Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nước mắt học trò đằng sau bảng xếp hạng điểm thi vào lớp 10

Đằng sau những bảng thành tích rực rỡ của các trường, không ít phụ huynh và học sinh phải rơi nước mắt.

tuyen sinh lop 10 anh 1

Sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, Phòng GD&ĐT nhiều quận, huyện sẽ thống kê và xếp hạng các nhà trường dựa trên điểm thi. Ảnh minh họa: Thành Đông.

“Cô giáo ơi, xin cô lần cuối cho cháu được dự thi!”

Mắt người mẹ đẫm lệ khi cố gắng xin cho con mình được thi lên lớp 10 công lập. Không chỉ chị, nhiều phụ huynh dự cuộc họp để ký vào đơn cam kết không cho con thi vào lớp 10 đều khóc. Một người mẹ lẩm nhẩm một mình: “Chín năm học mà giờ con không được thi, tội lắm cô giáo ạ”.

Đau lòng khi phải ép học sinh không thi lớp 10

Trong tâm trí chị H., giáo viên một trường THCS ở Hà Nội, hình ảnh đó không bao giờ mờ đi. Nhưng nếu thương những học sinh này mà cho đi thi, ai sẽ thương cô, thương nhà trường?

Bởi, giáo viên này biết chắc các em này có đi thi cũng chỉ 3, 4 hoặc 5,6 điểm/môn, khi đó, trường sẽ tụt hạng. Vì vậy, hầu hết trường THCS ở Hà Nội sẽ phân loại các học sinh này, vận động các em đi học nghề, học dân lập và viết đơn xin không thi vào lớp 10 trước khi kỳ thi diễn ra.

Tất nhiên, nhiều gia đình vẫn kiên trì không chịu viết đơn. Nhưng giáo viên sẽ ép bằng cách: “Nếu cứ muốn thi, con sẽ không đủ điều kiện tốt nghiệp, phải học lại vì điểm trong năm rất thấp. Còn nếu viết đơn, nhà trường sẽ tạo điều kiện để con tốt nghiệp THCS”… Và còn rất nhiều chiêu thức nữa được áp dụng.

Chính bản thân giáo viên, nhà trường cũng nhận thức đây là hành động phản giáo dục. Chị H. đã nhiều lần chạy lên xin Ban giám hiệu: “Sếp ơi, hay cứ để em A. thi đi? Cố lắm em ấy cũng được 5 điểm sếp ạ”.

Thế nhưng, giáo viên này chỉ nhận lại câu trả lời như vết dao cứa vào tâm can: “Một em điểm vậy thì bao cố gắng của nhà trường xuống sông xuống biển, không được chị ạ, cố vận động thôi!”.

Dạy học sinh 4 năm, chị H. đã coi chúng như con. Vậy, nguyên nhân gì đã buộc các nhà trường thực hiện các hành động phản giáo dục ấy?

Những bảng thành tích rực rỡ

Hàng năm, vào thời điểm này, tức ngay sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, Phòng GD&ĐT nhiều quận, huyện sẽ ngay lập tức thống kê và xếp hạng các nhà trường dựa trên điểm thi.

Mặc cho địa bàn các trường và chất lượng đầu vào khác nhau, tất cả đều cùng nằm trên một bàn cân. Trường nào xếp thứ hạng thấp, trong cả năm học tiếp theo, hiệu trưởng sẽ liên tục bị phê bình hoặc nhắc nhở. Nỗi lo này lại tiếp tục được trút lên giáo viên. Giáo viên ép phụ huynh… Và, một vòng luẩn quẩn đẫm nước mắt diễn ra.

Không những thế, Sở GD&ĐT Hà Nội còn thống kê điểm trung bình các môn thi của các quận, huyện và xếp thứ tự. Thứ tự này được mặc định là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng giáo dục của quận, huyện đó.

Chính vì vậy, quận, huyện nào xếp thứ bậc chưa cao; quận, huyện nào tụt thứ bậc so với kết quả năm học trước; quận nào là quận “lõi” (chưa nằm trong top 3, top 5), trưởng Phòng GD&ĐT sẽ vô cùng lo lắng.

Cả năm học tiếp sau đó, các trưởng phòng này sẽ liên tục nhắc nhở các nhà trường về công tác “phân luồng”, hướng nghiệp cho học sinh 9, công tác ôn tập thi vào 10… để tăng thứ hạng.

Vậy là các thầy cô, học sinh chịu áp lực cuối cùng. Bởi, chỉ vài em yếu kém dự thi sẽ kéo điểm trung bình của cả khối 9 xuống.

Những ngày tháng tiếp theo, những học sinh đã “phân luồng” thẫn thờ ngồi trong lớp “như người thừa”. Kỳ thi tuyển sinh vào 10 ở Hà Nội vừa qua, một số trường THCS top dưới bật lên xếp thứ cao trong quận, nhưng tỷ lệ học sinh không thi lên đến 47-50%. Do đã loại bỏ “những người thừa”, điểm số và thứ bậc cũng được cải thiện hẳn.

Không khó để nhìn ra những bảng thành tích rực rỡ đang nằm trên nước mắt xót xa của biết bao người. Nó đã tước đoạt của học sinh cơ hội mà ai cũng phải có. Liệu, đánh giá chất lượng một trường học có nên chỉ căn cứ chủ yếu vào điểm thi cuối cấp?

“Kính mong Sở GD&ĐT Hà Nội gỡ bỏ nút thắt này, cởi trói cho giáo viên và nhà trường! Việc Sở GD&ĐT xếp thứ hạng điểm thi các quận huyện; Phòng GD&ĐT xếp thứ hạng điểm thi các nhà trường chính là bệnh thành tích, là căn nguyên, gốc rễ của vấn đề. Có cắt bỏ được căn bệnh này, học sinh mới được hưởng môi trường giáo dục đúng nghĩa”, cô H. bày tỏ.

(Bài viết dựa trên chia sẻ của một giáo viên THCS ở Hà Nội)

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Hà Nội yêu cầu kiểm tra hiện tượng 'ép' học sinh không thi vào lớp 10

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các Phòng GD&ĐT rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm (nếu có) tình trạng vận động học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm