Những ngày gần đây, dư luận tranh cãi về tình huống được in trong cuốn sách tham khảo Bài tập thực hành kĩ năng sống 4 do nhóm tác giả Lưu Thu Thủy (Chủ biên), Trần Thị Thái Hà, Đào Vân Vi biên soạn của NXB Đại học Sư phạm.
Theo lý giải của NXB Đại học Sư phạm, tình huống nằm trong bài tập 2, thuộc cuốn sách Bài tập thực hành kĩ năng sống 4, chủ đề 4 – Kĩ năng tự bảo vệ mình với nội dung của bài tập là “Tình huống an toàn và không an toàn” cùng các yêu cầu cụ thể:
Em hãy đọc kỹ các tình huống dưới đây và cho biết:
- Tình huống nào là không an toàn? Các bạn trong những tình huống đó có thể gặp nguy cơ gì?- Khi gặp tình huống không an toàn như vậy, các bạn đó cần phải làm gì?
Như vậy, nếu chỉ đơn thuần đọc nội dung tình huống mà chưa xem xét yêu cầu của bài tập thì có thể hiểu lầm.
Tiếp theo đó, mạch logic của việc xây dựng nội dung Chủ đề 4 hướng các em học sinh tới 03 bài tập tiếp theo để thực hành, rèn luyện kĩ năng tự bảo vệ mình với các yêu cầu có độ khó tăng dần: Bài tập 3 (gồm 13 tình huống), Bài tập 4 (gồm định hướng 13 hành động cụ thể, thiết thực), Bài tập 5 (gồm 6 hướng dẫn cụ thể, thiết thực, hiệu quả).
NXB Đại học Sư phạm cho rằng: Việc đưa các tình huống cụ thể, có tính thực tiễn vào trang sách, giúp học sinh được tiếp xúc, nhận diện và phát hiện ra các nguy cơ tiềm ẩn mà mình có thể gặp phải để chủ động có biện pháp phòng tránh, tự bảo vệ mình trong cuộc sống thực hằng ngày là cần thiết.
Điều này hoàn toàn phù hợp logic tiếp nhận thông tin, rèn luyện kĩ năng sống của trẻ; đồng thời, đáp ứng được yêu cầu của công tác giáo dục hiện nay là giáo dục trẻ dựa trên các tình huống có tính hiện thực, không né tránh, thuyết giảng chung chung, thông tin mập mờ. Qua việc hoàn thành các yêu cầu của bài tập tình huống này, học sinh được rèn luyện để biết cách nhận diện từ tình huống cụ thể mà tránh được nguy cơ, rủi ro bị buôn bán, bị bắt cóc hoặc bị xâm hại tình dục.
Chủ đề 4 góp phần định hướng cho học sinh có những hành động đúng đắn, giúp giảm thiểu mức độ, nguy cơ, diễn biến và hậu quả của tình hình xâm hại tình dục, bắt cóc và buôn bán trẻ em vị thành niên đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trở thành “vấn nạn” của rất nhiều quốc gia hiện nay.
Trước đó, trao đổi với Zing.vn, TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội nói, không nên đưa tất cả những tình huống về giới tính ra mổ xẻ. Điều này sẽ mang lại hiệu quả giáo dục không cao. Trẻ em có thể gặp hàng ngàn tình huống khác nhau trong cuộc sống, mổ xẻ hết các con sẽ không thể nhớ được mà xử lý. Với giáo dục giới tính, tốt nhất là nên dạy trẻ nguyên tắc để tự ứng dụng một cách sáng tạo trong các tình huống cụ thể.
Cô Thùy Linh – giáo viên tiểu học tại Hải Dương cho rằng, tình huống này bất ổn. "Bình thường, chúng tôi cũng dạy cách học sinh bảo vệ thân thể khỏi bị xâm hại nhưng không kể chuyện như thế này. Tôi thường nhắc nhở học sinh theo cách đơn giản: Không chỉ các bạn gái dễ bị lợi dụng mà có thể cả bạn nam. Vì vậy, khi đi tắm ở bể bơi hay thay đồ ở những nơi công cộng, các con chú ý không cho người khác động chạm vào người. Nếu xảy ra, các con nhớ hét lên”.
Còn ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, ông đã trực tiếp kiểm tra vụ việc. NXB Đại học Sư phạm cho biết, theo một nguồn thống kê có 95% dư luận phụ huynh cho rằng cách viết của sách không vấn đề gì. NXB sẽ sắp xếp trả lời PV sau.