Theo giới chức thành phố Suwon, cách thủ đô Seoul 40 km về phía nam, trong số 3 phụ nữ, người mẹ ngoài 60 tuổi bị ung thư và con gái hơn 40 mắc bệnh hiểm nghèo. Họ không thể trả tiền thuê nhà lên tới 300 USD/tháng.
3 thi thể đã ở trong nhà hơn một tuần trước khi được tìm thấy. Theo cảnh sát, những người phụ nữ có vẻ đã tự sát, tuy kết quả khám nghiệm tử thi vẫn chờ xử lý. Một bức thư dài 9 trang về những khó khăn tài chính họ gặp phải đã được tìm thấy trong căn nhà.
Câu chuyện đã gây chấn động tại đất nước đứng đầu về tỷ lệ tự tử suốt gần 2 thập kỷ trong nhóm các quốc gia công nghiệp hóa. Nhiều đề xuất đã được đưa ra nhằm lấp đầy lỗ hổng trong mạng lưới an sinh xã hội của Hàn Quốc, theo Wall Street Journal.
“Tôi sẽ theo đuổi phúc lợi cho những người yếu thế hơn là lợi ích chính trị”, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu vài ngày sau vụ việc.
Sau vụ tự tử của 3 phụ nữ, tổng thống Hàn Quốc cam kết sẽ bảo vệ nhóm yếu thế. Ảnh: Yonhap. |
Người nghèo bị bỏ lại
Năm 2014, một phụ nữ ngoài 60 tuổi cùng 2 con gái tự sát vì gặp khó khăn tài chính. Sau sự việc này, các nhà lập pháp nới lỏng điều kiện nhận trợ cấp, giúp hàng trăm nghìn người tiếp cận được khoản tiền hỗ trợ.
Gia đình trong vụ việc trên, dù mắc nợ đầm đìa, đã không nộp đơn xin trợ cấp chính phủ. Họ để lại khoản tiền thuê nhà cuối cùng kèm lời nhắn “Chúng tôi xin lỗi”.
Trong vài thập kỷ vừa qua, Hàn Quốc nhanh chóng phát triển thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới - cường quốc xuất khẩu, đi đầu về công nghệ và văn hóa.
Tuy nhiên, đi kèm theo đó là xã hội đầy áp lực, nơi thành tích học tập là điều tối quan trọng và làm việc quá sức trở thành điều bình thường.
Trong khi đó, chỉ 12% GDP của Hàn Quốc được phân bổ cho công tác xã hội, theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thấp hơn 20% so với trung bình của 38 nước thành viên.
Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử đứng đầu các nước trong OECD. Ảnh: Reuters. |
Điều này có nghĩa là những người không thành công ở xứ kim chi sẽ bị bỏ lại phía sau nhiều hơn so với nhóm tương tự tại các nước phát triển khác, theo Paik Jong-woo, bác sĩ tâm thần và cựu giám đốc Trung tâm Phòng chống Tự tử Hàn Quốc.
“Mạng lưới an sinh xã hội ở Hàn Quốc không phát triển đủ nhanh và định kiến với bệnh tâm lý vẫn phổ biến”, bác sĩ Paik nói.
Hiện nay, cứ 100.000 người thì 25,7 chết do tự sát ở Hàn Quốc. Dù đã giảm 20% so với đỉnh điểm năm 2011, con số này vẫn đứng đầu OECD. Trung bình mỗi ngày có khoảng 36 vụ tự sát tại xứ kim chi.
Tự tử là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở người Hàn Quốc từ độ tuổi thiếu niên đến ngoài 30. Năm 2020, số người chết vì tự tử gấp 3 lần trường hợp tử vong do tai nạn giao thông. Điều này không ngạc nhiên bởi ngân sách duy trì an toàn đường bộ nhiều gấp 10 lần số tiền dành cho phòng chống tự tử.
Cải thiện hệ thống
Bệnh tâm lý, khó khăn tài chính và vấn đề sức khỏe thể chất là 3 nguyên nhân chính dẫn đến tự sát, theo nghiên cứu từ cơ quan chính sách quốc gia của Hàn Quốc.
Trong xã hội siêu cạnh tranh, những bất bình đẳng và tâm lý "người thắng có tất cả" đã góp phần gây nên cái chết của những gia đình nghèo.
“Bi kịch thay, chúng ta sống trong xã hội nơi cái nghèo đáng sợ hơn cái chết”, một nhóm hoạt động xã hội nhận xét.
Ít hơn 1/5 số người bị trầm cảm ở Hàn Quốc tìm đến sự trợ giúp, theo ông Kim Hyun-soo, giám đốc Trung tâm Phòng chống Tự tử Seoul.
“Tự tử thường được coi như vấn đề cá nhân hơn là vấn nạn xã hội”, ông Kim nói.
Tại Hàn Quốc, tự tử là một vấn nạn lớn nhưng chưa nhận được sự quan tâm xác đáng. Ảnh: The Telegraph. |
Khi bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm vào 2017, cựu Tổng thống Moon Jae-in đưa phòng chống tự tử trở thành một trong 100 chính sách ưu tiên. Ông đặt mục tiêu giảm tỷ lệ tự tử xuống 20/100.000 người và thành lập một tiểu ban trong Bộ Y tế. Nhưng ngân sách cho các chương trình phòng chống tự tử từ 2018 đến 2021 là 73 triệu USD, chỉ bằng 1/10 Nhật Bản.
Tổng thống Yoon, mới nhậm chức tháng 5, chưa có kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn nạn tự tử. Phản hồi vụ việc, đảng của ông cho biết sẽ đề xuất dự luật cho phép người dân nhận trợ cấp cho dù họ đang sống ở địa chỉ chưa đăng ký.
Theo lời hàng xóm, 3 người phụ nữ trong vụ việc gần đây chuyển đến thành phố Suwon để trốn những kẻ đòi nợ. Họ chưa đăng ký địa chỉ với chính quyền địa phương hay xin trợ cấp phúc lợi.
Không có thân nhân nào đến nhận 3 thi thể, giới chức địa phương cho biết. Theo ghi chú để lại, người bố và con trai đã chết 2 năm trước. Thành phố Suwon đã tổ chức đám tang và lễ hỏa táng cho những người phụ nữ này.
“Ba người phụ nữ đã chịu đựng nhiều khó khăn và bị bỏ lại trong điểm mù của hệ thống phúc lợi”, ông Yoon Myung-hwan, giới chức thành phố Suwon, nói.
Những tổ chức dân sự đã kêu gọi chính phủ nới lỏng tiêu chuẩn nhận phúc lợi. Ví dụ, nhiều người nộp đơn xin trợ cấp thường bị từ chối vì thu nhập của người thân vượt ngưỡng dù không được thân nhân giúp đỡ về mặt tài chính.
Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo kêu gọi nhận diện kịp thời những trường hợp khó khăn. Ảnh: Yonhap. |
Một số chính quyền địa phương cho biết họ dự định thúc đẩy việc tiếp cận những người gặp khó khăn. Tỉnh Gyeonggi, bao gồm thành phố Suwon, đã mở rộng đường dây nóng cho những người cần trợ cấp.
Thành phố Hwaseong, nơi 3 phụ nữ từng ở trước khi đến Suwon, thành lập đội đặc nhiệm để đến thăm hơn 10.000 hộ gia đình gặp khó khăn với các dấu hiệu như chậm thanh toán bảo hiểm hoặc tiền điện.
Trong một buổi họp khẩn cấp sau tin tức về cái chết của 3 phụ nữ, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết đã có nhiều trường hợp không xin trợ cấp vì thiếu thông tin hoặc qua đời do chưa được nhận diện và hỗ trợ kịp thời.
“Chúng ta không thể để vụ việc đau lòng như vậy xảy ra lần nữa”, ông nói.