng tuyển"?
Ngay sau khi biết được thông tin, lãnh đạo trường THPT Lương Thế Vinh trực tiếp đến tìm hiểu gia cảnh của em Ngô Thị Lài và ghi nhận những lời như em trình bày là đúng và có cơ sở. Ông Đinh Qúy Nhân, Giám đốc GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, đã trực tiếp nói chuyện điện thoại với em.
"Chúng tôi không ngờ được tới sự cố này. Ngày thi Toán, chúng tôi chưa thông báo sớm lịch thi lại vì sợ gây tâm lý, áp lực cho các em. Đợi đến khi thi xong, nhà trường mới thông báo nhưng Lài đã về sớm mà không biết. Tôi cũng có nghe về hoàn cảnh khó khăn của em, gia đình em nghèo, mẹ mất, bố bị vấn đề về tâm thần, trong gia đình đến tivi cũng không có, rất may một người bác của em Lài có điện thoại chúng tôi mới liên hệ được", ông Nhân nói với báo chí.
Sau khi biết thông tin và hoàn cảnh khó khăn của em Lài, ông thăm hỏi tình hình, động viên thí sinh và hứa sẽ tạo điều kiện để Lài được xét và trúng tuyển vào trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thị xã Ba Đồn. Ngôi trường này gần nhà của em.
Tuy nhiên, theo nguyện vọng của Lài, kỳ thi này em muốn được thi, trúng tuyển vào trường THPT Lương Thế Vinh. Đây cũng là mơ ước của em bấy lâu này và tâm nguyện của mẹ Lài trước khi mất, nên em cố gắng học và thi tốt trong kỳ tuyển sinh lớp 10 lần này.
"Số đông bạn đều được vào học trường Lương Thế Vinh, vừa gần nhà, vừa được đào tạo tốt hơn. Vì em không có xe đạp để đi học nên nhiều lúc phải xin đi ké các bạn. Nếu học ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau này, em bơ vơ không biết ra sao", Lài nói trong nước mắt.
Theo tìm hiểu, địa bàn huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn có 5 trường THPT, trong đó có 2 trường không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển. Nếu Sở GD&ĐT Quảng Bình không "tạo điều kiện" thì hiển nhiên em Ngô Thị Lài vẫn tham gia xét và trúng tuyển vào Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm là điều bình thường.
Cô Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, nói số lượng thí sinh tuyển vào trường sẽ do Sở GD&ĐT Quảng Bình quy định. Khi thi xong, sở sẽ tổ chức chấm thi và nhập dữ liệu rồi gửi danh sách những em trúng tuyển về trường.
"Nếu trường hợp thí sinh được đặc cách và được sở gửi danh sách về trường, chúng tôi sẽ tiếp nhận", cô Liên cho hay.