Nước Mỹ kỷ niệm 17 năm kể từ khoảnh khắc kinh hoàng 11/9
Thứ tư, 12/9/2018 07:10 (GMT+7)
07:10 12/9/2018
Gia đình các nạn nhân gửi lời cầu chúc cho đất nước, kêu gọi sự đoàn kết và yêu cầu các quan chức không lợi dụng vụ khủng bố năm 2001 làm công cụ chính trị.
Các hoạt động tưởng niệm đã diễn ra ở nhiều nơi trên nước Mỹ trong ngày 11/9, nhân kỷ niệm 17 năm vụ khủng bố chấn động. Trong ảnh là khung cảnh tại nơi trước đây là một trong hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, tòa nhà bị máy bay của bọn khủng bố đâm vào trong ngày định mệnh.
Gia đình các nạn nhân gửi lời cầu chúc cho đất nước, kêu gọi sự đoàn kết và yêu cầu các quan chức không lợi dụng vụ khủng bố năm 2001 làm công cụ chính trị trong bối cảnh nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc, theo AP.
"Hy vọng của tôi là sự phân biệt, thù ghét và lòng tin mù quáng sẽ chấm dứt và tất cả chúng ta sẽ ngồi lại cùng nhau, yêu thương nhau", Debra Epps, chị gái một nạn nhân trong vụ khủng bố, nói với AP.
Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã đến dự lễ kỷ niệm tại Shanksville, Pennsylvania, nơi một trong những chiếc máy bay bị không tặc trong vụ khủng bố rơi xuống, làm 40 người thiệt mạng. Phi hành đoàn và hành khách trên chiếc máy bay này đã nhận ra chuyện gì đang xảy ra và một số hành khách cố gắng đột nhập buồng lái.
Gọi đó là "khoảnh khắc người Mỹ chiến đấu lại", Tổng thống Trump nói vụ rơi máy bay đã "kiểm soát số phận của họ và thay đổi lịch sử". Ông gọi họ là những "anh hùng bất tử" của nước Mỹ.
Gần 17 năm trôi qua nhưng dường như cả thế giới nói chung và người Mỹ nói riêng vẫn không thể quên 102 phút kinh hoàng, kể từ thời khắc chiếc máy bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào tháp phía bắc thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 11/9/2001.
Các vụ tấn công xảy ra trong ngày 11/9 đã khiến 2.996 người thiệt mạng, trong đó có 343 lính cứu hỏa. Riêng vụ không tặc vào hai tòa tháp đôi ở thành phố New York đã khiến 2.606 người thiệt mạng. Hơn 6.000 người bị thương sau các vụ khủng bố này và đến nay hài cốt của hơn 1.000 nạn nhân thiệt mạng vẫn chưa được nhận dạng.
AP bình luận sự kiện 11/9 vẫn tiếp tục định hình chính sách, chính trị và cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ ở mọi nơi từ sân bay đến văn phòng làm việc, dù sự hiện diện của nó trong ý thức công chúng đã giảm bớt so với cách đây 17 năm.
Dịp kỷ niệm năm nay diễn ra vào lúc cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang trong giai đoạn cao trào. Song đã có những nỗ lực để tách biệt việc tổ chức tưởng niệm với các chiến dịch tranh cử. Trong ảnh là công chúng theo dõi ông Trump phát biểu tại địa điểm ở Pennsylvania.
Một công trình tưởng niệm mới, mang tên Tower of Voices (tạm dịch: ngọn tháp của những tiếng nói), vừa được dựng lên ở Shanksville.
Công trình cao 93 foot (tức khoảng hơn 28 m), có gắn 40 quả chuông gió, tượng trưng cho 40 người thiệt mạng, nằm trong quần thể Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93.
Các hoạt động nhằm vinh danh đội ngũ cứu hộ và khắc phục hậu quả tại Trung tâm Thương mại Thế giới 17 năm trước cũng đang được tiến hành. Đây được xem là cách để xác nhận những người mắc bệnh hoặc qua đời vì nhiễm độc trong chiến dịch. Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự gia tăng về các trường hợp suy giảm chức năng hô hấp, rối loạn tâm lý và nhiều căn bệnh khác trong những người từng lăn lộn trên đống đổ nát của 2 tòa tháp.
Khoảng 38.500 người đã đăng ký nhận tiền bồi thường, với hơn 3,9 tỷ USD đã được phê duyệt. Trong ảnh là địa điểm tưởng niệm sự kiện 11/9 tại trụ sở Lầu Năm Góc.
Ngày qua ngày, các chuyên gia giám định tại Mỹ lặp đi lặp lại một quy trình hàng chục lần để xác định danh tính của các nạn nhân trong vụ khủng bố ở Tòa tháp đôi ngày 11/9/2001.
17 năm sau thảm họa 11/9, khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York đang được xây dựng lại, trung tâm kinh tế - tài chính của nước Mỹ đã có biểu tượng mới.
Hình ảnh những chiếc máy bay lao vào tòa tháp đôi ở Trung tâm Thương mại Thế giới, thành phố New York, khiến hàng nghìn người thiệt mạng sau 17 năm vẫn ám ảnh nước Mỹ.