Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ sinh Trung Quốc bị bạn học dùng kim đâm vào chân 200 lần

Trong hơn 3 tháng, một nữ sinh tại Trung Quốc đã bị bạn học dùng kim may đâm vào chân 200 lần. Đáng chú ý, giới chức cho rằng hành vi này không phải bạo lực học đường.

Các vết đâm bằng kim may trên chân cô bé. Ảnh: news.china.com.

Vụ việc xảy ra tại trường học ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Theo cha mẹ của nạn nhân, con gái họ đã bị một nam sinh mới chuyển đến dùng kim may đâm vào đùi. Cây kim dài khoảng 7-8 cm, đâm xuyên vào chân cô bé, gây ra chấn thương cơ, theo Xiaoxiang Morning Herald.

"Nó đau đến mức em muốn chết", cô bé nói.

Không dừng lại ở kim khâu, cô bé cũng bị đâm bằng dao rọc giấy, bị tát, bị ép ăn giấy và ruột bút chì. Ngoài ra, cô bé còn phải đối mặt với sự cô lập xã hội và bị tống tiền hàng trăm nhân dân tệ.

Ngày 8/9, gia đình nữ sinh đăng tải video lên mạng xã hội yêu cầu công bằng. Hình ảnh ghi lại cho thấy cô bé có hàng loạt vết thương ở đùi và đồng phục đầy vết đâm.

Người mẹ cho hay bà không biết việc này do con gái học nội trú. Cô bé cũng giấu việc bị bạo lực vì sợ mẹ lo lắng. Bà cho biết nam sinh đã nói với các bạn cùng lớp rằng cha mình là "bạn của hiệu trưởng".

Cô bé đã báo với giáo viên về việc bị bắt nạt và cho xem những vết thương của mình, nhưng giáo viên chỉ khuyên em nên đến trung tâm y tế và nói rằng "không nên khiêu khích người khác".

Thông tin tới Changcheng New Media, người phát ngôn của trường cho biết nhà trường đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu để xác định xem sự việc có được phân loại là bạo lực học đường hay không.

bat nat ban anh 1

8/14 người tham gia bỏ phiếu cho rằng vụ việc không phải bạo lực học đường. Ảnh: news.china.com.

Trong số 14 người tham gia (bao gồm lãnh đạo nhà trường, luật sư và cảnh sát địa phương), 8 người bỏ phiếu cho rằng vụ việc không phải là bắt nạt.

Cơ quan giáo dục địa phương cũng đồng tình với quan điểm này, tuyên bố hành động của cậu bé "không đáp ứng các tiêu chuẩn của hành vi bạo lực học đường". Một nhân viên cho biết cả hai học sinh vẫn học cùng khối nhưng không còn ở chung lớp. Các viên chức mới đã được phân công để điều tra vấn đề này.

Vụ việc đã khiến dư luận Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ, nhiều người cho rằng kết quả này gây sốc và lố bịch.

"Các nhà chức trách đã đúng. Đây không phải là bắt nạt học đường, đây là tội tấn công và cố ý gây thương tích", một người nói.

"Trường học không nên quyết định xem đó có phải là bắt nạt hay không; pháp luật phải buộc cậu bé chịu trách nhiệm", người khác nhận định.

Luật sư Wang Qionghua, Công ty Luật Guangdong Zhiheng (Trung Quốc), nhấn mạnh theo quy định của nước này về bảo vệ trẻ vị thành niên trong trường học, bắt nạt học đường bao gồm hành vi cố ý gây hại hoặc tổn thất tài chính.

Bà chỉ ra rằng những hành động như vậy cũng có thể là tội phạm và nếu có trẻ vị thành niên tham gia, chúng có thể cần phải được đưa đến các cơ sở giáo dục đặc biệt.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Bố cải tạo nhà thành lâu đài đồ chơi để chữa nghiện điện thoại cho con

Một ông bố ở Trung Quốc đã giải quyết vấn đề nghiện điện thoại của con bằng cách biến ngôi nhà thành một lâu đài đồ chơi độc đáo. 

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm