Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nuôi giấc mơ trên chiếc xe lăn

Sinh ra với đôi tay, chân không lành lặn nhưng Hoàng Tố Uyên - học sinh trường THPT Lương Thế Vinh (Điện Biên) - không coi đó là sự thiệt thòi mà trở thành động lực để em phấn đấu.

Tố Uyên thu hút sự chú ý của người đối diện bởi điều đặc biệt của mình. Em gần như không bao giờ rời khỏi chỗ ngồi trong mỗi giờ nghỉ, ít nói và có đôi bàn tay rất đặc biệt...

Theo lời kể của người thân, trong thời gian mang thai, chị Nguyễn Thị Láng (mẹ Uyên) trải qua trận ốm “thập tử nhất sinh”. Trận ốm ấy khiến mẹ không “tròn” mà con cũng chẳng “vuông" như mong mỏi của gia đình.

Cô học trò đặc biệt

Sau khi sinh, mẹ Uyên phải mổ đi mổ lại, đến lần thứ 3 bác sĩ mới phát hiện có một khối u lớn nằm ẩn phía dưới dạ con. Còn Uyên thì tròn như một quả bóng vì bị dính đa khớp, tứ chi mềm như sợi dây. Anh Hoàng Văn Tưởng (bố Uyên) nhớ lại: "Nhiều lúc quấn tã cho con tôi không dám gấp lên vì sợ gấp phải chân con".

Cũng từ ngày đó, bố mẹ Uyên phải chắt chiu từng đồng tiền để đưa con đi chữa trị. Uyên trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để có thể ngồi xe lăn đến trường như ngày hôm nay.

giac mo tren chiec xe lan anh 1

Hoàng Tố Uyên miệt mài hoàn thiện tác phẩm tranh gạo. Ảnh: Giáo dục & Thời đại.

Kể về hành trình học tập của con, anh Tưởng nói: "Từ khi Uyên còn nhỏ, tôi đã hướng dẫn con tập cầm nắm để bàn tay dần cử động linh hoạt và có thể cầm được bút viết".

Ngày con chuẩn bị vào lớp 1, gia đình trăn trở không biết có nên cho Uyên đến trường vì anh Tưởng là lao động chính, vừa phải mưu sinh để nuôi gia đình vừa phải hàng ngày đưa đón con đi học. Chưa kể đến những khó khăn Uyên gặp phải khi không có người thân bên cạnh, rồi em có vượt qua được sự kỳ thị của bạn bè, có theo được các bạn…

Nhưng nhìn vào khuôn mặt bầu bĩnh và ánh mắt ngời sáng của con, anh Tưởng đến trường Tiểu học Him Lam, Điện Biên Phủ, làm thủ tục nhập học. Kể từ đó, hai cha con bắt đầu hành trình cùng chiếc xe lăn hàng ngày đến trường. Không phụ công cha mẹ, thầy cô, trong 5 năm học tiểu học, Uyên mất một năm đầu vất vả làm quen còn 4 năm tiếp theo luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc và đã đoạt giải nhì trong kỳ thi học sinh giải Toán qua mạng cấp tỉnh.

Nỗ lực vượt khó

Năm 2017, sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, Uyên đỗ vào lớp 6 trường THPT Lương Thế Vinh, tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, với tiêu chí đào tạo chất lượng cao của trường, đòi hỏi học sinh tích cực, chủ động tham gia nhiều hoạt động giáo dục, anh Tưởng lo ngại thể lực của con sẽ không đáp ứng được. Với mong muốn con mình được học trong môi trường giáo dục tốt nên anh đã mạnh dạn trao đổi với lãnh đạo nhà trường về điều kiện, hoàn cảnh cũng như nguyện vọng của con.

Thật may mắn, Uyên được nhà trường mở rộng vòng tay đón nhận. Trong thời gian học tại đây, Uyên cũng gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt trong việc di chuyển lên phòng học chuyên môn ở tầng 2, tầng 3 của giảng đường. Tuy nhiên, vượt qua mọi trở ngại của bản thân, Uyên có thành tích học tập đáng ghi nhận.

Thầy Hoàng Văn Thông, Hiệu trưởng nhà trường, nói: "Uyên là học sinh kém may mắn về hình thể nhưng có tố chất, nhận thức nhanh, rất chăm chỉ và đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu trong học tập và rèn luyện. Kết quả lớp 6-7, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn Ngoại ngữ của nhà trường tham gia các kỳ thi Olympic cấp thành phố".

Cũng theo thầy Thông, với quan niệm không chỉ dạy tốt kiến thức mà còn có nhiệm vụ giáo dục các em thành những công dân tốt, biết quan tâm chia sẻ với khó khăn của những người xung quanh, nhà trường giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên trực tiếp giúp đỡ Uyên, giao cho lớp trực tuần giúp Uyên di chuyển lên phòng học…

Việc làm này đã và đang được duy trì từ khi Uyên vào học lớp 6 đến nay. Các lớp trực tuần đều thực hiện nhiệm vụ một cách có trách nhiệm, tự nguyện và vui vẻ. Phụ huynh, khách đến tham quan nhà trường luôn ấn tượng với hình ảnh một cô học trò được các anh chị khối THPT giúp đỡ di chuyển lên học các phòng bộ môn trong không khí vui vẻ, đầy ắp tiếng cười.

Chuẩn bị cuộc thi tài năng cho học sinh trước mỗi dịp kỷ niệm Ngày Học sinh - Sinh viên Việt Nam (9/1), Uyên cũng tham dự với ý tưởng hằng ấp ủ là làm bức tranh về khoảnh khắc ấn tượng đầu tiên tại ngôi trường bằng chất liệu gạo đặc sản Điện Biên. Đó là hình ảnh các anh chị lớp 11 khênh em cùng chiếc xe lăn lên tầng 3 giảng đường. Khoảnh khắc đó em thấy mình không còn cô đơn, không còn cảm giác tự ti nữa.

Nhìn bàn tay nhỏ xíu cầm nhíp gắp từng hạt gạo cẩn thận xếp vào từng nét vẽ, tôi hỏi: “Em có hy vọng mình đoạt giải trong cuộc thi này không?”.

Em hồn nhiên trả lời: “Em không tham vọng mình đoạt giải, chỉ muốn dùng bức tranh thay cho lời cảm ơn đến thầy cô, các anh chị và các bạn đã cho em niềm hy vọng. Em mong muốn bức tranh sẽ lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái đến nhiều người, để những bạn có hoàn cảnh kém may mắn đều nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ những người xung quanh”.

Trong căn nhà nhỏ nơi 4 thành viên gia đình Uyên sinh sống, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng tràn đầy tình yêu thương của các thành viên. Tôi chợt nhận ra rằng, dù sinh ra với thân hình không lành lặn nhưng em có một gia đình hoàn hảo. Đó chính là cái nôi nuôi dưỡng ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ lạc quan và không chịu khuất phục số phận của em.

Nghị lực phi thường của thầy giáo dạy Toán

Nhiều năm qua, thầy Nguyễn Đức Trường, giáo viên trường THCS Đa Tốn (Hà Nội), không chỉ là nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, mà còn là tấm gương về nghị lực phi thường.

https://giaoducthoidai.vn/tre/nuoi-giac-mo-tren-chiec-xe-lan-4056557-b.html

Theo Lò Hiền (Giảng viên Mỹ Thuật, Trường CĐSP Điện Biên) / Giáo dục & Thời đại

Bạn có thể quan tâm