Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

NXB ĐH Quốc gia Hà Nội lên tiếng nghi vấn từ điển sai chính tả

Đại diện Nhà xuất bản ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng để phân định được các từ chính tả viết đúng hay sai, cần có kết luận chính thức từ hội đồng chuyên môn uy tín.

Những ngày qua, nhiều chuyên gia ngôn ngữ chỉ ra hàng loạt lỗi sai chính tả trong cuốn "Từ điển Chính tả tiếng Việt" của Nhà xuất bản (NXB) ĐH Quốc gia Hà Nội (PGS.TS Hà Quang Năng Chủ biên - Thạc sĩ Hà Thị Quế Hương).

Sách nhầm lẫn S với X, X với S, không phân biệt được D hay GI, TR hay CH, N hay NG, IN hay INH, C hay Q, IU hay ƯU, R hay GI, R hay D...

Các chuyên gia cho rằng tác giả cuốn từ điển đang nhầm lẫn giữa cách viết đã từng tồn tại với chuẩn chính tả hiện hành; giữa từ đồng nghĩa với từ có hai dạng chính tả.

Cần kết luận từ hội đồng chuyên môn

Chiều 9/6, trả lời VTC News, bà Nguyễn Hồng Nga, Phó Giám đốc NXB ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, bắt đầu từ năm 2018 NXB đã tổ chức biên tập bản thảo ban đầu của cuốn sách “Từ điển chính tả tiếng Việt” do PGS.TS Hà Quang Năng làm chủ biên.

Quá trình biên tập bản thảo diễn ra theo đúng nguyên tắc, quy trình thẩm định nghiêm ngặt và có đối chiếu với các cuốn sách từ điển ra đời trước đó.

Ngay sau khi nhận được phản ánh về một số lỗi chính tả trong cuốn từ điển chính tả này, NXB lập tức cho rà soát lại. Tuy nhiên hầu hết lỗi sai đó đều vẫn đang gây tranh cãi chung từ trước tới nay.

Bởi vì hiện nay chúng ta chưa có văn bản quy định của Nhà nước hay các hội đồng chuyên môn về từ viết chuẩn và thống nhất cách sử dụng các ngôn từ đó. Do vậy việc tranh luận về các lỗi sai đó là điều dễ hiểu.

Bà Nga cho biết PGS.TS Hà Quang Năng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về chữ viết chính tả và ngôn ngữ, kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực biên soạn từ điển nên chắc chắn ông có mục đích riêng khi viết như vậy.

"Để phân định được vấn đề về chính tả này đúng hay sai, cần có kết luận chính thức từ các hội đồng chuyên môn uy tín. NXB không thể đưa ra ý kiến cá nhân một chiều, cần có sự tư vấn kỹ lưỡng", bà Nga nói.

Hiện tại, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội đang làm việc với PGS.TS Hà Quang Năng để yêu cầu làm rõ về mục đích cuốn sách, rà soát lại về mặt ngôn từ. Nếu có sai sót, NXB sẽ đưa ra hướng xử lý và công bố thông tin rộng rãi đến dư luận.

tu dien chinh ta anh 1

Bìa cuốn sách "Từ điển chính tả tiếng Việt". Ảnh minh hoạ.

"Không coi đó là lỗi sai!"

Cùng ngày, trả lời báo chí, PGS.TS Hà Quang Năng thẳng thắn nói: “Tôi không coi những cái đó là sai, vì ngay mục đích, nguyên tắc khi biên soạn cuốn sách tôi ghi rõ là chúng tôi cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay. Trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng. Tôi cũng tuyên bố rõ trong lời giới thiệu”.

Vị phó giáo sư này cho rằng, ông đã nghiên cứu rất kỹ về chính tả tiếng Việt và chỉ ra 7 tồn tại, trong đó điều tồn tại thứ bảy là rất nhiều trường hợp có cách viết khác nhau mà không có cách nào được coi là chuẩn tuyệt đối. Bởi vì không ai đủ tư cách để đứng ra đánh giá cái này đúng hơn cái kia.

Ví dụ từ "xét sử", viết S là nằm ở trong mục S, được hiểu là xem xét lại lịch sử. Ở mục X, vẫn có "xét xử" với nghĩa là xử án. Có nhiều trường hợp viết tắt, như Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, người ta gọi tắt Liên Xô được.

Hoặc một số ý kiến cho rằng tiếng Việt chỉ có con "trai", nhưng thực tế tiếng Việt có từ chỉ con cá chai, một loại cá giống cá thờn bơn nhưng méo một miệng, thế nên có câu "thờn bơn méo miệng chê chai lệch mồm". Từ "quốc", không nhất thiết phải viết là "q", không có quyển từ điển nào viết con chim quốc mà chỉ có trong bài thơ của Bà huyện Thanh Quan…

“Những tư liệu này chúng tôi lấy dựa trên ngân hàng dữ liệu của Viện Từ điển, không phải tôi bịa ra”, PGS Năng nói.

Chính tả tiếng Việt rất phức tạp nên nhiều độc giả chưa chắc rõ thể lệ biên soạn. Một số hiện tượng chính tả có nhiều biến thể khác nhau mà không thể coi biến thể này là chuẩn hay biến thể kia là chuẩn.

Mục đích cuốn từ điển này không phải là giải nghĩa từ này là gì mà tôi làm chính tả và đưa ra bức tranh toàn cảnh về các từ ngữ tiếng Việt xuất hiện hiện nay.

“Tôi tiếp thu các ý kiến góp ý chứ không phải khăng khăng mọi thứ mình đều đúng. Cái gì mình đúng thì nói đúng, cái gì sai thì tôi nhận sai. Sau này nếu có tái bản, chúng tôi sẽ bổ sung sửa chữa”, PGS.TS Hà Quang Năng cho hay.

Hàng loạt lỗi chính tả tên vua Lý Công Uẩn trong sách Ngữ văn

Hàng loạt tên vua Lý Công Uẩn trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được sửa thành “Lí Công Uẩn”.

https://vtc.vn/dien-dan/tu-dien-chinh-ta-viet-sai-chinh-ta-nxb-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-len-tieng-ar551132.html

Theo Minh Khôi/VTC

Bạn có thể quan tâm