Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, mới đây, tiếp nhận bệnh nhi 12 tuổi, nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ vùng hạ vị tăng dần, bệnh đã diễn biến hai tuần trước khi nhập viện. 3 ngày trước đó, bệnh nhân đau bụng tang kèm theo sốt cao 38 đến 39 độ C, mệt mỏi, ăn uống kém.
Gia đình đưa bệnh nhi đi khám nhiều lần trong vòng một tháng qua nhưng đều được chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa, cho đơn thuốc về nhà uống.
Phẫu thuật nội soi tìm "thủ phạm" gây đau bụng, phát sốt ở trẻ. Ảnh: Lao Động. |
Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nghi ngờ bệnh nhi có tình trạng nhiễm trùng trong ổ bụng. Tuy nhiên, đây là một trường hợp khó, bệnh cảnh toàn thân và ổ bụng không tương xứng với thời gian đau bụng là hai tuần. Kíp trực đã cùng hội chẩn và đưa ra hướng điều trị.
Kết quả siêu âm ổ bụng chỉ thấy hình ảnh dày thành một số quai ruột non, hình ảnh phim X-quang ổ bụng tuyến dưới không phát hiện dấu hiệu bất thường. Do nguyên nhân nhiễm trùng ổ bụng chưa rõ, các bác sĩ chụp cắt lớp vi tính ổ bụng.
Hình ảnh trên phim chụp cắt lớp phát hiện dị vật dài khoảng 3 cm, đã chọc thủng thành ruột và gây tình trạng viêm phúc mạc khu trú trong ổ bụng. Bệnh nhi được phẫu thuật nội soi ngay sau đó.
Các bác sĩ thấy đoạn ruột bị thủng là đại tràng Sigma (đoạn đại tràng gần cuối cùng), chỉ cách rìa hậu môn khoảng 20 cm. Một mảnh xương bị mắc ở đó trong thời gian dài khiến đoạn ruột viêm dày, đầu xương chọc thủng thành ruột.
Tuy nhiên, lỗ thủng lại được các quai ruột non bọc lại, cô lập ổ viêm với ổ bụng. Chính vì vậy, triệu chứng của bệnh nhi rất mờ nhạt, diễn biến chậm.
Trong trường hợp bệnh nhi này, thông thường, nếu lỗ thủng không được quai ruột non bít lại như trên, phân sẽ tràn vào ổ bụng, gây nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, thậm chí tử vong.
Bệnh nhân được ê-kíp phẫu thuật nội soi lấy dị vật, khâu lỗ thủng đại tràng Sigma, lau rửa sạch ổ bụng, đặt dẫn lưu ổ bụng theo dõi và đưa quai ruột non ra ngoài làm dẫn lưu hồi tràng.
Hiện bệnh nhân hết sốt, tỉnh táo.