Truyền hình, mạng xã hội đang lan truyền ngày càng nhiều câu chuyện về thần đồng, những em bé có trí tuệ siêu việt, đã vô tình tạo ra kỳ vọng và áp lực lực học hành "con nhà người ta" cho phụ huynh và những đứa trẻ.
Tại hội thảo "Không phải thiên tài, con là duy nhất" do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Gò Vấp, TP.HCM, và Viện Di truyền Y học tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng thiên tài, thần đồng là những người xuất chúng nhưng không phải thiên tài nào cũng hạnh phúc với điều đó.
Muốn trở thành thiên tài phải trả giá
Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM, cho biết bà tham gia sản xuất format một chương trình truyền hình về trí tuệ, nhưng khi chương trình phát sóng, bà không xem tập nào. Nữ giảng viên cũng bảo những người quen của mình rằng chỉ xem cho vui thôi, đừng quay sang so sánh con mình với các em bé đó.
“Phụ huynh nào cũng mong con mình là thiên tài hoặc ít nhất là nhân tài. Đó là mong muốn rất chính đáng và dễ hiểu. Nhưng, thiên tài, nhân tài thường rất hiếm và cũng có cái giá của nó”, nữ thạc sĩ nói.
Thạc sĩ Tô Nhi A và bác sĩ Nguyễn Hữu Nguyên tư vấn cho phụ huynh về kinh nghiệm nuôi dạy con. Ảnh: M.N. |
Bà dẫn trường hợp nhà vật lý vĩ đại Albert Einstein để ví dụ cho điều này. Einstein ngày còn bé luôn bị gán mác là cậu bé chậm chạp, cá biệt. Lúc ấy, không ai biết rằng đó là biểu hiện của thiên tài.
Mẹ Einstein đã chống lại cả xã hội để bảo vệ sự bình thường của con. Bà cũng tự dạy con mình học vì không trường học nào chấp nhận cậu bé chậm tiến, cá biệt.
Tại Việt Nam, trường hợp bé Anh Khang được mệnh danh là "cậu bé biết tuốt", có biệt tài về ngôn ngữ và kiến thức phong phú. Nhưng ít ai biết rằng ba của bé Khang đã phải từ bỏ công việc của mình để đi theo sự phát triển của con, làm bạn với con. Đơn giản vì cậu bé quá xuất sắc nên không thể chơi cùng bạn bè đồng trang lứa.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Di truyền Y học, khẳng định mỗi đứa trẻ có gen di truyền khác nhau nên sẽ có khả năng về thể chất, trí tuệ khác nhau. Phụ huynh cần hiểu con mình để định hướng cho trẻ về học tập, rèn luyện... phù hợp với chính năng khiếu của trẻ. Không nên bắt con mình phải giỏi như con nhà người ta.
"Thiên tài, nhân tài, người có năng khiếu, kỹ năng cũng chỉ là sự phân chia của xã hội về một khả năng nào đó. Mình cứ làm tốt nhất khả năng của mình, vui vì ngày hôm nay làm tốt hơn ngày hôm qua. Còn cứ gồng mình lên theo kỳ vọng của xã hội thì sẽ sinh ra đau khổ", bác sĩ Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, phụ huynh thường quan niệm đứa trẻ thông minh có tư duy logic và toán học tốt. Điều này không đúng hoàn toàn. Học toán tốt chỉ là một loại khả năng. Có em sẽ có khả năng về thần kinh vận động. Có em vượt trội khả năng ngôn ngữ. Nếu con em không có năng khiếu như phụ huynh kỳ vọng, đó cũng không hẳn là đứa trẻ ngu hay dở. Thay vào đó, phụ huynh nên tìm ra năng khiếu riêng của con để phát triển.
"Để tìm được năng khiếu riêng của con, phụ huynh phải hiểu được tính cách chúng. Muốn hiểu được tính cách, sở thích của con, cha mẹ phải làm bạn của con. Như vậy, điều quan trọng nhất là phụ huynh phải lắng nghe, hiểu và làm bạn được với con mình", bác sĩ Nguyên khuyên.
Chuẩn bị tốt nhất cho con
Khi nghe chuyên gia chia sẻ, có phụ huynh đặt câu hỏi: Vậy cha mẹ có thể nuôi con trở thành thiên tài được không?
Thạc sĩ Tô Nhi A cho rằng một đứa trẻ có thể trở thành thiên tài nếu hội tụ đủ các yếu tố: Gen di truyền, điều kiện phát triển tốt nhất và đứa trẻ phải tự nguyện theo đuổi quá trình phát triển thành thiên tài.
Phụ huynh thắc mắc về việc nuôi dạy con thế nào để trẻ phát triển tốt nhất có thể. Ảnh: M.N. |
Thạc sĩ tâm lý lấy ví dụ về thủ môn Đặng Văn Lâm. Cầu thủ này chưa hẳn là thiên tài nhưng có dấu hiệu tài năng rất rõ. Lâm Tây sinh ra trong dòng họ có truyền thống về nghề múa, nhiều người là nghệ sĩ múa nổi tiếng của Việt Nam. Như vậy về mặt gen di truyền, cầu thủ này đã có khẳng năng vận động tốt.
Nhưng nếu không có quá trình dùi mài, kiên trì luyện tập từ Nga rồi về các câu lạc bộ Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai, Hải Phòng, chưa chắc đã có Lâm Tây ngày hôm nay. Anh ấy đã chuyên tâm theo đuổi và có sự ủng hộ từ cha mẹ, được tạo điều kiện ở những lò đào tạo năng khiếu tốt ở Nga.
“Đứa trẻ nào cũng chịu sự tác động giáo dục gia đình và môi trường. Có thể trở thành thiên tài hay không sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố. Có những yếu tố bạn không thể can thiệp được, chẳng hạn như cốt gen, xu hướng phát triển của trẻ. Nhưng có những yếu tố, bạn phải chuẩn bị cho con điều kiện tốt nhất: Tâm lý, tiến trình trưởng thành của đứa trẻ phải thuận lợi, không bị gián đoạn. Ở đó, cha mẹ tính luôn yếu tố vật chất mà đứa trẻ được thụ hưởng", thạc sĩ Tô Nhi A chia sẻ.
Giảng viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM cũng cho rằng nói như vậy không có nghĩa bắt cha mẹ phải gồng lên cho bằng những bậc cha mẹ khác. Nhưng trong điều kiện có thể, phụ huynh phải chuẩn bị những gì tốt nhất cho con, từ bữa ăn, giấc ngủ, lịch trình sinh hoạt, môi trường giáo dục, lời nói, ứng xử.