Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước Anh - Mảnh đất ‘màu mỡ’ của âm nhạc thế giới hiện đại

Nếu như Mỹ là thị trường âm nhạc “trù phú” nhất thế giới thì xứ sở sương mù vẫn luôn thể hiện mình là một mảnh đất màu mỡ.

Nước Anh - Mảnh đất ‘màu mỡ’ của âm nhạc thế giới hiện đại

Nếu như Mỹ là thị trường âm nhạc “trù phú” nhất thế giới thì xứ sở sương mù vẫn luôn thể hiện mình là một mảnh đất màu mỡ.

Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (gọi tắt là UK) là một trong những cái nôi vĩ đại của làng nhạc thế giới. Chính thức hình thành từ thế kỷ thứ XV, nền âm nhạc UK đã trải qua nhiều cuộc biến chuyển. Cuộc chuyển biến đánh dấu một trang mới của lịch sử âm nhạc bắt đầu từ những năm 1950 trở đi với hai dòng nhạc chính là Pop và Rock. Hiện nay, Pop và Rock đã trở thành hai dòng nhạc chính “thống trị” nền âm nhạc UK và của nền âm nhạc thế giới.

Một thế hệ “đi trước” hùng mạnh

Nếu như ở nền âm nhạc Mỹ (gọi tắt là US) chúng ta có những tên tuổi vĩ đại gây sức ảnh hưởng lớn mạnh đến nền âm nhạc thế giới như: Elvis Presley, Billy Joel, Michael Jackson, Bruce Springsteen, Bob Dylan,...; ban nhạc Eagles, Aerosmith, Metallica, Journey, Boston,... thì ở UK cũng không thiếu những tên tuổi vĩ đại như thế. Sự “ám ảnh” của những nghệ sĩ solo tên tuổi như: Elton John, Eric Clapton, Phil Collins, David Bowei,... hay những ban nhạc đình đám: The Beatles, Led Zeppelin, Pink Floyd, The Rolling Stones, U2, Queen, The Police, Oasis, The Who, Radiohead,... đến những thế hệ ca sĩ/ban nhạc/nhạc sĩ thế hệ sau đó trên toàn thế giới đã thể hiện sự hùng mạnh của nền âm nhạc xứ sở sương mù.

Ban nhạc huyền thoại The Beatles đến từ Anh Quốc.

Nếu như việc “học tập” thứ âm nhạc của Michael Jackson hay Bob Dylan cho đến thời điểm này dường như đã là quá cũ, thì những “bài học âm nhạc” mà thế hệ nghệ sĩ trẻ có thể thu lượm được từ những bậc tiền bối UK vẫn còn nhiều giá trị. Trong hơi thở mới của nền âm nhạc thế giới, với việc chạy đua theo thị trường, gia tăng lợi nhuận, thì ở đâu đó vẫn có những con người miệt mài giữ lại cái “chất” âm nhạc không hề bị lạc hậu đó. Không chỉ là những nghệ sĩ trẻ của UK mà nhiều nghệ sĩ khác trên toàn thế giới vẫn không thoát khỏi sự ảnh hưởng của nền âm nhạc Anh Quốc một thời.

Thế hệ mới đầy triển vọng

Trong suốt những năm vừa qua, chúng ta đã thấy một sự trỗi dậy không ngừng của nền âm nhạc UK. Từ các nghệ sĩ solo cho tới các ban nhạc, họ đã tạo nên không ít những cơn sốt có sức “chấn động” lớn không chỉ ở quê nhà mà còn trên toàn thế giới. Từ những cái tên như Westlife, Take That, Boyzone cho tới Muse, Coldplay, hay những thế hệ trẻ hơn sau đó như James Blunt, James Morrison, Mumford & Sons, The Script, The Wanted, Lily Allen, Adele, Ed Sheeran, Tom Odell,...

Adele - Họa mi nước Anh.

Điểm đặc biệt ở những nghệ sĩ UK này là họ thể hiện được cái tôi của mình trong âm nhạc. Đó là cả một quá trình mày mò, học tập và sáng tạo để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vừa kế thừa chất âm nhạc “bác học” của thế hệ đi trước, vừa mang hơi thở mới mẻ của thời đại. Không chỉ chịu sự ảnh hưởng từ các nghệ sĩ UK, cũng như không hoàn toàn tất cả những tác phẩm của họ đều đạt được thành công mỹ mãn, nhưng họ cũng đã chứng tỏ rằng tiềm năng âm nhạc ở vùng đất Anh Quốc là vô cùng dồi dào.

Các cuộc thi

Các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc đang phát triển nở rộ ở nhiều nước trên thế giới. Không phải vị quán quân hay á quân nào cũng có một sự nghiệp vinh quang sau đó, và ở UK cũng vậy. Tuy nhiên, một vài cái tên được “sinh ra” từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc ở Anh Quốc cũng đã khiến công chúng phải ngỡ ngàng.

Will Young.

Từ một mùa giải hiếm hoi của Pop Idol chúng ta có một quán quân là Will Young. Tiếp theo đó, qua 9 mùa giải của The X Factor những cái tên như Shayne Ward, Leona Lewis, Leon Jackson, Alexandra Burke, JLS, Olly Murs, One Direction, Little Mix, James Arthur,... cũng đã tạo được nhiều tiếng vang lớn. Và mới đây khi The Voice bắt đầu đổ bộ vào UK, khán giả cũng có cơ hội tìm thấy một tài năng âm nhạc mới như Leanne Mitchell hay Bo Bruce. Đôi khi họ không cần phải trở thành quán quân nhưng khả năng “công phá” thị trường âm nhạc thế giới của Olly Murs hay One Direction lại khiến nhiều nhà sản xuất chương trình truyền hình khác vội vã mua bản quyền về để tìm ra những “X-Factor” của nước mình.

Công chúng

Với dân số khoảng 63 triệu người, bằng 1/5 dân số nước Mỹ, nhưng UK vẫn là một trong số những nước có khả năng tiêu thụ các sản phẩm âm nhạc (CD, nhạc số) mạnh nhất thế giới. Thêm vào đó là khả năng của người dân bỏ ví tiền ra để xem các buổi biểu diễn âm nhạc trực tiếp hoặc qua kênh truyền hình có trả  tiền.

One Direction.

Sau cuộc suy thoái kinh tế cuối năm 2009 – năm 2010, nền kinh tế Anh Quốc đã dần tăng trưởng trở lại, với những con số về GDP, GNP khả quan hơn. Các show âm nhạc vẫn được tổ chức thường xuyên ở những thành phố lớn, không chỉ của nghệ sĩ trong nước mà còn có cả những nghệ sĩ đến từ Mỹ, Canada,... Với một nền công nghiệp thu âm phát triển từ rất sớm cùng với nhu cầu thưởng thức âm nhạc của đông đảo người dân, UK đã và đang là một vùng đất có nền âm nhạc lớn mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, thành công hay không lại vẫn phụ thuộc vào chiến lược phát triển thị trường cùng khả năng đầu tư của mỗi nghệ sĩ/ công ty/ hãng thu âm.

Tạm kết

Hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi như vậy để phát triển một nền âm nhạc lớn mạnh hơn, tấn công ra thị trường âm nhạc thế giới – UK vẫn đang là mảnh đất hứa cho những “làn sóng” âm nhạc mới. Sự thành công của các nghệ sĩ không hẳn là họ bán được bao nhiêu đĩa, họ ở vị trí thứ bao nhiêu trên các BXH âm nhạc quốc tế, MV của họ có bao nhiêu lượt người xem,... mà là ở những gì họ sáng tạo được với cá tính âm nhạc của mình và hình ảnh của họ tốt – xấu ra sao trong lòng công chúng.

Theo Tiin

Theo Tiin

Bạn có thể quan tâm