PGS.TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng TPHCM cho biết qua công tác giám sát, đã phát hiện ổ bệnh sán dây lợn (Taenia solium) ở thôn Bù Gia Phúc I, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
Trước đó, theo thông báo từ người dân ở địa bàn này về việc có trường hợp nghi ngờ lợn bị nhiễm ấu trùng sán dây (lợn gạo), Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM đã cử ngay đoàn công tác đến địa phương để điều tra, thu thập mẫu thịt lợn nghi nhiễm bệnh để xét nghiệm, đồng thời qua kết quả xét nghiệm trên lợn sẽ chủ động tổ chức xét nghiệm ấu trùng bệnh lợn gạo cho nhân dân khu vực.
Thu thập mẫu thịt lợn tại thực địa. Ảnh: BSCC. |
Ngày 27/2, Đoàn công tác đã lấy mẫu thịt lợn nghi nhiễm bệnh mang về la bo của Viện để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, mẫu thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán dây lợn với mật độ 50-70 ấu trùng/kg thịt.
Sau khi có kết quả xét nghiệm thấy lợn bị nhiễm ấu trùng sán dây lợn, từ ngày 2 - 10/4, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM đã kết hợp với Trung tâm Y học dự phòng quân đội phía Nam Bộ Quốc phòng và các đơn vị y tế địa phương tiến hành điều tra xét nghiệm máu chẩn đoán huyết thanh bệnh ấu trùng sán dây lợn tại các xã của khu vực (Phú Nghĩa, Đak Ơ, Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, kết quả cho thấy 108/904 mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn, chiếm tỷ lệ 11,95 %. Trong đó, xã Phú Nghĩa chiếm 9,19 % (26/283 mẫu xét nghiệm), xã Đăk Ơ 14,9 % (48/322 mẫu xét nghiệm), xã Bù Gia Mập chiếm 11,37 % (34/299 mẫu xét nghiệm).
Theo PGS Đồng, đây là một tình trạng nhiễm bệnh rất cao, khả năng lây lan rất lớn do tập quán ăn uống, sinh hoạt của nhân dân khu vực liên quan nhiều đến nhiễm bệnh từ thịt lợn chưa nấu chín. Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM đã có Công văn thông báo cho y tế địa phương về tình trạng nói trên để phối hợp tổ chức phòng chống dịch bệnh cho nhân dân.
Theo các chuyên gia, sán dây lợn là một loại sán dây lớn, có thể dài từ 1-8 m, gồm đầu sán và các đốt sán nối tiếp nhau, sống ký sinh trong ruột non của người và có thể tồn tại suốt cuộc đời của người.
Người mắc bệnh sán dây lợn thường chỉ do một con sán. Ở mỗi đốt sán có cả bộ phận sinh dục đực và cái, sự thụ tinh được thực hiện bằng cách giao hợp chéo giữa hai đốt. Trứng sán sau khi được thụ tinh di chuyển theo ống dẫn trứng vào tử cung (tử cung chỉ là một bao túi) và nằm trong đốt sán.
Các đốt sán cuối là những đốt già, chứa đầy trứng sán (30.000-50.000). Chúng tự bò ra ngoài hậu môn hoặc theo phân ra ngoài. Trứng sán theo thức ăn hoặc nước uống nấu chưa chín vào dạ dày của người.
Dưới tác dụng của dịch vị tại dạ dày, trứng sán được thoát ra ngoài đốt sán và nở ra ấu trùng, ấu trùng sán lợn chui qua niêm mạc dạ dày vào mạch máu và mạch bạch huyết, sau đó cư trú ở tất cả mọi cơ quan trong cơ thể như não, cơ vân, tổ chức dưới da, mắt, tim, gan...
Nếu kén sán có ở não sẽ gây bệnh kén sán não. Mức độ tổn thương nặng hay nhẹ là tùy thuộc số lượng kén sán có trong não, các biểu hiện thường gặp là nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, cơn co giật (động kinh), liệt nửa người hoặc tê bì rối loạn cảm giác, khó ngủ hoặc mất ngủ, mờ mắt...